Chiều 25-11, đại diện VKSND Cấp cao tại TP.HCM tiếp tục phần đối đáp đối với phần bào chữa của bị cáo và các luật sư trong phiên phúc thẩm vụ án giai đoạn 1 xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP), Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị, tổ chức liên quan.
Trước đó, tại phần đề nghị, đại diện VKS đã đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, y án tù chung thân đối với bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu cục trưởng Cục Thanh tra giám sát ngân hàng II thuộc Ngân hàng Nhà nước, cựu trưởng đoàn thanh tra SCB) về tội nhận hối lộ.
Bị cáo Đỗ Thị Nhàn. Ảnh: NGUYỆT NHI
Tại phần đối đáp, VKS cho rằng, quá trình thanh tra từ 2017 đến 2018, bị cáo Đỗ Thị Nhàn đã 4 lần nhận tiền hối lộ của bị cáo Trương Mỹ Lan thông qua bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn để chỉ đạo cấp dưới ban hành kết luận thanh tra, không kiến nghị đưa SCB vào diện kiểm soát đặc biệt và không kiến nghị chuyển cơ quan điều tra để xử lý… để SCB tiếp tục được tái cơ cấu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Tại phiên phúc thẩm, bị cáo Đỗ Thị Nhàn đã kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt với các tình tiết mới như đã nộp lại đủ số tiền 5,2 triệu USD đã nhận hối lộ. Nộp 100 triệu đồng tiền phạt bổ sung và khắc phục thêm 1 tỉ đồng để khắc phục hậu quả chung của vụ án… Ngoài ra, bị cáo Nhàn được tặng huân chương lao động hạng 3, nhận bằng khen ngân hàng nhà nước và gia đình có công cách mạng.
Tại cấp sơ thẩm, VKS đề nghị HĐXX áp dụng điểm b Khoản 1 Điều 51 BLHS Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả, nhưng tòa cấp sơ thẩm đã không áp dụng.
Đại diện VKS cấp phúc thẩm xét thấy, với các tài liệu, chứng cứ, diễn biến tại phiên tòa, có đủ cơ sở áp dụng điểm điểm b Khoản 1 Điều 51 BLHS cho bị cáo Nhàn và đề nghị HĐXX áp dụng thêm để xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Tuy nhiên, đại diện VKS cho rằng, bị cáo Nhàn có các tình tiết giảm nhẹ mới nhưng xét tính chất, mức độ phạm tội, hậu quả hành vi phạm tội, cấp sơ thẩm tuyên bị cáo mức tù chung thân là hoàn toàn đúng người đúng tội.
Theo VKS, bị cáo Nhàn phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, tham nhũng số tiền 5,2 triệu đồng là số tiền lớn trong lịch sử tố tụng Việt Nam. Hành vi của bị cáo Nhàn đã gây thiệt hại cho SCB, xâm phạm uy tín cơ quan tổ chức, ảnh hưởng nhiều mặt trong đời sống xã hội, đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước, tạo điều kiện cho bị cáo Trương Mỹ Lan chiếm đoạt tiền SCB đến nay vẫn chưa khắc phục được, tạo dư luận xấu.
Đại diện VKSND Cấp cao tại TP.HCM trong phiên tòa phúc thẩm giai đoạn 1 Vạn Thịnh Phát. Ảnh: NGUYỆT NHI
“Lẽ ra phải xử phạt bị cáo Nhàn mức án tử hình, tuy nhiên theo diễn biến hành vi phạm tội, số tiền khắc phục hậu quả, quy định tại Nghị quyết 03/2020… nên cần khoan hồng cho bị cáo. Cấp sơ thẩm tuyên phạt bị cáo tù chung thân là đã xem xét, khoan hồng" - Đại diện VKS lập luận và khẳng định không có căn cứ giảm nhẹ thêm cho bị cáo Nhàn. Đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nhàn, y án sơ thẩm.
Trước đó tại phần tự bào chữa, bị cáo Đỗ Thị Nhàn đề nghị HĐXX ghi nhận sự cống hiến trong gần 30 năm công tác ngành ngân hàng. Bị cáo này trình bày thêm đã nhận thức được sai phạm nên đã khắc phục hậu quả ngay từ đầu.
"Bị cáo cả một đời cống hiến nhưng đã mất hết bởi một lần sai phạm. Mong HĐXX xem xét để bị cáo sớm trở về với gia đình và điều trị bệnh" - bị cáo Nhàn nói.
LS bào chữa cho bị cáo Nhàn đã đề nghị HĐXX xem xét áp dụng thêm các tình tiết giảm nhẹ như người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả; Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án; Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong công tác...
SONG MAI
HỮU ĐĂNG