Chiều 21/5, Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Điện Biên, Trà Vinh, Cao Bằng (Tổ 8) thảo luận ở tổ về: dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT); chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn – Pleiku; điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1; và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm Viện kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công.
Chính sách hỗ trợ thiết thực nhưng chưa đồng đều
Tại phiên thảo luận, ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh), cho rằng, việc tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ ngày 1/7/2025 đến hết năm 2026 là một chính sách tài khóa quan trọng, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân, kích cầu tiêu dùng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) phát biểu tại Tổ 8, chiều 21/5. Ảnh: Phạm Thắng
Đánh giá những tác động tích cực, đại biểu cho rằng, việc giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí đầu vào, từ đó hạ giá bán sản phẩm, dịch vụ và tăng sức cạnh tranh. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang chịu áp lực lớn về chi phí và đầu ra.
Đồng thời, chính sách giảm thuế góp phần kích thích tiêu dùng trong nước. Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 19,8%, và năm 2023 tăng 9,6% so với cùng kỳ.
Chính sách này cũng tác động tích cực đến tăng trưởng GDP và ổn định kinh tế vĩ mô. Cụ thể, nhờ chính sách này, lạm phát được kiểm soát ở mức hợp lý với CPI năm 2022 tăng 3,15%; năm 2023 tăng 3,25%; năm 2024 ước tăng 3,63%.
Tuy nhiên, ĐBQH Thạch Phước Bình cho rằng, chính sách này vẫn còn một số bất cập. Đó là chưa bao phủ đầy đủ các ngành nghề. “Nhiều lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, chứng khoán, viễn thông, bất động sản, sản phẩm chịu thuế tiêu thụ đặc biệt... không thuộc diện được giảm thuế, dẫn tới sự hỗ trợ thiếu đồng đều”, đại biểu nhận xét.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp lớn, có lãi cao vẫn được giảm thuế như các doanh nghiệp tiêu dùng, thương mại điện tử, gây lãng phí nguồn lực hỗ trợ, không nhắm trúng đối tượng là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ đang gặp khó khăn. Ví dụ: Tập đoàn bán lẻ có doanh thu tăng mạnh trong mùa dịch cũng hưởng ưu đãi như doanh nghiệp nhỏ trong ngành công nghiệp phụ trợ, như vậy là thiếu công bằng và hiệu quả.
Đáng chú ý, việc giảm thuế trong giai đoạn ngắn hạn cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh dài hơi. Đồng thời, khi chính sách được áp dụng nhiều năm liên tiếp, doanh nghiệp và người tiêu dùng có xu hướng coi đây là "bình thường", hiệu ứng tâm lý tích cực ban đầu bị suy giảm.
“Theo một khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam năm 2024, chỉ 26% doanh nghiệp đánh giá giảm thuế GTGT tiếp tục có tác động đáng kể đến mở rộng sản xuất, giảm so với 43% năm 2022”, ĐBQH Thạch Phước Bình cho biết.
Trong khi đó, cân đối ngân sách nhà nước cũng chịu áp lực từ chính sách này. Đại biểu dẫn báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, việc giảm thuế GTGT 2% năm 2023 làm hụt thu ngân sách nhà nước khoảng 45.800 tỷ đồng. Năm 2024 tiếp tục giảm hơn 40.000 tỷ đồng. Nếu tiếp tục kéo dài đến 2026, tổng mức hụt thu gộp có thể vượt 200.000 tỷ đồng, trong khi nhu cầu chi cho an sinh, hạ tầng, chuyển đổi số ngày càng lớn.
Toàn cảnh phiên thảo luận Tổ 8, chiều 21/5. Ảnh: Phạm Thắng
Đặc biệt, theo đại biểu, việc duy trì chính sách giảm thuế GTGT trong nhiều năm khiến Chính phủ chậm triển khai cải cách Luật Thuế GTGT như phân loại thuế suất hợp lý, mở rộng diện chịu thuế đầu ra, chuyển sang phương pháp khấu trừ điện tử. Điều này ảnh hưởng đến tính minh bạch và hiện đại hóa hệ thống thuế.
Đề xuất mở rộng danh mục ngành được giảm thuế GTGT
“Thay vì “trợ đều” cho tất cả, chính sách thuế nên hướng đến “trợ đúng”, tức là tập trung nguồn lực ngân sách vào những ngành, lĩnh vực thực sự cần hỗ trợ”. Nhấn mạnh điều này, ĐBQH Thạch Phước Bình đề xuất chuyển từ giảm đồng loạt 2% thuế GTGT sang giảm sâu 4 – 5% nhưng có điều kiện, áp dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, startup công nghệ, ngành chịu ảnh hưởng lớn (dịch vụ, sản xuất phụ trợ, chế biến nông sản) để bảo đảm hỗ trợ đúng đối tượng.
Cùng với đó, đại biểu đề xuất mở rộng danh mục ngành được hưởng ưu đãi giảm thuế GTGT với ngành công nghệ thông tin; giáo dục và đào tạo; y tế tư nhân.
Theo đại biểu, hiện ngành công nghệ thông tin chưa nằm trong diện được giảm thuế GTGT, trong khi đây là lĩnh vực then chốt trong quá trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế số. Việc giảm thuế sẽ tạo động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy đổi mới công nghệ và gia tăng năng suất trong nền kinh tế.
Với ngành giáo dục và đào tạo, dù một số dịch vụ giáo dục được miễn thuế, nhưng nhiều chương trình đào tạo kỹ năng, ngoại ngữ vẫn đang chịu mức thuế 10%. Giảm thuế cho các dịch vụ này sẽ góp phần thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao – yếu tố then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Các dịch vụ y tế tư nhân vẫn phải chịu thuế GTGT 10%, làm tăng chi phí khám chữa bệnh cho người dân. Việc điều chỉnh giảm thuế cho lĩnh vực này sẽ khuyến khích đầu tư xã hội hóa vào y tế và mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng, nhất là tại khu vực còn hạn chế về hạ tầng.
Về lâu dài, ĐBQH Thạch Phước Bình cho rằng, cần từng bước chuẩn bị cải cách Luật Thuế GTGT, hướng tới thuế suất phân tầng theo chuỗi giá trị hoặc khu vực doanh nghiệp, thay vì một mức thuế phổ quát. Đồng thời, tăng hỗ trợ gián tiếp thông qua giảm chi phí bảo hiểm xã hội, ưu đãi lãi suất mục tiêu, miễn lệ phí đăng ký tài sản trí tuệ, hỗ trợ chuyển đổi số...
Đối với dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn – Pleiku, ĐBQH Bế Minh Đức (Cao Bằng) khẳng định “rất đồng tình ủng hộ” thực hiện dự án này.
ĐBQH Bế Minh Đức (Cao Bằng) phát biểu. Ảnh: Phạm Thắng
Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn về những tác động của dự án đối với Quốc lộ 19 chạy song hành mới được cải tạo, nâng cấp theo hình thức BOT.
Dự án BOT Quốc lộ 19 dài 56km, thu phí đến năm 2040, trong khi dự án cao tốc Quy Nhơn – Pleiku theo kế hoạch sẽ thông tuyến và khai thác vào năm 2029.
“Như vậy dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn – Pleiku sẽ ảnh hưởng đến dự án BOT Quốc lộ 19. Đề nghị Chính phủ cần có đánh giá và giải pháp để hỗ trợ với các dự án BOT bị ảnh hưởng. Có như vậy, các doanh nghiệp mới mạnh dạn tham gia các dự án BOT sau này ở các vùng miền khác”, đại biểu Bế Minh Đức nói.
Hà Lan