Đại biểu Quốc hội: Việc sử dụng hóa chất độc hại trên trái cây, rau củ diễn ra phổ biến

Đại biểu Quốc hội: Việc sử dụng hóa chất độc hại trên trái cây, rau củ diễn ra phổ biến
8 giờ trướcBài gốc
Thảo luận tại hội trường sáng 8-5 về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), đại biểu Đoàn Thị Lê An (đoàn Cao Bằng) cho biết, tại Điều 3 dự thảo Luật quy định 6 hành vi bị nghiêm cấm khá bao quát. Song, đại biểu đề nghị bổ sung một hành vi cấm nữa là sử dụng hóa chất độc hại, tác động trực tiếp lên giống cây trồng không theo đúng quy trình bảo vệ thực vật, làm ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe con người. Bởi, vấn nạn này hiện nay diễn ra phổ biến trên các loại trái cây, rau, củ, quả làm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Theo đại điểu, cần hoàn chỉnh khoản 4 Điều 3 dự thảo Luật như sau: "Cấm sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, hóa chất thuộc danh mục hóa chất không được sử dụng để sản xuất kinh doanh và bảo quản thực phẩm, thuốc, nguyên liệu làm thuốc mỹ phẩm, thức ăn chăn nuôi, giống cây trồng, thức ăn thủy sản, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, sản phẩm hóa chất, tiêu dùng".
Đại biểu Đoàn Thị Lê An (đoàn Cao Bằng) phát biểu thảo luận
Về phân loại ghi nhãn hóa chất, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét bổ sung quy định tổ chức, cá nhân nhập khẩu hóa chất có trách nhiệm thực hiện lại việc phân loại, ghi nhãn hóa chất theo quy định của Bộ Công Thương, báo cáo kết quả cho cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền, đồng thời dừng việc đưa hóa chất vào sử dụng và lưu thông trên thị trường cho đến khi hoàn thành việc cập nhật thông tin theo quy định.
Quy định này nhằm xác định trách nhiệm của các bên, tăng cường tính kịp thời, giảm nguy cơ lưu hành hóa chất với thông tin cũ về đặc tính nguy hiểm, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, có thể giám sát việc cập nhật thông tin về hóa chất nguy hiểm.
Đại biểu Đoàn Thị Lê An đề xuất sửa lại như sau: "Khi phát hiện đặc tính nguy hiểm mới của hóa chất chưa được thể hiện trong thông tin phân loại hóa chất, tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất có nghĩa vụ kịp thời thông báo cho tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hóa chất đó. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu hóa chất có trách nhiệm thực hiện lại việc phân loại, ghi nhãn hóa chất theo quy định của Bộ Công Thương, báo cáo kết quả cho cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền, đồng thời dừng việc đưa hóa chất vào sử dụng và lưu thông trên thị trường cho đến khi hoàn thành việc cập nhật thông tin theo quy định".
Về đảm bảo an toàn trong hoạt động hóa chất, dự thảo Luật Hóa chất sửa đổi quy định các cơ sở hóa chất phải xây dựng và ban hành các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với sự cố và phải thường xuyên huấn luyện, thực hành, diễn tập các phương án ứng phó sự cố hóa chất.
“Tuy nhiên, thực tế thời gian qua vẫn còn tình trạng doanh nghiệp chủ quan, lơ là, thụ động, chỉ chú trọng quan tâm thật sự sau khi xảy ra sự cố. Một số cơ sở có quan tâm nhưng khi thực hiện thì chỉ mang tính chất đối phó chưa đầy đủ, vi phạm phổ biến là chưa thực hiện việc xây dựng biện pháp, kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố, chưa tổ chức huấn luyện an toàn hóa chất, chưa xây dựng nội quy an toàn cho cơ sở hóa chất, sắp xếp hóa chất trong kho bảo đảm an toàn theo đúng các quy định hiện hành” – đại biểu nhấn mạnh.
Huệ Linh
Nguồn ANTĐ : https://anninhthudo.vn/dai-bieu-quoc-hoi-viec-su-dung-hoa-chat-doc-hai-tren-trai-cay-rau-cu-dien-ra-pho-bien-post611146.antd