Đại biểu Quàng Văn Hương phát biểu tại phiên thảo luận tổ.
Tại phiên thảo luận, đại biểu Quàng Văn Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La, nhấn mạnh: Luật sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 đã thay đổi căn bản so với luật hiện hành, tuy nhiên vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng. Cụ thể, dù Điều 60 của Nghị định 78 yêu cầu ngôn ngữ pháp luật phải rõ ràng, dễ hiểu và thống nhất, song thực tế vẫn tồn tại nhiều khái niệm chưa được định nghĩa đầy đủ. Các khái niệm quan trọng như “hệ thống hóa”, “quy phạm hóa chính sách” chỉ được đề cập rời rạc, không có giải thích cụ thể, trong khi Nghị định 34 trước đây từng có hướng dẫn chi tiết về các tiêu chí giả soát và hệ thống hóa. Đại biểu đề nghị cần đưa các khái niệm này trở lại luật hoặc chí ít là quy định rõ trong nghị định hướng dẫn thi hành, kèm theo tiêu chí cụ thể để thực hiện, tránh tình trạng văn bản pháp luật thiếu đồng bộ, gây khó khăn trong áp dụng.
Đại biểu cũng đề xuất làm rõ khái niệm “đồng bộ hóa”, “giải pháp” và “biện pháp” trong xây dựng chính sách. Theo phản ánh từ thực tiễn triển khai, hiện nay vẫn còn sự nhầm lẫn giữa các khái niệm “giải pháp” và “biện pháp” trong các văn bản chính sách. Giải pháp mang tính tổng thể, kỹ thuật hoặc tài chính nhằm đạt mục tiêu, trong khi biện pháp thường mang tính hành chính, cưỡng chế. Việc sử dụng chưa thống nhất hai khái niệm này trong luật dễ dẫn đến hiểu sai và khó thực hiện trên thực tế. Bên cạnh đó, khái niệm “đồng bộ hóa chính sách pháp luật” vốn rất quan trọng để loại bỏ sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định cũng chưa được giải thích cụ thể hoặc nâng tầm đúng mức. Đại biểu đề nghị bổ sung vào luật hoặc nghị định hướng dẫn các nội dung như tiêu chí hệ thống hóa, quy phạm hóa, đồng bộ hóa, để các cơ quan khi thực thi có căn cứ pháp lý đầy đủ, minh bạch và thống nhất trong toàn hệ thống.
Đại biểu Hoàng Thị Đôi phát biểu tại phiên thảo luận tổ.
Góp ý vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đại biểu Hoàng Thị Đôi, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng cần tiếp tục rà soát, làm rõ các quy định mới để tránh lúng túng khi áp dụng. Đáng chú ý, tại khoản 3 Điều 22, đại biểu đề nghị bỏ cụm từ "phân cấp" sau "Quốc hội giao", vì cấp xã hiện là cấp hành chính cuối cùng, không còn cấp dưới để phân cấp, nhằm bảo đảm chính xác và thống nhất.
Về khoản 9 Điều 1, đại biểu đề nghị bổ sung quy định đánh giá tính khả thi của chính sách đối với đối tượng chịu tác động trực tiếp. Đây là nội dung quan trọng để đảm bảo chính sách sát thực tế, tránh trường hợp chính sách ban hành nhưng không khả thi hoặc gây khó khăn khi áp dụng, như đã từng xảy ra với một số văn bản trước đây. Đối với khoản 18 Điều 1, đại biểu đề nghị bổ sung quy định các văn bản quy phạm pháp luật cũ sẽ tự động hết hiệu lực nếu sau thời hạn chuyển đổi đơn vị hành chính mới mà chưa xử lý xong, nhằm đảm bảo sự minh bạch, thống nhất trong áp dụng pháp luật.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng kiến nghị Chính phủ sớm sửa đổi các nghị định liên quan, đặc biệt là Nghị định số 78/2024/NĐ-CP và Nghị định số 79/2025/NĐ-CP, để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất khi thực hiện Luật sửa đổi.
Văn Khánh -VP Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh