Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Evans Knapper: Việt Nam đã trở thành một phần đặc biệt trong trái tim tôi

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Evans Knapper: Việt Nam đã trở thành một phần đặc biệt trong trái tim tôi
17 giờ trướcBài gốc
Đại sứ Marc Evans Knapper trò chuyện cùng phóng viên Chuyên đề ANTG Giữa tháng - Cuối tháng.
PV: Thưa Đại sứ, sau hơn 1 năm nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã có những bước phát triển ra sao?
Đại sứ Marc Evans Knapper: Thật tuyệt vời khi chúng ta có thể thực hiện một bước đi lịch sử, điều chưa từng có từ trước đến nay là nâng cấp quan hệ lên hai bậc. Sự nâng cấp quan hệ này phản ánh những gì mà hai quốc gia chúng ta đã đạt được cùng nhau trong suốt nhiều năm qua. Hai nước chúng ta đã tiến xa trong mối quan hệ song phương, từ hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, đến an ninh, quốc phòng, khí hậu, năng lượng, y tế, giáo dục.
Phải khẳng định rằng, đây là thời khắc thành công rực rỡ, là thông điệp mạnh mẽ và rõ ràng nhất có thể về hướng đi của mối quan hệ giữa hai quốc gia. Đây cũng là niềm tin, sự lạc quan của chúng ta đối với mối quan hệ song phương, rằng tương lai hai nước thực sự gắn kết không thể tách rời; người dân Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ đồng hành, kề vai sát cánh cùng nhau trong hành trình tạo ra sự thịnh vượng chung, an ninh chung và cùng nỗ lực vì lợi ích của hai dân tộc.
2024 là một năm đáng chú ý. Chỉ trong 15 tháng kể từ khi nâng cấp quan hệ, hai quốc gia chúng ta đã gặt hái thêm nhiều thành công về lĩnh vực thương mại và đầu tư. Hoa Kỳ đang hợp tác với Việt Nam trong sản xuất chất bán dẫn và công nghệ cao. Việc này không chỉ là đầu tư vào một nhà máy mà còn là tạo ra một hệ sinh thái, giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư về công nghệ cao. Các công ty Hoa Kỳ, các trường đại học Hoa Kỳ cũng đang cùng hợp tác để giúp Việt Nam phát triển chương trình giáo dục cần thiết nhằm đào tạo thế hệ nhà khoa học máy tính, kỹ sư điện và lao động công nghệ cao.
Về năng lượng sạch, Việt Nam đã công bố cơ chế mua bán điện trực tiếp, một cơ chế mà Hoa Kỳ và Việt Nam cùng nhau thúc đẩy trong khoảng 6 năm. Cơ chế này giúp đảm bảo cho các nhà đầu tư Hoa Kỳ khi đến Việt Nam, có thể ký hợp đồng trực tiếp với nhà cung cấp điện như các trang trại điện mặt trời hoặc điện gió. Rồi, việc đảm bảo rằng Việt Nam có cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin chất lượng cao. Tập đoàn Viettel và Công ty Hoa Kỳ Qualcomm gần đây đã công bố chương trình 5G đầu tiên có quy mô thành phố sử dụng công nghệ Qualcomm...
Đó là một vài ví dụ về tất cả những gì hai nước chúng ta đã đạt được kể từ khi nâng cấp quan hệ. Những kết quả này thật đáng phấn khởi và chúng ta sẽ luôn tiếp tục tiến về phía trước.
PV: Như vậy là Đại sứ đã thực hiện được cam kết của mình tại phiên điều trần trước Thượng viện Hoa Kỳ vào tháng 7/2021. Liệu đây có phải thành tựu lớn nhất của ông trên cương vị Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam?
Đại sứ Marc Evans Knapper:Thật sự là một cảm giác tuyệt vời khi hai nước chúng ta đã nỗ lực hiện thực hóa việc nâng cấp quan hệ. Đó là một thành tựu to lớn, là kết quả của nhiều năm nỗ lực từ cả hai quốc gia để chuẩn bị nền móng cho sự nâng cấp quan hệ này. Đó còn là công sức của các nhà lãnh đạo chính phủ và nhiều cá nhân khác ở Việt Nam và Hoa Kỳ. Hãy thử nghĩ xem, tại Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán của Hoa Kỳ ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, chúng tôi có gần 1.300 nhân viên Việt Nam và Hoa Kỳ, cả nam và nữ, cùng nhau làm việc hằng ngày, góp phần thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước. Tôi vô cùng tự hào về công việc mà tất cả chúng tôi đã làm cùng nhau. Với tôi, thật là một vinh dự to lớn khi được có mặt ở đây, vào đúng thời điểm hai quốc gia nâng cấp mối quan hệ song phương.
PV: Trong tuyên bố chung nâng cấp quan hệ, Việt Nam và Hoa Kỳ coi hợp tác về phát triển công nghệ là bước đột phá trong quan hệ. Trong năm qua, hai nước đã có những mô hình nào để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này, đặc biệt là đưa Việt Nam trở thành trung tâm bán dẫn trong khu vực?
Đại sứ Marc Evans Knapper: Chính phủ Hoa Kỳ tự hào khi được đóng góp vai trò nhấn mạnh tầm quan trọng của sản xuất chất bán dẫn và sản xuất công nghệ cao nói chung trong bối cảnh mối quan hệ giữa hai quốc gia chúng ta được nâng cấp. Điều này đã góp phần làm nổi bật Việt Nam và cho các nhà đầu tư thấy rằng, Việt Nam đã sẵn sàng thực hiện bước đi táo bạo vào lĩnh vực sản xuất công nghệ cao.
Chúng ta đã thấy các khoản tài trợ của Chính phủ Hoa Kỳ, thông qua Đạo luật CHIPS và Khoa học nhằm thúc đẩy phát triển lực lượng lao động, phát triển đào tạo lao động công nghệ cao. Rồi cả việc khuyến khích các công ty Hoa Kỳ, các trường đại học Hoa Kỳ, cũng như các tổ chức khác hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong việc thực hiện tham vọng này. Chẳng hạn, Đại học bang Arizona sử dụng tiền từ Chính phủ Hoa Kỳ để hợp tác với các trường đại học Việt Nam trong việc phát triển nội dung chương trình giáo dục, nhằm đào tạo lực lượng lao động công nghệ cao.
Gần đây, Tập đoàn chip Synopsys đã hợp tác với Đại học Phenikaa để xây dựng một trung tâm sản xuất công nghệ cao tại Đà Nẵng. Hay, như việc CEO, đồng thời là nhà sáng lập Tập đoàn bán dẫn NVIDIA Jensen Huang tới Việt Nam và tuyên bố chọn Việt Nam là ngôi nhà thứ hai để đặt trung tâm nghiên cứu và phát triển AI. Rồi Google hợp tác với Đại học Fulbright Việt Nam và TP Hồ Chí Minh công bố khoản tài trợ hơn 1 triệu USD cho nghiên cứu về AI...
Như vậy là các chính quyền địa phương, tổ chức giáo dục và khu vực tư nhân của hai nước đã hợp tác với nhau theo nhiều cách để giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu về phát triển công nghệ cao. Những điều này không phải ngẫu nhiên xảy ra, mà theo tôi, là nhờ có việc nâng cấp quan hệ hai nước và Chính phủ Hoa Kỳ cùng Việt Nam đã chú trọng các vấn đề này. Tôi cảm thấy rất lạc quan về mức độ quan tâm cao từ các công ty Hoa Kỳ đối với Việt Nam.
PV: Năm 2025 là kỷ niệm 30 năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Theo Đại sứ, đâu là điểm khác biệt, điểm sáng và độc đáo nhất giữa quan hệ hai nước?
Đại sứ Marc Evans Knapper: Quan hệ giữa hai nước chúng ta là một câu chuyện rất đặc biệt. Từ những người bạn, chúng ta đã trở thành kẻ thù, rồi lại bình thường hóa quan hệ để trở thành bạn bè và giờ đây là đối tác tuyệt vời. Đó là một mối quan hệ rất độc đáo trong lịch sử, điều mà Tổng thống Joe Biden đã đề cập trong bài phát biểu tại Liên hợp quốc, không chỉ một lần, mà hai lần vào năm ngoái (2023) và năm nay (2024). Tổng thống Joe Biden đã nhấn mạnh rằng, mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam mang lại hy vọng cho mọi quốc gia khác. Nếu Hoa Kỳ và Việt Nam có thể trở thành bạn bè thì ai cũng có thể trở thành bạn bè.
Chỉ một thời gian tương đối ngắn, hai nước đã có những thay đổi quan trọng trong mối quan hệ song phương và việc này phần nào nhờ vào những hoạt động hợp tác về các vấn đề còn tồn tại sau chiến tranh, bắt đầu với nỗ lực rất nhân văn, nhân đạo của Việt Nam trong việc giúp Hoa Kỳ tìm kiếm quân nhân mất tích. Giờ đây, Hoa Kỳ đang cố gắng giúp Việt Nam tìm kiếm những người mất tích trong chiến tranh thông qua nghiên cứu tài liệu lưu trữ và phân tích ADN. Tôi vừa dự một sự kiện rất đặc biệt và xúc động là trao trả cho một số cựu chiến binh và thân nhân những tài liệu chúng tôi tìm thấy trong kho lưu trữ.
Chúng ta cũng đang hợp tác trong việc xác định danh tính những người mất tích, xử lý ô nhiễm các điểm nóng dioxin, cụ thể là tại sân bay Biên Hòa, rà phá bom mìn và vật liệu chưa nổ ở miền Trung Việt Nam, tại tỉnh Quảng Trị và các tỉnh khác nữa; đồng thời, hỗ trợ người khuyết tật do bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, vật liệu nổ hay bất kỳ nguyên nhân nào. Thật khó có thể tìm được quan hệ hợp tác tương tự như quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Cách mà chúng ta hợp tác cùng nhau nhằm thúc đẩy hòa bình, sự hiểu biết lẫn nhau và hòa giải đã tạo nên mối quan hệ tốt đẹp như ngày nay.
2025 là một năm với nhiều hoạt động lớn: kỷ niệm 30 năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ; 50 năm Việt Nam thống nhất đất nước, 80 năm Việt Nam giành được độc lập, tự do và 80 năm kể từ khi các lực lượng Hoa Kỳ - Việt Minh cùng hợp tác chống lại phát xít Nhật. Chúng ta có rất nhiều điều để nhìn lại, để kỷ niệm tất cả những thành tựu đã đạt được, đồng thời hướng tới phía trước và định hướng tương lai cho mối quan hệ hai nước trong 30 hay 100 năm tiếp theo.
Ảnh: US Embassy
PV: Tôi còn nhớ, trong cuộc họp báo đầu tiên với tư cách là Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông có nói rằng, ông rất may mắn được quay trở lại Việt Nam. Chứng kiến sự đổi thay của Việt Nam, cảm nhận của ông như thế nào?
Đại sứ Marc Evans Knapper: Xét từ góc độ phát triển, sự thay đổi của Việt Nam thực sự rất đáng kinh ngạc. Nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những bước tiến vượt bậc, đặc biệt trong phát triển cơ sở hạ tầng và tất cả các lĩnh vực khác. Sự chuyển mình này là thành quả của nỗ lực không ngừng nghỉ của Việt Nam.
Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam cũng đã chuyển mình mạnh mẽ. Cách đây 20 năm, hợp tác giữa hai nước chỉ giới hạn ở một số lĩnh vực cụ thể, dù đó đều là các lĩnh vực hợp tác quan trọng. Ngày nay, mối quan hệ này đã phát triển rực rỡ, bao phủ hầu như mọi lĩnh vực mà bạn có thể nghĩ đến. Trong tất cả các lĩnh vực này, hai nước đều đang hợp tác tích cực và hướng tới tương lai. Nhưng, điều tôi nhận thấy không thay đổi chính là sự nồng hậu, hiếu khách và ấm áp của người dân Việt Nam. Đó luôn là điều khiến tôi cảm thấy được chào đón khi trở lại đây.
PV: Vậy, lần đầu tiên Đại sứ nghe đến Việt Nam là khi nào? Ông có cảm thấy mình có một mối lương duyên đặc biệt với dải đất hình chữ S?
Đại sứ Marc Evans Knapper: Xin nhấn mạnh rằng, gia đình tôi có một sự gắn kết đặc biệt với Việt Nam (cười...). Bà tôi đã sống ở Sài Gòn một vài năm và cha tôi, cũng từng chiến đấu tại đây trong cùng khoảng thời gian đó. Sau này, tôi đã có cơ hội làm việc tại Việt Nam và đến nay, con trai tôi cũng từng sống ở đây. Như vậy là 4 thế hệ gia đình tôi đã sống tại Việt Nam. Có thể nói, Việt Nam đã trở thành một phần đặc biệt trong lịch sử gia đình tôi, trong câu chuyện cá nhân của tôi và chắc chắn là trong trái tim tôi.
Tôi nhớ, lần đầu tiên được nghe về Việt Nam là qua những câu chuyện mà cha tôi kể về chiến tranh. Nhưng, mỗi khi nói đến chiến tranh, ông luôn nhấn mạnh rằng, ông rất muốn quay trở lại đây. Dù chiến tranh là một trải nghiệm khắc nghiệt đối với ông cũng như tất cả mọi người, ông vẫn luôn mong ước được chứng kiến một Việt Nam hòa bình và thịnh vượng.
Khi tôi có cơ hội làm việc tại đây vào năm 2004, cha tôi vẫn còn sống. Tôi có nhiều lựa chọn đến các quốc gia khác, nhưng tôi rất muốn đến Việt Nam vì tôi biết rằng, nếu tôi ở đây, cha tôi chắc chắn sẽ đến thăm. Và, quả thật, ông đã đến Việt Nam 3 lần. Là một người con, có thể mang đến cho cha mình món quà này, giúp ông quay lại thăm và chứng kiến đất nước Việt Nam hòa bình và thịnh vượng là một niềm hạnh phúc lớn lao của tôi. Đó thực sự là một khoảnh khắc đặc biệt đối với gia đình chúng tôi.
Trùng hợp là anh trai tôi hiện cũng đang ở Việt Nam trong chuyến thăm kéo dài 2 tuần. Khi anh ấy rời Hà Nội để đến Huế, tôi cũng bay vào Huế. Tôi đã chỉ cho anh trai thấy những địa danh mà cha chúng tôi từng có mặt trong cuộc chiến đã qua.
PV: Vậy, đây có phải là lý do mà Đại sứ luôn quan tâm thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong việc giải quyết hậu quả chiến tranh và các vấn đề nhân đạo?
Đại sứ Marc Evans Knapper:Vâng, Hoa Kỳ làm điều này vì đó là việc đúng đắn cần làm. Với tư cách là đại diện của Chính phủ Hoa Kỳ tại đây, tôi thấy việc thúc đẩy hợp tác giải quyết các vấn đề còn tồn tại sau chiến tranh rất quan trọng. Ở khía cạnh cá nhân, tôi cũng cảm thấy có một trách nhiệm lớn lao.
Tôi muốn nhìn thấy đất nước này phát triển mạnh mẽ, muốn thấy Việt Nam ngày càng vươn xa. Tôi muốn chắc chắn rằng, chúng ta có thể cùng nhau xây dựng một nền tảng vững chắc cho các thế hệ người Hoa Kỳ và người Việt Nam trong tương lai.
Việc gia đình tôi có sự gắn kết với Việt Nam qua chiến tranh có lẽ khiến tôi nhạy cảm hơn và thấu hiểu sâu sắc hơn về cái giá của chiến tranh và những gì chúng ta có thể cùng nhau làm để khắc phục hậu quả chiến tranh.
Từng chiến đấu tại Việt Nam và khi quay lại, cha tôi đã gặp gỡ các cựu chiến binh Việt Nam. Ông chia sẻ rằng, hai bên dường như có chung một trải nghiệm, một điểm chung mà những người chưa từng trải qua chiến tranh không có được.
Tôi nghĩ rằng, các cựu binh, ở hai bên chiến tuyến, trải nghiệm chiến tranh từ hai phía khác nhau, đều có những góc nhìn rất đặc biệt. Họ có khả năng trò chuyện rất thẳng thắn và cởi mở về những trải nghiệm của mình và họ thực sự hiểu nhau.
Điều này cũng đúng trong suốt tiến trình lịch sử nói chung. Chúng ta cũng đã thấy các cựu binh Hoa Kỳ và Nhật Bản từng gặp gỡ và trò chuyện với nhau sau Thế chiến II, không phải bằng sự thù hận hay cay đắng. Với họ, đó là chuyện phụng sự đất nước và hai bên buộc phải ở hai phe đối lập - chuyện mà chỉ những cựu binh mới có thể thực sự hiểu được.
Hồi hương hài cốt quân nhân Mỹ. Ảnh: US Embassy
PV: Và, cũng để hiểu thêm về Việt Nam, Đại sứ đã quyết tâm học tiếng Việt?
Đại sứ Marc Evans Knapper: Khi tôi đến đây 20 năm trước, Chính phủ Hoa Kỳ đã tài trợ cho tôi học tiếng Việt trong 10 tháng. Một cơ hội tuyệt vời. Tôi yêu thích việc học ngôn ngữ, vì vậy tôi rất vui khi có cơ hội đó. Tôi không thể tưởng tượng được việc sống ở một đất nước mà không nói được ngôn ngữ của nơi đó. Chí ít cũng phải cố gắng học ngôn ngữ. Đó là lý do tôi cố gắng học và cải thiện tiếng Việt của mình mỗi ngày. Nhưng, phải thừa nhận rằng, đây là một thử thách, tiếng Việt không phải là ngôn ngữ dễ học (cười...).
Tiếng Việt rất đa dạng. Như tôi đã nói, người Việt Nam rất lạc quan và luôn hướng về tương lai. Điều này được thể hiện rõ qua ngôn ngữ của các bạn. Chẳng hạn, trong tiếng Anh, khi ai đó hỏi: "Bạn đã từng đến Australia chưa?". Nếu chưa, người Hoa Kỳ sẽ trả lời "Không", nhưng người Việt Nam sẽ trả lời "Chưa". Với tôi, từ "chưa" ẩn chứa một ý nghĩa lạc quan rằng: "Chưa đi, nhưng một ngày nào đó, tôi sẽ đến đó". Tôi rất thích việc tinh thần lạc quan của người Việt Nam đã ăn sâu cả trong ngôn ngữ.
PV: Khó nhưng ông vẫn vượt qua để nói thành thạo tiếng Việt và còn viết thư pháp?
Đại sứ Marc Evans Knapper: Đúng vậy (cười...). Tôi đến Việt Nam nhận nhiệm vụ làm Đại sứ Hoa Kỳ vào cuối tháng 1/2022, đúng thời điểm cuối đại dịch COVID-19 và sát Tết Nguyên đán. Tôi biết đó là khoảng thời gian đầy thử thách với người dân Việt Nam khi cả thế giới đều đang đối mặt với COVID-19. Tôi đã viết "Xin chào Việt Nam" lên tờ giấy đỏ để thực hiện truyền thống của người Việt nhân dịp đầu năm mới là khai bút đầu xuân.
Một trong số những người tiền nhiệm của tôi, Đại sứ Ted Osius, đã làm việc 2 nhiệm kỳ tại Việt Nam. Tôi đã sống ở đất nước các bạn gần 3 năm và hiện cũng đang trong nhiệm kỳ thứ hai. Tôi nghĩ, tất cả các Đại sứ Hoa Kỳ từng làm việc tại đây đều đặc biệt am hiểu Việt Nam.
Điều tôi đặc biệt yêu thích ở Việt Nam, nhất là Hà Nội, là sự xanh tươi của thành phố. Hà Nội có rất nhiều công viên, cây xanh, hoa lá và hồ nước. Hà Nội thật tuyệt vời, đã khiến tôi mê hoặc. Tôi nghĩ mùa này, ngay lúc này, Hà Nội rất đẹp. Thời tiết khá dễ chịu, se lạnh một chút, mang lại cảm giác rất thoải mái. Tất nhiên, tôi cũng yêu những ngày nắng, thực ra mỗi mùa của Hà Nội đều có nét cuốn hút riêng.
Đại sứ Marc Evans Knapper viết "Xin chào Việt Nam" lên giấy đỏ và treo trên tường nhân dịp năm mới 2022, khi ông vừa tới Việt Nam nhận nhiệm vụ. Ảnh: US Embassy
PV: Vậy nếu dùng một câu để nói về Việt Nam, Đại sứ sẽ nói gì?
Đại sứ Marc Evans Knapper: Tôi sẽ nói rằng: "Hoa Kỳ và Việt Nam cùng chia sẻ tương lai, có chung niềm lạc quan về tương lai đó và tôi rất tự hào được có mặt ở đây, tại thời điểm này, để góp phần hiện thực hóa tương lai ấy".
PV: Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ về cuộc trò chuyện thú vị này!
Ảnh: US Embassy
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/emagazine/dai-su-hoa-ky-tai-viet-nam-marc-evans-knapper-viet-nam-da-tro-thanh-mot-phan-dac-biet-trong-trai-tim-toi-i754744/