Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Ito Naoki nhân dịp bắt đầu nhiệm kỳ tại Việt Nam, ngày 3/7/2024. (Nguồn: TTXVN)
Năm nay có lẽ là trải nghiệm Tết Việt đầu tiên của Đại sứ, Tết Việt đang đến rất gần, Đại sứ đã cảm nhận được “hương vị” đó?
Sang tháng Giêng, quang cảnh ô tô, xe máy chở những cành đào, cây quất trở nên phổ biến. Nhìn những tấm biển “Chúc mừng năm mới” được trang trí khắp các con phố, tôi cảm nhận được tâm trạng háo hức đón Tết của người dân, và nhận ra rằng phong tục đón Tết là một trong những truyền thống được gìn giữ, trân trọng ở Việt Nam.
Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki. (Ảnh: QT)
Tôi nghe nói các đồ nếp như bánh chưng là món ăn truyền thống ngày Tết. Tôi rất mong được trải nghiệm phong tục truyền thống và tận hưởng không khí vui tươi dịp Tết ở Việt Nam.
Chúc mừng năm mới! Tôi xin chúc quý vị độc giả Việt Nam dồi dào sức khỏe và tràn đầy hạnh phúc.
Tết là thời gian dành cho những ước nguyện về tương lai, ước nguyện với Việt Nam, với mối quan hệ Nhật - Việt của Đại sứ là…?
Năm 2025 là năm Tỵ (con Rắn), năm của sự thay đổi và tái sinh. Hiện tại, Việt Nam đang vươn mình mạnh mẽ bước vào kỷ nguyên mới dưới sự dẫn dắt của Tổng Bí thư Tô Lâm. Tôi tin tưởng rằng kỷ nguyên mới này sẽ là cơ hội tốt để phát triển và mở rộng hơn quan hệ đối tác Nhật Bản - Việt Nam.
Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định Việt Nam sẽ đóng vai trò chủ động, tích cực và có trách nhiệm hơn trong cộng đồng quốc tế. Tôi cho rằng trong thời gian tới, trên bình diện ngoại giao, Nhật Bản và Việt Nam đều có thể đảm nhận vai trò quan trọng hơn nữa vì mục tiêu hòa bình và phồn vinh của châu Á và trên thế giới.
Ngoài ra, tuyến đường sắt đô thị số 1 TP. Hồ Chí Minh - biểu tượng hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam - cuối cùng đã chính thức vận hành vào tháng 12 năm ngoái. Tôi rất vui mừng khi tuyến đường sắt này được người dân địa phương đón nhận nồng nhiệt và nhiều người đã đến trải nghiệm.
Trong “kỷ nguyên mới”, Việt Nam chú trọng vào việc hoàn thiện sớm cơ sở hạ tầng chiến lược, bao gồm giao thông vận tải, kỹ thuật số và năng lượng. Nhật Bản hoan nghênh những nỗ lực này và sẽ tiếp tục phối hợp với Việt Nam.
Bên cạnh đó, trong các lĩnh vực công nghệ cao như chất bán dẫn và các lĩnh vực mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, Chính phủ và doanh nghiệp Nhật Bản sẽ cùng chung tay cung cấp cho Việt Nam sự hỗ trợ cần thiết hướng tới mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045 và đạt mức tăng trưởng hai chữ số.
Thông qua những cải cách dưới thời Tổng Bí thư Tô Lâm, tôi kỳ vọng mạnh mẽ rằng việc đơn giản hóa, minh bạch hóa thủ tục hành chính và đẩy nhanh quá trình phê duyệt sẽ được thực hiện, giúp công việc kinh doanh của các công ty đang hoạt động có những bước tiến cụ thể. Nhờ đó, chắc chắn môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ được cải thiện, thu hút thêm các khoản đầu tư mới.
Lễ công bố vận hành chính thức tuyến đường sắt đô thị số 1, tuyến Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) tháng 12/2024. (Ảnh: T.Mai)
Những hình ảnh nào sẽ hiện lên đầu tiên trong đầu Đại sứ khi được hỏi về vẻ đẹp dải đất hình chữ S nơi mình đang công tác?
Trong khoảng tám tháng kể từ khi đảm nhận vai trò Đại sứ ở Việt Nam, tôi đã đặt chân tới 20 tỉnh, thành, từ Lào Cai, Yên Bái ở phía Bắc đến Cà Mau ở phía Nam.
Mỗi vùng miền đều sở hữu thiên nhiên trù phú và sức hút độc đáo. Đôi khi, tôi bắt gặp những khung cảnh rất giống với Nhật Bản, chẳng hạn như ruộng bậc thang ở Sapa và Mù Cang Chải hay tục lệ giã bánh dày làm từ gạo. Những khung cảnh này đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi.
Thêm nữa, khi nghĩ đến phong cảnh Việt Nam, điều đầu tiên xuất hiện trong tâm trí tôi có lẽ là những hình ảnh về nhịp sống tại Hà Nội. Chỉ cách Văn Miếu, di tích Hoàng thành Thăng Long và khu phố cổ vài bước chân là những tòa nhà cao tầng và trung tâm thương mại san sát nhau. Tôi rất ấn tượng trước cách người dân Việt Nam kết hợp giữa phát triển với gìn giữ truyền thống.
Năm nay, tôi cũng muốn đến thăm thật nhiều nơi, gặp gỡ thật nhiều người và khám phá thêm nhiều nét đẹp khác của Việt Nam.
Giao thoa văn hóa Nhật - Việt, theo Đại sứ, có nền tảng và tiềm năng thúc đẩy như thế nào?
Xét về góc độ văn hóa ẩm thực, mỗi vùng miền của Việt Nam đều có những món ăn dạng sợi đặc trưng, từ phở và bún chả ở miền Bắc đến bún bò Huế ở miền Trung và hủ tiếu ở miền Nam.
Trong khi đó, các tỉnh thành ở Nhật Bản cũng có rất nhiều món sợi độc đáo của từng địa phương. Tôi cảm thấy những nét tương đồng và giao thoa về văn hóa có sức mạnh kết nối mọi người từ các quốc gia khác nhau.
Ví dụ, hệ thống “mậu dịch Châu Ấn thuyền” của Nhật Bản đã góp phần thắt chặt mối quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVII. Vào thời điểm đó, tại thành phố cảng Hội An ở miền Trung của Việt Nam có Chùa Cầu và một khu phố Nhật Bản, và Hội An đã trở thành nơi giao thương hàng hóa như đồ gốm, hàng dệt may... từ Việt Nam sang Nhật Bản.
Những sản phẩm gốm Việt Nam ở Nhật Bản được gọi là đồ gốm An Nam và được sử dụng trong nghi lễ tiệc trà. Chuyện tình giữa Công nữ Anio triều Nguyễn và thương nhân Araki Sotaro vùng Nagasaki vẫn được lưu truyền đến tận ngày nay. Tôi nghe nói “cao lầu” - món mì đặc sản của Hội An - có nguồn gốc từ món mì “Ise udon” của tỉnh Mie ở Nhật Bản.
Như vậy, Nhật Bản và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng và giao thoa về mặt văn hóa, và tôi cho rằng hai nước vẫn còn nhiều tiềm năng mở rộng giao lưu văn hóa. Tôi hy vọng hoạt động giao lưu giữa Nhật Bản và Việt Nam sẽ ngày càng sôi động, không chỉ thông qua văn hóa truyền thống Nhật Bản như nghệ thuật cắm hoa Ikebana và trà đạo, mà cả các loại hình văn hóa đại chúng bắt nguồn từ Nhật Bản như manga, anime, điện ảnh, phim truyền hình và âm nhạc.
Năm nay, Triển lãm thế giới Expo Osaka Kansai sẽ được tổ chức tại Nhật Bản. Nhân dịp này, tôi rất mong các quý vị Việt Nam sẽ đến thăm Nhật Bản và trải nghiệm thực tế văn hóa Nhật Bản.
Trân trọng cảm ơn Đại sứ!
Hà Phương