Năm 2024, Đại học Kinh tế Quốc dân mở 2 ngành mới, các phương thức tuyển sinh cơ bản được giữ ổn định
So với năm 2024, Đại học Kinh tế Quốc dân vẫn giữ ổn định các phương thức tuyển sinh, gồm xét tuyển thẳng, xét tuyển theo kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025, xét tuyển kết hợp.
Với phương thức xét tuyển thẳng, áp dụng với thí sinh đạt giải ba trở lên trong các cuộc thi học sinh giỏi cấp quốc gia, quốc tế; giải nhất trong kỳ thi khoa học kỹ thuật quốc gia, quốc tế do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.
Với phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, Đại học Kinh tế quốc dân tuyển theo 04 tổ hợp, gồm A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, Tiếng Anh), D01 (Toán, Văn, Tiếng Anh), D07 (Toán, Hóa, Tiếng Anh), không có sự chênh lệch điểm xét tuyển giữa các tổ hợp.
Phương thức xét tuyển kết hợp sẽ dành cho ba nhóm thí sinh.
Nhóm 1 là những thí sinh có chứng chỉ quốc tế SAT từ 1200/1600 hoặc ACT 26/36 trở lên trong thời hạn 2 năm, tính đến ngày 1/6/2025.
Nhóm 2 gồm các thí sinh có kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy tối thiểu 85/150 HSA, 700/1200 APT hoặc 60/100 TSA hoặc thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế đạt IELTS 5.5, TOEFL iBT 46 hoặc TOEIC (4 kỹ năng: L&R 785, S 160 &W 150) trở lên kết hợp với điểm HSA/APT/TSA nêu trên.
Nhóm 3 là thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh kết hợp với điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Điều kiện về chứng chỉ tiếng Anh tương tự như nhóm 2.
Năm 2025, Đại học Kinh tế Quốc dân dự kiến tuyển sinh 89 chương trình với hai chương trình mới là Quan hệ lao động và Luật thương mại quốc tế. Ngưỡng đầu vào dự kiến với phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025 dự kiến là 20, đã bao gồm điểm ưu tiên.
Học phí chương trình chuẩn của Đại học Kinh tế Quốc dân trong năm 2025 - 2026 dự kiến khoảng 18 - 25 triệu đồng/năm.
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chính thức thành đại học
Ngày 15/11/2024, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã ký quyết định về việc chuyển Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thành Đại học Kinh tế Quốc dân.
Chính phủ yêu cầu Đại học Kinh tế Quốc dân thực hiện tổ chức lại cơ cấu tổ chức và hoạt động trên cơ sở Trường Đại học Kinh tế Quốc dân theo quy định của Luật Giáo dục đại học và quy định pháp luật có liên quan.
Hội đồng trường, chủ tịch Hội đồng trường, hiệu trưởng của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo các quy định hiện hành cho đến khi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định thành lập Hội đồng đại học, công nhận chủ tịch Hội đồng đại học và công nhận giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân theo quy định của pháp luật.
Với quyết định này, Đại học Kinh tế quốc dân trở thành đại học thứ 9 của Việt Nam.
8 đại học khác gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, Đại học Duy Tân.
Ngọc Châm