Nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình giảm thuế VAT đối với tất cả hàng hóa

Nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình giảm thuế VAT đối với tất cả hàng hóa
7 giờ trướcBài gốc
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, chiều 21/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng; chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn-Pleiku; điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu giai đoạn 1.
Cho ý kiến đối với Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng, đại biểu Lê Minh Nam (Hậu Giang) thống nhất với đề xuất của Chính phủ, cho rằng việc mở rộng diện đối tượng được giảm thuế giá trị gia tăng là cần thiết để góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ có giải pháp hiệu quả để bảo đảm khắc phục được các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách do vẫn còn hàng hóa, lĩnh vực loại trừ không được giảm thuế, bảo đảm mục tiêu dễ thực hiện và tạo thuận lợi cho người nộp thuế.
Đại biểu cũng đề nghị đánh giá kỹ hơn về tác động đối với nguồn thu ngân sách nhà nước, bảo đảm việc thực hiện chính sách giảm thuế gắn với mục tiêu ổn định tài khóa trung hạn và an toàn nợ công, nhất quán với các chính sách thuế khác như thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt.
Đại biểu Trần Anh Tuấn (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng việc kéo dài thời gian giảm thuế giá trị gia tăng 2% từ nay tới cuối năm 2026 là rất phù hợp.
Theo đại biểu, trước đây cứ 6 tháng việc giảm thuế lại được đưa ra Quốc hội để biểu quyết một lần không tạo được sự ổn định trong hoạt động sản xuất của các nhà đầu tư cũng như các doanh nghiệp trong việc chủ động kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Đại biểu cho rằng hiện Hoa Kỳ áp thuế nhập khẩu 10% với tất cả đối tác thương mại, tuy nhiên trong thời gian tới, các nước cũng phải tích cực trong việc đàm phán để có một mức thuế hợp lý nhất.
Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Hà Nam, Lai Châu, An Giang và Kon Tum thảo luận ở tổ. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Theo đại biểu, trước bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, xung đột địa chính trị diễn biến phức tạp, chúng ta cần phải phát huy, tăng cường nội lực. Kích cầu tiêu dùng là một trong những yếu tố rất quan trọng để duy trì tốc độ tăng trưởng cao như dự kiến là trên 8%. Đây cũng là cơ sở để chúng ta có bước đột phá cho những năm tiếp theo.
Đại biểu cho rằng chúng ta cần đảm bảo sản phẩm, hàng hóa tiêu thụ tốt. Ngoài việc đa dạng hóa thị trường, việc giảm thuế giá trị gia tăng 2% cũng là một chủ trương rất kịp thời, đúng đắn trong quá trình thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, phù hợp với năng lực, điều kiện hấp thụ của nền kinh tế. Chúng ta nên áp dụng việc giảm thuế cho tất cả hàng hóa chứ không nên hạn chế một số nhóm ngành. Như vậy, sức hấp thụ của nền kinh tế sẽ tăng.
“Tôi đồng tình với việc tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa cùng với chính sách tiền tệ mở rộng để khuyến khích nền kinh tế tăng cường nội lực. Chúng ta nên đánh giá hiệu quả của việc giảm thuế thì mức tiêu thụ hàng hóa sẽ cao lên, bù đắp lại cho phần giảm 2%, từ đó khẳng định tính toàn diện và ổn định của chính sách," đại biểu Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.
Đồng tình với ý kiến trên, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, Quốc hội đã thảo luận rất nhiều lần về vấn đề giảm thuế giá trị gia tăng ở nhiều kỳ họp trong năm 2024 và tại Kỳ họp thứ 8 đã đặt ra vấn đề cần phải giảm thuế giá trị gia tăng trong thời hạn dài hơn.
Qua những kỳ giảm giá trị thuế giá trị gia tăng vừa qua, thu ngân sách không giảm mà còn tăng. Điều đó có nghĩa là giảm thuế giá trị gia tăng có tác động đến tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng.
Với mục tiêu trong năm 2025 tăng trưởng kinh tế trên 8%, theo đại biểu, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng phải có mức tăng khoảng 12% trở lên. Do đó, một trong những giải pháp có tác động hữu hiệu đến việc tăng doanh số bán lẻ hàng hóa chính là giảm thuế để giảm giá bán.
Khẳng định việc tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng là rất cần thiết, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết Chính phủ đã trình Quốc hội và Ủy ban thẩm tra cũng đã đồng tình để thời gian giảm thuế kéo dài đến hết năm 2026 là rất phù hợp và thiết thực.
Đại biểu cũng đồng tình với việc nên áp dụng giảm thuế giá trị gia tăng cho tất cả hàng hóa, trong đó có cả những hàng hóa như dịch vụ viễn thông là cần thiết.
Hội thảo Khoa học ‘Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế’ do Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam chủ trì, Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam tổ chức. Hội thảo khoa học sẽ diễn ra vào lúc 8h00 ngày 26/05/2025, tại Khách sạn Thắng Lợi, 200 Yên Phụ, TP Hà Nội.
Hội thảo có sự hiện diện và tham gia thảo luận của đại diện một số cơ quan Đảng, bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế đầu ngành, đại diện Hội và hiệp hội, đại diện ngân hàng, doanh nhân tư nhân…
Bên cạnh các bài tham luận riêng từ đại diện cơ quan Đảng, các chuyên gia và đại diện hiệp hội, … Hội thảo cũng tập trung thảo luận các nhóm vấn đề chính như cơ hội, tiềm năng, thách thức của kinh tế tư nhân trong sứ mệnh một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, cũng như việc thể chế hóa đầy đủ và khoa học Nghị quyết 68/NQ-TW vào thực tiễn trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đỗ Bình
Nguồn Doanh Nhân VN : https://doanhnhanvn.vn/nhieu-dai-bieu-quoc-hoi-dong-tinh-giam-thue-vat-doi-voi-tat-ca-hang-hoa.html