Loại virus mới đã gây ra đại dịch toàn cầu, được biết đến rộng rãi với tên gọi COVID-19.
Cho đến nay, COVID-19 vẫn tồn tại, nhưng khả năng miễn dịch từ việc tiêm vaccine đã hạn chế rất nhiều các ca tử vong so với giai đoạn đầu của đại dịch. Mặc dù không còn nằm trong số những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu nhưng sự tiến hóa liên tục của COVID-19 đòi hỏi sự theo dõi thận trọng của các nhà khoa học trên toàn thế giới.
Nguồn gốc virus SARS-CoV-2
Cho đến nay, nguồn gốc thực sự của virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch COVID-19 vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp chính xác. Các nhà khoa học cho rằng kịch bản có khả năng xảy ra nhất là nó lưu hành ở loài dơi, giống như nhiều loại virus Corona khác.
Virus này sau đó đã lây nhiễm cho một loài khác, có thể là chó gấu mèo, cầy hương rồi lây nhiễm cho những người xử lý hoặc giết mổ những con vật đó tại một khu chợ ở Vũ Hán, nơi những ca bệnh đầu tiên ở người xuất hiện vào cuối tháng 11/2019.
Số người tử vong vì COVID-19
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có hơn 7 triệu ca tử vong do COVID-19. Tuy nhiên, trên thực tế, số người tử vong ước tính cao hơn ít nhất 3 lần.
Tại Mỹ, trung bình có khoảng 900 người tử vong vì COVID-19 mỗi tuần trong năm qua - theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ.
Vaccine COVID-19 hiện hành
Chưa đầy một năm sau khi Trung Quốc phát hiện ra loại virus này, các cơ quan y tế tại Mỹ và Anh đã chấp thuận vaccine do Pfizer và Moderna sản xuất. Từ đó, các loại vaccine COVID-19 đã giúp cứu sống hàng chục triệu người trên toàn thế giới và là bước quan trọng để đưa cuộc sống trở lại bình thường.
WHO ước tính hơn 13 tỷ liều vaccine COVID-19 đã được tiêm trên toàn cầu kể từ năm 2021. Giống như vaccine cúm, vaccine COVID-19 phải được cập nhật thường xuyên để phù hợp với loại virus luôn biến đổi.
Những nỗ lực phát triển vaccine thế hệ tiếp theo đang được tiến hành, chẳng hạn như vaccine dạng xịt mũi mà các nhà nghiên cứu hy vọng có thể ngăn ngừa nhiễm trùng tốt hơn.
Biến thể virus SARS-CoV-2 phổ biến
Qua các năm, virus SARS-CoV-2 đã đột biến và tạo ra các biến thể như Alpha, Delta và Omicron, với sự lây lan ngày càng mạnh mẽ. Tuy nhiên, Omicron - xuất hiện vào cuối năm 2021 - đã thay đổi cách virus tấn công người bệnh, chủ yếu ảnh hưởng đến các đường hô hấp trên (mũi, họng) thay vì các đường hô hấp dưới (phổi), khiến bệnh thường nhẹ hơn, nhưng dễ lây lan hơn.
Triệu chứng COVID-19 kéo dài
Có thể mất vài tuần để phục hồi sau một đợt COVID-19, nhưng một số người phát triển các vấn đề dai dẳng hơn. Các triệu chứng kéo dài ít nhất 3 tháng, đôi khi trong nhiều năm, bao gồm mệt mỏi, rối loạn nhận thức hay còn được gọi là chứng sương mù não, hay các vấn đề về tim mạch.
COVID-19 kéo dài có thể xảy ra ngay cả sau một ca nhiễm nhẹ và ở mọi lứa tuổi, mặc dù tỷ lệ đã giảm kể từ những năm đầu của đại dịch. Các nghiên cứu cho thấy tiêm chủng có thể làm giảm nguy cơ.
(Theo VTV)