Cho ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, các đại biểu cơ bản tán thành dự thảo nghị quyết và cho rằng đây là một chủ trương đúng đắn, cần thiết để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, đặc biệt là nhóm thu nhập thấp. Đồng thời, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội...
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tổ.
Bên cạch đó, một số đại biểu cũng góp thêm ý kiến đề xuất bổ sung, hoàn thiện thêm các nội dung như: Xác định rõ hơn về giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội; điều kiện về nhà ở để được hưởng chính sách hỗ trợ; cơ chế kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm để phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng; đảm bảo chất lượng, hạ tầng kỹ thuật và kết nối giao thông đối với các dự án nhà ở xã hội.
Cũng theo đại biểu, nhà ở xã hội nếu cho thuê thì sẽ hiệu quả hơn, việc thương mại hóa, sở hữu nhà ở xã hội như tài sản của cá nhân, hộ gia đình có thể dẫn đến trục lợi. Ngoài ra, đại biểu cũng đề xuất Ban soạn thảo nghiên cứu cho phép áp dụng các công nghệ xây dựng mới để rút ngắn thời gian và thủ tục đầu tư; đồng thời, cũng cần phải có quy định về chất lượng của nhà ở xã hội, đảm bảo về hạ tầng, các công trình phụ trợ có liên quan cũng như các hệ thống kết nối giao thông.
Đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung những chế định về cơ chế kiểm soát chất lượng công trình như là nghiệm thu, bảo trì, bảo hành…
Phát biểu ý kiến thảo luận tại tổ, đại biểu Nguyễn Minh Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang cơ bản thống nhất với Tờ trình Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.
Đại biểu cho rằng, việc ban hành Nghị quyết thí điểm cơ bản đã có đầy đủ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn. Tuy nhiên, để đảm bảo đầy đủ cơ sở chính trị an tâm bảo vệ cho các cơ quan, đơn vị, địa phương sau này trong triển khai thực hiện cũng như là có đủ cơ sở cho Quốc hội xem xét, bấm nút tại cuối kỳ họp này thì đề nghị đối với các nội dung mà Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đã nêu như: Xác định giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội, điều kiện về nhà ở để hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, hoàn trả tiền sử dụng đất, kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hoặc khấu trừ vào nghĩa vụ tài chính cho chủ đầu tư của dự án nhà ở xã hội…, Chính phủ phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền trước khi Quốc hội xem xét bấm nút thông qua...
Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13-11-2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang bày tỏ sự tán thành cao đối với chủ trương này và đặc biệt là với các nội dung đã được phân tích cụ thể trong cái Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Tài chính về phạm vi áp dụng.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng hiện nay các tỉnh, thành phố đang thực hiện chủ trương sáp nhập tỉnh rất khẩn trương, nhưng qua nghiên cứu cho thấy những chính sách đưa ra ở dự thảo chỉ dựa trên dữ liệu về TP. Hải Phòng mà chưa có căn cứ đặc thù của tỉnh còn lại.
Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu thêm đặc thù của địa phương chuẩn bị sáp nhập với Hải Phòng để đề ra chính sách đặc thù mang tính toàn diện nhất và phù hợp nhất, hòa nhịp với tình hình sáp nhập sắp tới đây.
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm phát biểu thảo luận tại tổ.
Cho ý kiến dự thảo Nghị quyết về thí điểm Viện Kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự, các đại biểu khẳng định cần thiết thí điểm Viện Kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương và lợi ích công.
Các đại biểu cơ bản ủng hộ chủ trương tăng cường vai trò của Viện Kiểm sát trong việc bảo vệ quyền lợi của nhóm dễ bị tổn thương hoặc lợi ích công cộng thông qua việc khởi kiện vụ án dân sự.
Tuy nhiên, một số ý kiến cũng băn khoăn về việc Viện Kiểm sát vừa thực hiện chức năng khởi kiện, vừa phải kiểm sát hoạt động tư pháp, lo ngại điều này có thể gây mâu thuẫn với các nguyên tắc cơ bản của tố tụng tư pháp như nguyên tắc tranh tụng, độc lập xét xử.
Đại biểu đề nghị cần phân định rõ hơn vai trò, chức năng của Viện Kiểm sát trong tố tụng dân sự, tránh trùng lắp, chồng chéo với các chủ thể khác. Đồng thời, cần xem xét kỹ về nguồn lực, kinh phí để Viện Kiểm sát thực hiện hiệu quả chức năng mới này.
Quang cảnh thảo luận tại tổ.
* Trước đó, vào sáng 21-5, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo Thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Cũng trong sáng nay, Quốc hội đã biểu quyết tán thành thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 và Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031 vào chủ nhật ngày 15-3-2026.
Cuối buổi sáng, Quốc hội thảo luận tại tổ 3 nội dung về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku; điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13-11-2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng…
THU HOÀI - MINH TRÍ