Đại đức Thích Minh Không cho rằng, trong thời đại hiện nay, khi mọi thứ đang thay đổi nhanh chóng, từ công nghệ đến những vấn đề xã hội, việc giữ vững các giá trị cốt lõi như lòng từ bi, trí tuệ và sự kiên nhẫn là điều vô cùng quan trọng để không chỉ duy trì sự phát triển của mỗi cá nhân mà còn của cả cộng đồng.
Xin giới thiệu cùng bạn đọc cuộc trò chuyện giữa Đại đức Thích Minh Không và Báo Thế giới và Việt Nam.
Thưa Đại đức, dưới góc nhìn lịch sử và tâm linh, Đại đức có thể chia sẻ cảm nhận của mình về vị trí và vai trò của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á cũng như trong dòng chảy phát triển của nhân loại?
Việt Nam là một quốc gia nằm ở khu vực Đông Nam Á trên bản đồ thế giới, gồm sự hiện diện của 11 quốc gia. Trong đó, 10 quốc gia là thành viên chính thức của Hiệp hội ASEAN và một quốc gia còn lại giữ vai trò quan sát viên của tổ chức này. Nhìn lại chiều dài lịch sử, dân tộc Việt Nam đã trải qua hơn 20 cuộc chiến tranh xâm lược từ các thế lực phương Bắc, phương Nam và phương Tây. Dù bị xâm lăng, đô hộ và áp bức trong nhiều thời kỳ, nhưng chưa một lần khuất phục, nhân dân Việt Nam luôn kiên cường đứng lên đấu tranh, bất khuất vượt qua gian khó, giành lại độc lập và giải phóng đất nước khỏi mọi ách thống trị. Điển hình là chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954, một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc đến nay (năm 2025) đã trải qua 71 năm. Đây không chỉ là thắng lợi quyết định của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, mà còn là chiến thắng mang tầm vóc thời đại, vượt khỏi biên giới quốc gia, “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Chiến công vĩ đại ấy gắn liền với tên tuổi Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị tổng chỉ huy tài ba, nhà quân sự thiên tài, danh tướng kiệt xuất trong lịch sử hiện đại của nhân loại.
Đại đức Thích Minh Không, tháng 4/2025 tại Đại Phật điện Chùa Non Nước (Sóc Thiên Vương Thiền Tự) Sóc Sơn, Hà Nội.
Tương tự như vậy, Việt Nam cũng là dân tộc duy nhất trong lịch sử thế giới từng ba lần đánh bại quân xâm lược Nguyên Mông, đội quân kỵ mã hùng mạnh bậc nhất thế giới thời bấy giờ. Trong giai đoạn từ năm 1258 đến 1288, trước những đợt tấn công dữ dội của đạo quân phương Bắc do đế chế Mông Cổ cầm đầu, Đại Việt dưới sự lãnh đạo sáng suốt của các vị minh quân triều Trần như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông đã phát huy sức mạnh đại đoàn kết triệu người như một dưới thời đại của những vị vua yêu nước, thương dân đã giữ vững được bờ cõi Đại Việt khỏi những cuộc xâm lược của giặc phương Bắc.
Từ những đau thương, mất mát từng phải gánh chịu trong bước chân sinh tồn của dân tộc, nơi khói lửa chiến tranh từng phủ kín bầu trời, nhân dân lầm than, thống khổ, chết vì đói khát, bom rơi, đạn lạc hoặc bao cái chết đau thương, bao hậu quả ác nghiệt bởi những cuộc chiến tranh phi nghĩa mà các đế quốc đã gây ra vì lòng tham và sự cướp bóc mà chúng đã gieo rắc bao đau thương cho tổ quốc ta, đồng bào ta. Vẫn biết rằng, quá khứ bi thương của một dân tộc đã từng bị áp bức, bóc lột, bị sát hại và đầu độc về tinh thần về sinh mạng, sự thống khổ vô cùng tận. Nhưng Việt Nam, một dân tộc anh hùng và hiền hòa hiếm có trên thế giới đã sẵn sàng gác lại tất cả những mất mát để bước vào kỷ nguyên của hội nhập và hòa bình thế giới vươn lên mạnh mẽ đầy kiêu hãnh trong khi thế giới ở vào thế kỷ XXI nơi biến động hiện tại giữa các quốc gia, khu vực… Trong khi thế giới ở vào thế kỷ XXI đang quay cuồng vì chiến tranh, nội chiến, bất ổn địa chính trị, thiên tai, khủng bố, dịch bệnh, bạo động, khủng hoảng tài chính, năng lượng và suy thoái kinh tế, Việt Nam lại nổi bật như một điểm sáng về sự ổn định và phát triển. Năm 2024, Việt Nam đứng thứ 34 trong tổng số 260 quốc gia và vùng lãnh thổ về phát triển kinh tế; đứng thứ 22 trong 145 quốc gia về sức mạnh quân sự toàn cầu từ một đất nước từng ở vị trí thứ 5 khi mới giành được độc lập năm 1945. Giữa làn sóng suy giảm kinh tế toàn cầu, Việt Nam vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, đạt hơn 7% trong năm 2024 thuộc nhóm cao nhất thế giới. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt, kiên định và linh hoạt của Đảng Cộng sản Việt Nam, xã hội giữ vững được an ninh, trật tự và môi trường đầu tư thuận lợi. Nhiều tập đoàn công nghệ, kinh tế hàng đầu thế giới đã và đang chọn Việt Nam làm điểm đến để đầu tư, hợp tác lâu dài. Việt Nam từ đống tro tàn của chiến tranh đã vươn mình trỗi dậy, trở thành một trong những quốc gia đáng sống và đầy triển vọng bậc nhất trên bản đồ thế giới hiện đại.
Đại đức Thích Minh Không cùng các doanh nhân và đối tác quốc tế tham dự lễ dâng hương tại chùa Non Nước, Sóc Sơn, Hà Nội.
Việt Nam đang sở hữu vị trí chiến lược có một không hai, nằm ở trung tâm của nền kinh tế hội nhập thương mại toàn cầu, bên cạnh đó Việt Nam đang sở hữu (bộ ba Logistics vàng Long Thành, Phú Mỹ, Cần Giờ) một trong ba tuyến vận tải biển lớn nhất thế giới, tuyến vận tải Đông Á, Ấn Độ Dương và châu Âu. Vận chuyển hơn 60% lượng hàng hóa toàn cầu. Sân bay quốc tế Long Thành định hướng trở thành trung tâm hàng không hàng đầu châu Á, lợi thế khoảng cách ngắn nhất trong vài giờ bay thuận lợi hơn so với sân bay Suvarnabhumi (Thái Lan), Changi (Singapore) hay Kuala Lumpur (Malaysia). Cùng xu thế phát triển của thế giới các ngành thương mại điện tử, trí tuệ nhân tạo (AI), chíp bán dẫn, công nghiệp phụ trợ, y tế dược phẩm, công nghệ thông tin, công nghiệp ô tô, tàu thủy, chiến hạm, tuần duyên biển, tuần không, tầu hỏa siêu tốc, vệ tinh không giới hạn và hải giới..., nhiều sản phẩm thiết yếu hiện đại khác liên quan mật thiết đến logistics hàng không yêu cầu tốc độ cao, cảng biển quốc tế Cái Mép Thị Vải, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, với vị trí địa chính trị có một không hai, Việt Nam sở hữu bộ ba chân kiềng logistics trục tam giác vàng kinh tế logistics. Tương lai không xa, Việt Nam không còn là công xưởng, mà sẽ là trung tâm thương mại và logistics của thế giới.
Đại đức Thích Minh Không cùng đoàn doanh nhân, đối tác nước ngoài tới thăm văn phòng làm việc của GS.TS. Đinh Văn Hiến - Chủ tịch VINEN để bàn về lễ ký kết hợp tác thương mại thúc đẩy kinh tế đất nước.
Theo Đại đức, điều gì đã làm nên một Việt Nam bình an và vững vàng đến vậy?
Việt Nam cũng là quốc gia hiếm hoi trên thế giới từng đánh bại bốn cường quốc có tiềm lực quân sự và kinh tế hùng mạnh bậc nhất gồm Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản và Hoa Kỳ. Tuy nhiên, tất cả đã phải rút lui khỏi lãnh thổ Việt Nam, trả lại độc lập, hòa bình cho đất nước. Bước vào thế kỷ XX, dù phải gánh chịu vô vàn mất mát, đau thương do các cuộc chiến tranh gây ra, với tinh thần nhân hậu, yêu chuộng hòa bình, Việt Nam đã gác lại quá khứ, chủ động thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác toàn diện với các quốc gia từng là đối thủ nhưng vì lợi ích chung, vì hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới. Đó chính là biểu hiện sinh động của bản lĩnh và nhân cách cao đẹp của một dân tộc vĩ đại. Trước hết là nhờ tinh thần đoàn kết, đạo lý nhân nghĩa và truyền thống yêu nước bền bỉ của dân tộc. Nhưng sâu xa hơn, đó là sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của Đảng, kết hợp với lòng dân yên ổn, biết sống thuận Thiên, thuận Đạo, thuận Người. Phật pháp có câu: “Quốc thái dân an, phúc trạch cửu tồn”. Khi con người sống có đức, có lòng, quốc gia ấy ắt sẽ hưng thịnh. Việt Nam hôm nay là kết tinh của trí tuệ tổ tiên, của bài học lịch sử, và của ý chí vượt khó không lùi bước. Việt Nam chính là hình ảnh của một dân tộc “nhỏ mà không yếu”, “nghèo nhưng không hèn”, và “đau nhưng không gục ngã”. Thế giới có thể học từ Việt Nam về giá trị của lòng kiên nhẫn, của đạo lý và của sức mạnh tập thể. Nếu mỗi quốc gia biết hướng thiện, hướng nội, trân quý con người và hòa mình vào quy luật tự nhiên như Việt Nam đã và đang làm thì nhân loại có thể tìm lại bình an, kể cả trong bối cảnh phức tạp nhất.
Đại đức Thích Minh Không cùng phái đoàn yết kiến Hòa thượng Thích Thanh Quyết, đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Giáo hội PGVN, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội nhân ngày thắp nến tri ân phối hợp với Quân chủng Phòng không, Không quân Việt Nam tại Học viện hướng về kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đại đức có thể chia sẻ thêm về cách nhìn nhận của mình về đạo đức trong kinh doanh, nhất là trong thời đại hiện nay? Đặc biệt là mối quan hệ giữa kinh doanh và những nguyên lý trong Đạo Phật?
Kinh doanh không chỉ là chuyện kiếm tiền, nuôi sống bản thân, gia đình và góp phần ổn định kinh tế cho xã hội... Thành công đích thực không phải chỉ dừng lại ở việc đạt được lợi nhuận mà còn là làm sao để người kinh doanh không đánh mất chính mình. Trong quá trình đó, doanh nhân cần phải giữ được đạo đức, giữ vững lòng nhân ái và sự minh bạch trong mọi quyết định. Nếu chỉ chạy theo lợi nhuận mà bỏ qua đạo đức, kết quả có thể rất ngắn hạn. Khi ta làm việc với cái tâm trong sáng, luôn hướng tới lợi ích chung, thành công sẽ đến lâu dài và vững bền. Chúng ta hay nhắc tới buông xả trong Đạo Phật, nhưng buông xả trong Đạo Phật không có nghĩa là từ bỏ hoàn toàn tài sản hay thành công. Buông xả là buông bỏ sự dính mắc, buông bỏ sự ích kỷ, cái “tôi” quá lớn trong bản thân. Một doanh nhân chân chính không phải là người tích tụ của cải để phục vụ cho bản thân, mà là người biết dùng tài năng và nguồn lực của mình để cống hiến cho cộng đồng, cho xã hội. Kinh doanh là tích lũy, nhưng tích lũy không phải chỉ là vật chất mà còn là giá trị tinh thần, giá trị đạo đức. Doanh nhân giữ được chánh niệm, không để lòng tham lấn át, sẽ phát triển doanh nghiệp một cách bền vững. Những doanh nhân biết giữ tâm trong sáng, không tham lam, không áp bức người khác thì sự thành công của họ sẽ không bao giờ mất đi, mà còn mang lại sự phát triển lâu dài cho tất cả mọi người.
Trong khi hội nhập quốc tế là một yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế, các doanh nhân Việt Nam không thể quên đi những giá trị truyền thống của dân tộc. Văn hóa, đạo đức, và nhân văn luôn là những yếu tố cốt lõi giúp chúng ta không bị lạc lối trong cơn lốc của sự thay đổi nhanh chóng. Doanh nhân cần giữ vững “chữ tín, nghĩa” là luôn minh bạch trong hợp tác mậu dịch thương mại, luôn tôn trọng đối tác, không nên nói những lời khiếm nhã dù ở sau lưng họ. Hành động đối với khách hàng cũng vậy, đạo đức tri thức, hòa ái yêu mến thân thương với đối tác trong kinh doanh, giao dịch thương mại là tính nhân văn thiết yếu. Tinh thần hợp tác phải được nuôi dưỡng từ môi trường xử sự chuẩn mực, trọng thị. Vẫn biết rằng quan niệm xưa nay, thương trường là chiến trường, sự cạnh tranh thương hiệu, sản phẩm, chất lượng hàng hóa là tất yếu chứ không phải là canh tranh chiếm hữu thị phần đổ máu khốc liệt, làm thị trường tê liệt thì đối thủ sẽ có ngày trở lại phá tán, đừng vô tình biến thương trường thành pháp trường. Vì điều đó, trái với thuần phong mỹ tục và văn hóa liễu điều của Việt Nam. Có điều, tất cả các doanh nghiệp, chủ thể doanh nghiệp cần phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp vì giờ là thời đại của văn minh, sự cạnh tranh lành mạnh và chúng ta cũng nên hiểu, văn hóa còn thì doanh nghiệp còn, văn hóa mất thì doanh nghiệp mất, xã hội cần xây dựng đạo đức vì lẽ tất yếu đạo đức còn thì xã hội còn, đạo đức mất thì xã hội mất, trong Đạo Phật cũng được phát biểu: “Tỳ Ni tạng trụ Phật Pháp cửu trụ, Tỳ Ni tạng diệt Phật Pháp diệc diệt”. Nghĩa là: Giới luật còn thì Phật Pháp còn, giới luật mất thì Phật Pháp mất”. Vì giới luật là thọ mạng của Phật Pháp. Như triết gia Viktor Frankl đã nói “Cuối cùng, con người không nên hỏi ý nghĩa cuộc đời mình là gì mà nên nhận ra rằng chính mình là người được hỏi. Tóm lại, mỗi người đều bị cuộc đời chất vấn; và anh ta chỉ có thể trả lời cuộc sống bằng cách trả lời cho cuộc sống của chính mình; với cuộc sống anh ta chỉ có thể đáp lại bằng cách chịu trách nhiệm.”. Đúng vậy, khi chúng ta tham gia vào xã hội, vào sự đóng góp tích cực cho sự phát triển của xã hội hay vào bộ máy các cơ quan công quyền khối hành chính công thì tất yếu những người tham gia phải có trách nhiệm với những gì, với lương tâm, với sứ mệnh được giao phó ủy thác, với tinh thần làm việc vì lợi ích chung và đương nhiên con người cần, luôn tôn trọng nhân phẩm con người.
Đại đức Thích Minh Không tại Đại lễ Vesak Phật đản Liên hợp quốc, Phật lịch 2569 - Dương lịch 2025.
Lời khuyên của thầy là các doanh nhân hãy luôn giữ vững tâm trí và lòng từ bi trong mọi quyết định của mình. Kinh doanh là một quá trình dài, không phải là một cuộc đua để giành lấy giải thưởng. Nếu bạn làm việc với tâm trong sáng, luôn giữ gìn đạo đức, dù bạn có thành công hay không, bạn cũng sẽ cảm thấy mãn nguyện. Thành công không chỉ đo bằng tài sản, mà còn đo bằng những giá trị bạn để lại cho cộng đồng và cho xã hội. Các bạn, là doanh nhân, chủ thể các doanh nghiệp, chủ thể các tổ hợp kinh doanh hãy nhớ, sản phẩm chất lượng, dịch vụ, hàng hóa, đều phải gắn liền và song hành với đạo đức, nhân văn tri thức và không gian tham, không lừa dối khách hàng thì con đường phía trước mới mở ra hậu vận tươi sáng và phát triển bền vững cho doanh nghiệp, đưa doanh nghiệp lên một tầm cao mới và thực sự hữu ích làm người trong thời đại văn minh nhân loại tột bậc.
Hình ảnh của đại lễ Vesak Phật đản Liên hơp quốc, Phật lịch 2569 - Dương lịch 2025.
Đất nước ta vừa qua cũng diễn ra nhiều sự kiện trọng đại, đó chính là bao thành tựu của cả hệ thống chính trị và dân tộc, là kết quả mang lại vẻ vang cho đại cục nước nhà, trong đại lễ diễu binh mừng 30/4/1975 - 30/4/2025, kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đại lễ Phật đản Vesak Liên hợp quốc Phật lịch 2569 – Dương lịch 2025 do Việt Nam đăng cai tổ chức trong đó có sự hiện diện của nhiều nguyên thủ quốc gia, các nhà chức sắc Phật giáo thế giới, những nhà bác học, nhà hiền triết, học giả uyên bác nổi tiếng thế giới đã đến tham dự và đóng góp ý kiến xây dựng cho nền hòa bình phát triển văn minh thế giới. Bốn kỳ Vesak Phật giáo Liên hợp quốc tại Việt Nam – Phật giáo hòa hợp vì nhân loại, lần thứ tư này với hơn 80 quốc gia 5 vùng lãnh thổ tham dự, đại lễ lần này với chủ đề: “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững”. Đất nước chúng ta cũng đang chuẩn bị cho đại lễ kỷ niệm 80 năm Quốc khánh 2/9. Hi vọng, kỷ nguyên mới này, những tệ nạn, vấn nạn như thực phẩm bẩn, ô nhiễm môi sinh, môi trường, tệ nạn cửa quyền, tham quan hách dịch, trốn lậu thuế, tham ô hối lộ gây hậu quả nghiêm trọng và thiệt hại ngân sách nhà nước, sói mòn lòng tin quần chúng nhân dân, băng hoại đạo đức lối sống, buôn bán, hành hạ, đối xử bất công với phụ nữ và trẻ em, ảnh hưởng sâu sắc tiêu cực đến thuần phong mỹ tục dân tộc và những tác hại nguy cấp hậu quả từ thực phẩm độc hại đã cướp đi bao sức khỏe, sinh mạng con người, góp phần nguy hiểm to lớn đến xã hội và sự phát triển đất nước, phải cần được chế tài xử phạt nghiêm minh không khoan nhượng, không có vùng cấm. Chỉ khi bắt tay khẩn thiết thực hiện không chần chừ lề mề chậm trễ, chúng ta mới có thể đồng bộ xây dựng một đất nước phát triển lành mạnh, không bệnh tâm và bệnh thân, sức trí viên dung mới có thể đủ khí lực xây dựng gấm vóc non sông trở nên tươi đẹp.
Xin cảm ơn những chia sẻ quý báu của Đại đức!
Thu Thảo