Các đại biểu tham gia thảo luận tại Tổ.
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; Ngày bầu cử toàn quốc đối với bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031.
Tiếp đến, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về ngày bầu cử toàn quốc đối với bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031; thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Cũng trong chương trình buổi sáng, Quốc hội thảo luận tại Tổ về: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng.
Các đồng chí: Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận tại Tổ số 12 cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh: Hưng Yên, Gia Lai và thành phố Đà Nẵng.
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận tại Tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.
Tham gia thảo luận tại Tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cho rằng dự thảo Nghị quyết đã đưa ra những cơ chế thực sự đột phá và thông thoáng để đạt mục tiêu hoàn thành 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030.
Đóng góp vào quy định về Quỹ nhà ở quốc gia, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đồng tình với việc cần thiết phải thành lập Quỹ. Tuy nhiên, để việc sử dụng Quỹ hiệu quả cần quy định rõ hơn về cơ chế quản lý điều hành minh bạch của Quỹ cũng như thiết lập các cơ chế giám sát chặt chẽ của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với toàn bộ hoạt động của Quỹ, đảm bảo đồng bộ, hiệu quả. Ngoài ra, đại biểu cũng góp ý vào khoản 2 và khoản 3 Điều 11 dự thảo Nghị quyết.
Đại biểu Nguyễn Thành Công, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tham gia thảo luận tại Tổ.
Đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, đại biểu Nguyễn Thành Công, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) cho rằng hiện nay dự thảo quy định Quỹ nhà ở quốc gia là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách và được thành lập ở cả Trung ương và địa phương. Tuy nhiên, không có quy định cụ thể về vị trí, vai trò, mục đích cũng như mô hình cơ chế hoạt động quản lý của quỹ này ở cấp Trung ương và địa phương. Đối tượng thụ hưởng chính sách của Quỹ là quá rộng, do vậy đề nghị làm rõ vị trí, vai trò, mục đích của Quỹ, bảo đảm sự cần thiết và hiệu quả của Quỹ, bảo đảm phù hợp.
Về các nguồn hình thành Quỹ, theo đại biểu quy định như dự thảo chưa phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước, một số quy định về nguồn thu duy trì, phát triển chưa khả thi, còn mâu thuẫn về nguyên tắc với các quy định của pháp luật. Đề nghị ban soạn thảo rà soát lại, bảo đảm tính khả thi, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Về phạm vi đối tượng được thụ hưởng chính sách, đề nghị làm rõ đối tượng được thụ hưởng chính sách ở khoản 3.
* Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở Tổ về: Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng; Chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku; Điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm Viện Kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu thảo luận tại Tổ.
Phát biểu thảo luận tại Tổ, đại Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã thông tin, trao đổi làm rõ hơn những vấn đề mà các đại biểu quốc hội quan tâm liên quan đến sắp xếp, tinh gọn hợp nhất các tổ chức chính trị-xã hội về trực thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở những nơi không còn tổ chức công đoàn.
Đại biểu Mai Khanh (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) tham gia thảo luận tại Tổ.
Tham gia thảo luận tại Tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm Viện Kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công, đại biểu Mai Khanh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Kim Sơn (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) đã góp ý về quy định liên quan đến trách nhiệm của Viện Kiểm sát khi tiến hành các hoạt động tố tụng. Trong đó đề nghị Ban soạn thảo rà soát, cần có quy định, cơ chế để không bị trùng lắp và mâu thuẫn với một số quy định của Luật Tố tụng dân sự.
Mai Lan