Đại đức Thích Hành Tuệ - Từ 'chuồng cọp Côn Đảo' đến mặt báo Life

Đại đức Thích Hành Tuệ - Từ 'chuồng cọp Côn Đảo' đến mặt báo Life
13 giờ trướcBài gốc
Trong đó, ấn tượng và làm cho cả thế giới phải xúc động là hình ảnh một vị tu sĩ Phật giáo đang bị biệt giam tại đây.
Chân dung Đại đức Thích Hành Tuệ - Ảnh Tư liệu
Ngay sau khi được công bố, bức ảnh về Đại đức Thích Hành Tuệ trong “chuồng cọp” Côn Đảo gây những ảnh hưởng rất lớn đến dư luận thế giới, góp phần khơi dậy làn sóng phản chiến, bất bình từ bạn bè quốc tế ủng hộ cuộc đấu tranh cho tự do và độc lập của nhân dân Việt Nam.
Đại đức Thích Hành Tuệ sinh năm 1935 trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở xã Lộc Tân (nay là xã Đại Phong, H.Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam). Lúc còn nhỏ ông tên Nguyễn Thúi, lớn lên đi hoạt động cách mạng đổi tên thành Nguyễn Thới. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Hữu (1898-1968), thân mẫu là cụ bà Trần Thị Mẹo (1901-1975).
Năm 1956, địch ráo riết truy lùng cán bộ kháng chiến. Nguyễn Thới được cha là ông Nguyễn Hữu gửi vào chùa Cổ Lâm (xã Đại Đồng, Đại Lộc) để theo học Phật pháp với Hòa thượng Thích Đồng Phước. Sau đó, vì vùng Đại Lộc thường xuyên bị khủng bố, Hòa thượng Thích Đồng Phước gửi Nguyễn Thới cho Hòa thượng Thích Như Vạn hướng dẫn về tu học tại chùa Phước Lâm (Hội An). Sau đó, Nguyễn Thới xuất gia với Hòa thượng Thích Trí Minh, lúc bấy giờ là Chánh Đại diện Phật giáo Quảng Nam, trụ trì chùa Tỉnh Hội (nay là chùa Pháp Bảo, Hội An), được ban pháp danh là Thị Nhân, pháp tự là Hành Tuệ.
Năm 1959, Đại đức Thích Hành Tuệ được theo học tại Phật học viện Phổ Đà (Đà Nẵng). Tại đây, thầy đã liên hệ với cơ sở cách mạng. Đến năm 1962, thầy vào Sài Gòn, tu học tại chùa Hưng Long (Chợ Lớn), làm nhiệm vụ giữ liên lạc giữa phong trào Phật giáo miền Trung với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam khu Sài Gòn - Gia Định thông qua đầu mối đơn tuyến, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông Huỳnh Tấn Phát - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam khu Sài Gòn - Gia Định.
Bằng Tổ quốc ghi công và Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất của Đại đức Thích Hành Tuệ - Ảnh Tư liệu
Sau phong trào Phật giáo năm 1963, thầy chuyển sang tạm trú tại Phật Bửu tự (quận 3), để thuận tiện cho việc hoạt động. Khi đang đấu tranh trong phong trào Phật giáo 1966, thầy bị địch bắt giam tại khám Chí Hòa và kết án khổ sai 20 năm.
Năm 1968, Đại đức Thích Hành Tuệ cùng một số tù chính trị khác bị di lý ra Côn Đảo. Tại nhà tù, thầy vẫn tiếp tục đấu tranh, vì vậy địch phải biệt giam thầy vào xà-lim, cấm cố bằng xiềng xích, về sau thầy bị chuyển sang giam “chuồng cọp” số 5 (khu “chuồng cọp Pháp” ở banh II).
Một ngày đầu tháng 7-1970, khi có đoàn nghị sĩ Hoa Kỳ vào thị sát khu “chuồng cọp”, Đào Duy Nghệ ra hiệu cho Đại đức Thích Hành Tuệ biết để chủ động tìm cách tố cáo tội ác của nhà tù. Khi đoàn đi qua, thầy hét to: “Chúng tôi đói! Chúng tôi khát! Chúng tôi bị đòn!...”. Nghe tiếng người nói, cả phái đoàn tập trung lại một điểm trên nóc “chuồng cọp” số 5 để tìm hiểu, ghi âm, quay phim, chụp hình...
Đại đức Thích Hành Tuệ dõng dạc tuyên bố: “Tôi là một nhà sư và tôi đấu tranh cho hòa bình từ năm 1966. Tôi ở đây không vì lý do gì ngoài mong muốn hòa bình. Tôi bị bắt, bị tra tấn dã man nhưng tôi vẫn tiếp tục đấu tranh cho hòa bình”.
Dưới sự hỗ trợ của nhà báo Mỹ Don Luce đang tác nghiệp tại chiến trường miền Nam Việt Nam, Tom Harkin (lúc bấy giờ là nhân viên trợ lý tại Quốc hội Mỹ, sau này là Thượng nghị sĩ bang Iowa) đưa chuyện này ra báo chí. Khi câu chuyện cùng các bức ảnh được tạp chí Life đăng tải vào ngày 17-7-1970 làm cho cả nước Mỹ chấn động và dấy lên phong trào yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.
Mộ phần Đại đức Thích Hành Tuệ tại Nghĩa trang Hàng Dương (Côn Đảo) - Ảnh: Văn Phúc
Trước sức ép của dư luận quốc tế, chính quyền Sài Gòn phải phá bỏ “chuồng cọp”. Đại đức Thích Hành Tuệ cùng một số tù chính trị khác được chuyển về giam giữ ở khu “chuồng bò”. Tại đây, thầy tiếp tục dẫn đầu phong trào chống đàn áp, chống cưỡng bức tư tưởng, chống lao động khổ sai...
Tháng 11 năm 1971, địch tăng cường đàn áp, đưa tù nhân đi giam tại khu “chuồng cọp” kiểu Mỹ mới xây dựng. Đói, rét đến tận xương tủy nhưng không làm nhụt chí đấu tranh mà ngược lại tinh thần những người tù ngày càng dâng cao, liên tục phản đối chế độ hà khắc của bọn tay sai.
Do đói khát và do hậu quả của những trận đòn thù từ nhiều năm trước, sáng 28-4-1973, Đại đức Thích Hành Tuệ thuận tịch tại nhà tù Côn Đảo.
Chư tôn giáo phẩm Phật giáo TP.HCM viếng mộ Đại đức Thích Hành Tuệ - Ảnh: Văn Phúc
Phần mộ của Đại đức Thích Hành Tuệ hiện ở tại khu C, Nghĩa trang Hàng Dương (Côn Đảo, Bà Rịa-Vũng Tàu). Ngày 12-5-1980, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng đã ký tặng Bằng Tổ quốc ghi công cho Đại đức Thích Hành Tuệ. Ngày 13-8-1985, Chủ tịch nước Trường Chinh truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất ghi nhận những công lao to lớn của thầy trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Chính quyền TP.HCM đã đưa đạo hiệu Thích Hành Tuệ của ngài vào danh sách đặt tên đường của thành phố. Bên cạnh đó, hiện nay, Hội Tù yêu nước huyện Đại Lộc cũng đang làm hồ sơ trình cấp thẩm quyền xét truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho thầy.
Trung Tín/Báo Giác Ngộ
Nguồn Giác ngộ : https://giacngo.vn/dai-duc-thich-hanh-tue-tu-chuong-cop-con-dao-den-mat-bao-life-post75542.html