Đại lễ Phật đản là một trong những lễ hội lớn của Phật giáo, được Liên hợp quốc công nhận là Ngày lễ văn hóa tôn giáo thế giới vì hòa bình.
Dự Đại lễ, có đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình; đại diện Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình; đại diện lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, cùng gần 5.000 tăng ni, phật tử và nhân dân.
Tại Đại lễ, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trụ trì chùa Bái Đính đã đọc thông điệp Đại lễ Phật đản Phật lịch 2569 của đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Thượng tọa Thích Minh Quang, Ủy viên Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình đọc diễn văn và ý nghĩa của Phật đản.
Các đại biểu trang nghiêm niệm Phật cầu gia bị, cử Quốc ca, Đạo ca tại Đại lễ.
Theo đó, thông điệp và diễn văn kêu gọi mỗi người con Phật trên toàn cầu hãy luôn tinh tấn tu tập, thể nhập từ bi tam muội, lan tỏa tình yêu thương đến chúng sanh vạn loại, thắp sáng thế gian bằng ánh sáng từ bi, trí tuệ; đoàn kết, hòa ái và tích cực cùng nhân loại kiến tạo thế giới thái bình, an lạc thật sự; hãy lấy con người làm trung tâm, tôn trọng phẩm giá, không ai bị bỏ lại phía sau trên hành trình phát triển bền vững…
Đại lễ Phật đản năm 2025 không chỉ là dịp để mỗi người con Phật tưởng niệm ba sự kiện vĩ đại trong cuộc đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni: Đản sinh - Thành đạo - Nhập Niết bàn, mà còn là một ngày hội tụ văn hóa tâm linh toàn cầu, nơi nhân loại cùng nhau hướng về những giá trị phổ quát của tuệ giác Phật giáo: lòng từ bi, trí tuệ và hòa bình đối với thế giới hôm nay.
Chúc mừng tại Đại lễ, đồng chí Bùi Mai Hoa, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy tỉnh Ninh Bình nhấn mạnh, phát huy truyền thống gắn bó đồng hành cùng dân tộc, trong năm qua, các cấp giáo hội và đồng bào Phật giáo trong tỉnh đã chung sức đồng lòng cùng với cấp ủy, chính quyền luôn đi đầu trong nhiều hoạt động ích nước lợi dân như: Tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, văn minh du lịch, các hoạt động từ thiện, nhân đạo, an sinh xã hội, công tác khuyến học, khuyến tài; cứu trợ đồng bào gặp khó khăn.
Điển hình như phối hợp các chức sắc chức việc đạo Công giáo chung tay xây dựng 54 ngôi nhà ấm tình đoàn kết lương giáo, xây dựng những cây cầu; xây dựng đường điện chiếu sáng vào các di tích lịch sử. Đây là những công trình tiêu biểu trong toàn quốc, là cách làm độc đáo mang nét riêng có của Ninh Bình.
Thời gian tới, đồng chí tin tưởng, các chư tôn đức giáo phẩm, tăng ni, tín đồ phật tử và nhân dân trong tỉnh sẽ tiếp tục gìn giữ và phát huy truyền thống “Hộ quốc an dân”, gắn bó đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam; tăng cường đoàn kết hòa hợp, lấy việc phục vụ chúng sinh làm phương tiện để tu hành đạt giác ngộ, khẳng định những giá trị ưu Việt của Phật giáo-Tôn giáo cùng hòa bình.
Dịp này, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình phối hợp Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường đã trao quà cho 200 học sinh vượt khó trong học tập trên địa bàn huyện Gia Viễn và huyện Nho Quan, mỗi suất quà trị giá 1 triệu đồng.
Trong không khí thiêng liêng của mùa Phật đản, các đại biểu cùng các tăng ni, phật tử đã cùng trang nghiêm kỷ niệm ngày Đản sinh của Đức Bản Sư Thích Ca Mâu Ni; thực hiện các nghi lễ dâng hương, cầu nguyện, tắm Phật… với mong muốn quốc thái dân an, thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc, nhân tâm hướng thiện.
Đông đảo tăng ni, phật tử cầu nguyện tại Đại lễ.
Ngoài ra, Đại lễ đã tổ chức khóa tu sinh viên với chủ đề “Tìm về cội giác-Nương bóng Từ bi”; thiền trà với chủ đề “Hương trà mùa Phật-Vị ngọt Từ Bi”; triển lãm Phật giáo với chủ đề “Văn hóa Phật giáo-Kết nối đạo đời” kể về cuộc đời Đức Phật và những giáo pháp của Ngài.
Các đại biểu thực hiện nghi thức tắm Phật.
Đại lễ Phật đản tại chùa Bái Đính năm nay có ý nghĩa sâu sắc khi diễn ra trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025); đồng thời, cũng là lúc Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 vừa tổ chức thành công tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Qua đó, là dịp để cộng đồng phật tử và nhân dân cùng nhau khơi dậy ánh sáng của trí tuệ, nuôi dưỡng tâm từ bi, gắn kết con người bằng yêu thương và hiểu biết; là dịp để khẳng định tinh thần “Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc”, góp phần củng cố khối đại đoàn kết, xây dựng xã hội nhân ái, văn minh, phát triển.
VĂN LÚA - YẾN TRINH