Đồng chí Tôn Ngọc Hạnh, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì buổi làm việc với Ban Thường vụ Đảng ủy xã Xuân Lộc về công tác chuẩn bị đại hội điểm của Đảng bộ xã. Ảnh: Phương Hằng
Đại hội là dịp để đánh giá kết quả hoạt động của nhiệm kỳ đã qua, đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho nhiệm kỳ mới và bầu cấp ủy, bí thư, phó bí thư đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của địa phương, đơn vị.
Quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, địa phương
Lịch sử từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã chứng minh, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Để thực hiện tốt vai trò đó, Đảng đã không ngừng đổi mới, tự hoàn thiện và đề ra định hướng chiến lược phát triển thông qua các kỳ đại hội đại biểu toàn quốc. Đại hội Đảng có thẩm quyền quyết định các vấn đề quan trọng nhất liên quan đến đường lối, chiến lược phát triển của đất nước, của địa phương; là dịp để đánh giá tình hình của đất nước, địa phương, cơ quan, đơn vị qua mỗi nhiệm kỳ, kiểm điểm kết quả lãnh đạo và rút ra những bài học kinh nghiệm có giá trị cả về lý luận và thực tiễn.
Thông qua đại hội Đảng, Đảng có điều kiện đánh giá tình hình đất nước, địa phương trên tất cả lĩnh vực. Đây là quá trình quan trọng giúp Đảng nhìn nhận thực tế một cách khách quan, toàn diện, từ đó phân tích những thuận lợi, khó khăn cũng như các thách thức mà đất nước, từng địa phương đang đối mặt. Qua đó, giúp Đảng có cái nhìn đúng đắn về thực trạng, hoạch định chiến lược phát triển phù hợp, tránh những sai lầm trong công tác lãnh đạo, điều hành và đưa ra những dự báo xu hướng phát triển trong thời gian tới.
Ở mỗi kỳ đại hội của Đảng đều mang những dấu mốc của lịch sử.
Theo đồng chí Thái Bảo, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy các cơ quan Đảng tỉnh, trong nhiều tháng qua, các cấp ủy Đảng trên địa bàn tỉnh tập trung cho công tác đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030.
Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đây là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng trong toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh; là dấu mốc đặc biệt cùng với cả nước trên con đường phát triển, mở ra kỷ nguyên mới, “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”; đồng thời, là thời điểm tiến hành mạnh mẽ cuộc cách mạng toàn diện, đồng bộ về sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy, nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.
Khi về làm việc với Tỉnh ủy Đồng Nai vào tháng 1-2025, đồng chí Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, cho biết theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV thể hiện nhiều quyết sách, tư duy mới.
Trong đó, Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng trình trước Đại hội XIV của Đảng hết sức ngắn gọn, cô đọng, súc tích, dễ nhớ, dễ thực hiện. Văn kiện Đại hội XIV của Đảng như một cẩm nang để các cấp ủy căn cứ vào đó tổ chức thực hiện được ngay và làm cơ sở xây dựng văn kiện đại hội Đảng ở cấp mình. Đây cũng là nét rất mới trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng thông qua việc ban hành nghị quyết.
Trong văn kiện đại hội cũng cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng thành các giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện được ngay sau đại hội...
Trong bài viết “Tổ chức tốt đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030” ngày 11-2-2025, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ, những thành tựu của đất nước đạt được sau 95 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt sau 40 năm đổi mới là rất vĩ đại, rất đáng trân trọng, tự hào. Nhưng đất nước ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải nỗ lực, đoàn kết, quyết tâm hơn nữa để vượt qua, trong đó đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 có trách nhiệm phải tham gia và là lực lượng nòng cốt giải quyết hiệu quả những khó khăn, thách thức này.
Những nhiệm vụ trọng tâm của đại hội Đảng
Cũng tại buổi làm việc với Tỉnh ủy Đồng Nai vào tháng 1-2025, đồng chí Lê Minh Hưng đề nghị, tỉnh Đồng Nai có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước, do đó ở mỗi nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh luôn phải thể hiện sự bứt phá đi lên, phát triển mạnh mẽ, nhất là trong giai đoạn tới đảm bảo mục tiêu tăng trưởng 2 con số.
Trong bài viết “Tổ chức tốt đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030” ngày 11-2-2025, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: Thực tiễn cách mạng Việt Nam cho thấy, đại hội Đảng bộ các cấp có vai trò dẫn dắt, định hướng, trụ cột, có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong toàn Đảng và toàn xã hội.
Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ này có 3 nhiệm vụ trọng tâm: thảo luận, thông qua văn kiện đại hội cấp mình và góp ý với dự thảo văn kiện đại hội cấp trên, Văn kiện Đại hội XIV của Đảng; lựa chọn nhân sự tham gia cấp ủy các cấp; hoàn thiện nhân sự trong hệ thống cơ quan lãnh đạo của Đảng từ cấp cơ sở đến cấp Trung ương.
Những nội dung trên đều là vấn đề hệ trọng, liên quan đến vai trò lãnh đạo, cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng; đến việc hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách, biện pháp lãnh đạo; quyết định sức mạnh nội bộ Đảng và hệ thống chính trị; đến toàn bộ hoạt động lãnh đạo của tổ chức Đảng các cấp trong nhiệm kỳ tới cũng như sức mạnh của toàn dân tộc trong tương lai.
Đảng ta là đảng cầm quyền, Đảng lãnh đạo bằng đường lối. Văn kiện đại hội các cấp là sự cụ thể hóa quan điểm, định hướng chỉ đạo của Đảng thành hệ thống những giải pháp có sức sống từ thực tiễn ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, địa bàn, lĩnh vực được phân công nhiệm vụ; có giá trị định hướng sự lãnh đạo, dẫn đường, khắc phục triệt để tồn tại, bất cập, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, tháo gỡ triệt để điểm nghẽn, rào cản, huy động tối đa sự tham gia của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sức mạnh to lớn để đạt và vượt mục tiêu đã định, góp phần hoàn thành thắng lợi những mục tiêu, chỉ tiêu, kế hoạch mà Trung ương hoặc Đảng bộ cấp trên đã đề ra.
Bảo đảm chất lượng tham gia ý kiến với văn kiện đại hội của cấp mình, dự thảo văn kiện cấp trên trực tiếp và dự thảo Văn kiện Đại hội XIV của Đảng, nhất là đề xuất những giải pháp bắt nguồn từ nhịp sống cơ sở, từ hơi thở của đời sống xã hội của từng địa phương, thậm chí từng làng xã, cộng đồng và cá nhân tạo động lực, khí thế, sức lan tỏa mạnh mẽ trong cả nước, là mục tiêu mà các cấp ủy cần đạt được.
Tại đại hội, cần đặc biệt chú trọng nhân sự cấp ủy, đây chính là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, chủ trì, chủ chốt ở từng bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; là "cầu nối" giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, là lực lượng lãnh đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện, quyết định việc đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống; đồng thời, nắm bắt tình hình đề xuất với Đảng, Nhà nước đề ra chủ trương, chính sách phù hợp nguyện vọng, lợi ích chính đáng của nhân dân.
Bí thư, Phó bí thư, cấp ủy viên luôn là nhân tố quan trọng, quyết định kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, sự ổn định, phát triển vững mạnh của địa phương, cơ quan, đơn vị cả trước mắt và lâu dài.
Phương Hằng