Đãi ngộ tương xứng để cán bộ nghỉ hưu: Tính vượt trội của cách mạng tinh gọn bộ máy

Đãi ngộ tương xứng để cán bộ nghỉ hưu: Tính vượt trội của cách mạng tinh gọn bộ máy
6 giờ trướcBài gốc
Tổng Bí thư Tô Lâm nhiều lần nhấn mạnh: Tinh gọn bộ máy là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng, phải thực hiện với quyết tâm cao nhất. Hiện nay là “thời cơ vàng” để thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy. Mục tiêu không chỉ là tiết kiệm ngân sách mà quan trọng hơn là hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước, đưa đất nước phát triển.
Sau khi sắp xếp các bộ, ngành từ Trung ương tới địa phương, chúng ta lại đặt vấn đề bỏ cấp trung gian (cấp huyện) và tiến tới sáp nhập các tỉnh. Trao đổi với phỏng vấn VOV, PGS.TS Lê Văn Cường, Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã có những chia sẻ về tiến độ triển khai Nghị quyết 18 và lưu ý những nhận định sai lệch về cuộc cách mạng tinh gọn lần này.
PGS.TS Lê Văn Cường, Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Đãi ngộ tương xứng
PV: Thưa ông, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đang diễn ra rất gấp với yêu cầu cao. Số người bị cắt giảm trong các cơ quan nhà nước rất lớn. Có người lo ngại rằng, thực tế trên có thể gây ra những xáo trộn trong xã hội. Ông có nghĩ như vậy không?
PGS.TS Lê Văn Cường: Cuộc cách mạng này tuy rất gấp, thời gian rất nhanh nhưng tôi nghĩ rằng nó sẽ mang lại hiệu quả. Từ khi Tổng Bí thư Tô Lâm phát động trong bài viết “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”, chúng ta thấy bắt đầu triển khai chủ chương này rất quyết liệt. Sự quyết liệt này đã mang lại hiệu quả cao, đảm bảo được cả hai cái yếu tố, cả về vật chất và tinh thần.
Về vật chất là rất vượt trội, đã tạo một động lực để khuyến khích cán bộ nghỉ. Chúng ta kêu gọi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ hi sinh, nhưng mà nói như Bác Hồ dạy “Nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Thế thì bây giờ người ta không thể nào hi sinh quyền lợi cá nhân một cách vô ích trong điều kiện thời bình như thế. Ví dụ như nghỉ trước 5 năm là được 60 tháng lương chẳng hạn. Đó là về mặt vật chất, khuyến khích những người gương mẫu đi đầu hi sinh quyền lợi cá nhân, nhưng mà Đảng, Nhà nước, chế độ cũng có những đãi ngộ tương xứng.
PV: Có nhiều cán bộ giữ vị trí lãnh đạo ở tỉnh và ở các sở ngành, còn nhiều năm công tác vẫn mạnh dạn xin nghỉ trước tuổi. Rõ ràng đó là sự nêu gương đúng không, thưa ông?
PGS.TS Lê Văn Cường: Nghị quyết Trung ương 6, khóa XIII tách ra một phương thức lãnh đạo của Đảng, đấy là phương thức nêu gương. Đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Cho nên, ai là cán bộ, đảng viên thì gương mẫu đi đầu. Có cả ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, rồi các ngành, lực lượng vũ trang, công an, quân đội đều có những người nêu gương xin nghỉ trước. Sự nêu gương ấy được Đảng, Nhà nước, nhân dân ghi nhận và tôn trọng.
Tôi thấy nhiều cá nhân cũng coi đó là một cuộc cách mạng, để họ thử sức chuyển đổi từ lĩnh vực công sang lĩnh vực tư xem như thế nào. Họ cũng muốn thử sức trong một môi trường mới.
Trước đây, tôi thấy rất nhiều tấm gương bộ đội xuất ngũ, thương binh, khi trở về từ chiến trường, từ quân ngũ, họ trở thành những doanh nghiệp hàng đầu tiêu biểu, trở thành những người làm kinh tế giỏi, đặc biệt có nhiều hoạt động nhân đạo, cứu trợ. Dù thay đổi môi trường, nhưng họ vẫn khẳng định được bản thân mình. Nói thế để thấy rằng, nhiều người khi được tinh giản, họ cũng muốn thử thách bản lĩnh, khả năng của mình.
Theo như ước tính sẽ có khoảng 100.000 cán bộ trong khu vực công thuộc diện tinh giản. Trong số này, tôi đưa ra tỷ lệ vàng là có khoảng 30% đủ năng lực để họ ra ngoài tiếp cận, chiếm lĩnh được ngay những hoạt động ở khối tư. Rõ ràng, lực lượng lao động được bổ sung thêm một lực lượng rất hùng hậu.
30% còn lại là sự thích ứng, dù gì thì cũng có sự đóng góp nhất định. Và còn lại, cũng có những bộ phận tính theo tuổi là sắp được nghỉ, họ đã có thời gian dài cống hiến rồi nên bây giờ được quyền hưởng thụ. Đó cũng là điều tất yếu.
PV: Trong cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, nhiều người từ vị trí trưởng chấp nhận xuống phó. Nếu có tâm tư thì chúng ta cũng hoàn toàn hiểu được phải không, thưa ông?
PGS.TS Lê Văn Cường: Như tôi phân tích từ đầu, sẽ có người phải hi sinh quyền lợi cá nhân. Lúc này, người ta biết đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng, sẵn sàng mở đường, nhường đường cho những đồng chí xứng đáng hơn, đủ điều kiện, khả năng cống hiến tốt hơn.
Còn lại ở đây, chúng ta cũng phải hiểu là cũng có tâm tư đấy. Ví dụ như đang cấp trưởng, giờ hai ban dồn một thì đương nhiên là chỉ có một ông trưởng thôi, thế thì có tâm tư không? Khẳng định là cũng có. Thế nhưng mà người ta vượt qua được cái tâm tư ấy, như Bác Hồ nói: Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh. Chính vì vậy, cho dù có chút tâm tư thì đó cũng là suy nghĩ của con người, một con người bình thường.
Song đây không phải là đẩy họ xa ra, không phải là thanh trừng nội bộ, đấu đá phe phái. Chúng ta cần nhận thức như vậy để tránh bị các thế lực lợi dụng phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân.
Bỏ cấp huyện hoàn toàn có cơ sở
PV: Tinh gọn bộ máy Nhà nước không phải bây giờ chúng ta mới nói, mới làm mà đó là một hành trình chúng ta vừa làm, vừa tổng kết, rút kinh nghiệm?
PGS.TS Lê Văn Cường: Thứ nhất, nói về mặt nguyên lý, ta đã đề ra Nghị quyết 18 về tinh gọn bộ máy từ ngày 25/10/2017. Ngược dòng lịch sử, từ năm 1980, Nghị quyết của Hội đồng Bộ trưởng cũng đã nói về chuyện tinh giản bộ máy chứ không phải là bây giờ. Có nghĩa là vấn đề này cũng đã được nhìn nhận và được đặt ra. Tuy nhiên, nhìn thẳng vào sự thật chúng ta thấy là làm chưa triệt để, hiệu quả chưa cao.
Lần này chúng ta làm quyết liệt vì đã đến “thời cơ vàng”. Hiện nay, với điều kiện về mặt kỹ thuật, sự phát triển của Cuộc cách mạng khoa học 4.0, công nghệ, hạ tầng, giao thông, vận tải... Đặc biệt, chúng ta đủ nguồn lực để thực hiện cuộc cách mạng về sắp xếp tinh gọn bộ máy, để những người nghỉ sẽ cảm thấy yên tâm, vui vẻ.
Hơn nữa, Đại hội Đảng toàn quốc sắp diễn ra, về nguyên tắc là Đảng lãnh đạo công tác cán bộ. Bây giờ, Đại hội Đảng chưa diễn ra mà chúng ta không cấp tốc làm việc này thì để đến khi đại hội xong xuôi rồi, bầu cử ra rồi, nhân sự như thế rồi thì sắp xếp vào đâu.
PV: Sau khi sắp xếp các bộ, ngành, chúng ta tiến tới sẽ bỏ cấp huyện. Vấn đề này cũng có nhiều luồng ý kiến trong xã hội. Ông có thể chia sẻ góc nhìn của mình?
PGS.TS Lê Văn Cường: Đây là bước đi cụ thể hóa của Nghị quyết 18. Chúng ta hiện nay đang có 2 cấp trung gian. Đầu tiên là Trung ương, dưới là có tỉnh, huyện, xã và tương đương.
Nói về nguyên tắc, tỉnh, huyện là trung gian. Trong lịch sử Việt Nam từ khi thành lập nước, đã có thời kỳ chúng ta có tận 5 cấp, gồm: cấp Trung ương, cấp bộ tức là Bắc bộ, Trung bộ, Nam bộ sau năm 1945, rồi đến tỉnh, huyện, xã. Sau này ta lại cũng có 1 cấp trung gian nữa là liên khu. Cấp này hình thành trong thời kỳ kháng chiến thì phù hợp. Thế nhưng khi đất nước thống nhất thì đương nhiên không cần mô hình ấy nữa, chúng ta duy trì ổn định mô hình 4 cấp từ Hiến pháp năm 1980, tức là sau độc lập, thống nhất đến bây giờ.
Qua Hiến pháp 1992 và Hiến pháp 2013, đến bây giờ ta lại phải tính lại xem là mô hình 4 cấp này có nên duy trì một cách tổng thể không. Ví dụ như chúng ta đang thí điểm bỏ cấp huyện chẳng hạn, chuyện bỏ cấp huyện có được không? Tôi nghĩ rằng là hoàn toàn có cơ sở để bỏ được. Bởi vì bản chất của nó chỉ là khâu trung gian.
Song có lẽ cũng nên tính toán lại, không nên mang tính chất đồng loạt. Ví dụ, các tỉnh đồng bằng có lẽ là bỏ cấp huyện được, nhưng một số tỉnh miền núi, những vùng có vấn đề trọng yếu liên quan đến quốc phòng, an ninh, liệu bỏ được chưa? Như huyện rộng nhất Việt Nam là hơn 2.000 km2; trong khi tỉnh bé nhất Việt Nam thì chỉ có hơn 600 km2. Có nghĩa là một huyện gấp hơn 3 lần một tỉnh. Do vậy, tôi muốn nói là cũng phải tính đến tính đặc thù.
Một nửa sự thật không phải là sự thật
PV: Trên các trang mạng xã hội, nhiều đối tượng diễn trò thư ngỏ, góp ý, tổ chức diễn đàn bàn luận, trao đổi để rồi đưa ra những quan điểm, thái độ hằn học, hướng lái dư luận theo chiều hướng tiêu cực. Theo ông, chúng ta cần tiếp cận và ứng xử như thế nào đối với những kiểu dạng thông tin này?
PGS.TS Lê Văn Cường: Sự cầu thị, góp ý và lắng nghe là rất đúng, rất tốt và rất cần. Đảng có Quy định 218, nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng. Đảng lãnh đạo, Đảng lắng nghe sự góp ý của dân là tuyệt vời. Thế nhưng chúng ta cũng lại phải đề cao cảnh giác vì ngay từ thời Các-Mác và Ăng-ghen cũng đã nhắc rồi: Cái nguy hiểm nhất bây giờ không phải là những kẻ chống Mác mà là những kẻ đội lốt Mác để chống Mác. Cho nên, góp ý chân thành để chúng ta sửa nó khác với cái sự hằn học, vu khống, xuyên tạc, bịa đặt. Hai cái đó là rất khác nhau.
Mạng xã hội phát triển rất nhanh, mà nhiều khi thông tin lại mù mờ, nghe có vẻ như là đúng. Nhưng tôi xin nhắc lại, trong ngạn ngữ phương Tây đã dạy: Một nửa cái bánh mì thì vẫn là cái bánh mì, nhưng một nửa sự thật thì không phải là sự thật. Chúng ta nghe không đầy đủ, thông tin không chính xác, thì đôi khi chúng ta lại trở thành những người tiếp tay cho các thế lực thù địch lan truyền những thông tin không chính xác.
Các thế lực thù địch chống phá chúng ta rất bài bản, thường xuyên, liên tục. Đúng họ cũng chống mà sai họ cũng chống. Tôi nhớ lại thời kỳ chống dịch, bộ đội đi chợ giúp dân, bộ đội vào tâm dịch vất vả, hi sinh như thế, thế nhưng các thế lực thù địch cũng chống phá. Họ bảo là chúng ta dùng lực lượng vũ trang để phong tỏa, để đàn áp, rồi để nọ, để kia. Cho nên là chúng ta phải tăng cường cảnh giác trước âm mưu của các thế lực thù địch.
PV: Xin cảm ơn ông.
Trường Giang/VOV
Nguồn VOV : https://vov.vn/chinh-tri/dai-ngo-tuong-xung-de-can-bo-nghi-huu-tinh-vuot-troi-cua-cach-mang-tinh-gon-bo-may-post1156790.vov