Đại sứ Marc Knapper: Chúng ta sẽ gieo trồng gì cho tương lai Việt - Mỹ?

Đại sứ Marc Knapper: Chúng ta sẽ gieo trồng gì cho tương lai Việt - Mỹ?
7 giờ trướcBài gốc
Chiều 8-1, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper đã phát biểu trước sinh viên, giảng viên và lãnh đạo của Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU) về quan hệ hai nước. Sự kiện này đánh dấu khởi đầu của các hoạt động kỷ niệm 30 năm quan hệ Việt Nam - Mỹ trong năm 2025.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper phát biểu trước sinh viên, giảng viên và lãnh đạo của Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: VNU
Ngôi trường Tổng thống Bill Clinton từng thăm
Trong bài phát biểu đầy cảm hứng trước 400 người tham dự sự kiện, Đại sứ Marc Knapper nhắc lại khuôn viên ngôi trường giữ một vị trí đặc biệt trong câu chuyện về hai quốc gia, là nơi 25 năm trước, Tổng thống Bill Clinton đã đứng với tư cách là tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm Hà Nội, suy ngẫm về việc bình thường hóa quan hệ mà ông đã tuyên bố vào năm 1995.
Chính Tổng thống Clinton đã tuyên bố một chương mới trong quan hệ Mỹ - Việt Nam khi ông nói: "Hãy để tương lai là đích đến của chúng ta".
Và hôm nay, Đại sứ Mỹ muốn cùng "những nhà lãnh đạo tương lai" bắt đầu lễ kỷ niệm 30 năm quan hệ Mỹ - Việt Nam với việc suy ngẫm về 3 chủ đề quan trọng: Giáo dục, đổi mới và quan hệ đối tác. "Cùng nhau, chúng tạo thành nền tảng cho 30 năm tiếp theo của quan hệ Mỹ - Việt Nam khi chúng ta vượt qua quá khứ và hướng tới tương lai"- ông nhấn mạnh.
Đại sứ Mỹ Marc Knapper giao lưu với sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội. Video: Dương Ngọc
Dẫn câu nói của người Việt: "Có công trồng cây, có ngày hái quả", Đại sứ cho rằng trong 30 năm qua, chúng ta đã gieo hạt giống hữu nghị và nuôi dưỡng cây lớn để tất cả chúng ta có thể tận hưởng thành quả của quan hệ đối tác Mỹ - Việt Nam và trồng những cây mới cho tương lai của mối quan hệ này.
Giáo dục là nền tảng
Đại sứ nhấn mạnh những thành quả hai nước đã đạt được cũng như những triển vọng hợp tác to lớn trong các lĩnh vực: Giáo dục - nền tảng của Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Mỹ - Việt Nam; Đổi mới sáng tạo - chìa khóa cho 30 năm tiếp theo của mối quan hệ hai nước; Quan hệ đối tác - điều đã biến đổi hai quốc gia.
Ngày nay, Việt Nam đứng thứ 6 trong nhóm các quốc gia có số lượng sinh viên du học nhiều nhất ở Mỹ, hơn 30.000 sinh viên Việt Nam học tại các tổ chức của Mỹ mỗi năm và tính cả các chương trình trực tuyến, con số đó tăng lên gần 300.000.
Trong năm qua, Phái đoàn Mỹ đã làm việc với hàng chục tổ chức giáo dục đại học, bao gồm ĐH Texas tại Austin, ĐH Purdue tại Indiana và ĐH Boise State tại Idaho, để khám phá các khả năng hợp tác giáo dục sâu hơn giữa các trường đại học hai nước. Vào tháng 3, một phái đoàn gồm các quan chức cấp cao từ 15 trường đại học khác nhau của Mỹ sẽ đến Việt Nam để thiết lập và mở rộng quan hệ đối tác với nhiều trường đại học Việt Nam.
Sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội nêu câu hỏi với Đại sứ Mỹ Marc Knapper. Ảnh: VNU
Đổi mới sáng tạo - chìa khóa cho 30 năm tiếp theo
30 năm trước, quan hệ thương mại Mỹ - Việt Nam là 450 triệu đô la. Ngày nay, hai nước chia sẻ 124 tỉ đô la trong thương mại song phương. Đầu tư trực tiếp của Mỹ tại Việt Nam khoảng 12 tỉ đô la. "Tương lai của chúng ta gắn kết với nhau. Mỹ đầu tư vào thành công của Việt Nam. Sự thịnh vượng của bạn là sự thịnh vượng của chúng tôi"- Đại sứ nhấn mạnh.
Đại sứ Mỹ nhấn mạnh cách tiếp cận hướng tới tương lai để thúc đẩy mối quan hệ song phương tập trung vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, chất bán dẫn, AI, công nghệ 5G, năng lượng tái tạo và đổi mới kỹ thuật số. Hiện nay, đã thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp lớn: Intel, NVIDIA, Coca Cola, Pepsi, General Electric Vernova và AES…
Thông báo của tỉ phú Jensen Huang về việc NVIDIA mua lại VinBrain để phát triển trung tâm thiết kế tương lai lớn tại Việt Nam chỉ là một ví dụ cho thấy quan hệ hợp tác này đang thúc đẩy những đột phá mới trong lĩnh vực công nghệ của Việt Nam.
Bên cạnh đó là những con người đang thúc đẩy đổi mới trong khoa học, công nghệ và sức khỏe. Đó là TS Hà Thị Thanh Hương, du học sinh Mỹ đã chọn trở về Việt Nam để đào sâu chuyên môn về khoa học thần kinh nhằm phát triển phần mềm chẩn đoán bệnh Alzheimer.
Đó là Amanda Nguyễn, người sẽ sớm trở thành nữ phi hành gia người Mỹ gốc Việt đầu tiên, với kế hoạch hợp tác với Trung tâm vũ trụ Việt Nam trong các thí nghiệm trên không gian, thúc đẩy tương lai chung về khám phá vũ trụ hòa bình giữa Mỹ và Việt Nam.
Đại sứ Mỹ Marc Knapper giao lưu với các bạn sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: VNU
Tôn trọng và tin tưởng
Trao đổi về quan hệ đối tác giữa hai quốc gia, Đại sứ nhấn mạnh năm 2025 không chỉ đánh dấu 30 năm quan hệ song phương mà còn là dấu mốc 50 năm kể từ khi chiến tranh kết thúc. Cần phải có lòng dũng cảm để vượt qua nỗi cay đắng của chiến tranh để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.
Như Tổng thống Joe Biden đã phát biểu tại Liên hợp quốc năm 2023 sau chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam: "Mối quan hệ của chúng ta là minh chứng cho sức mạnh tinh thần của con người và khả năng hòa giải rằng ngày nay Mỹ và Việt Nam là đối tác và bạn bè. Đây là bằng chứng cho thấy ngay cả sau những nỗi kinh hoàng của chiến tranh, vẫn có một con đường phía trước. Mọi thứ có thể trở nên tốt đẹp hơn".
Hai nước đã cùng nỗ lực rà phá bom mìn chưa nổ, hỗ trợ những người khuyết tật bất kể nguyên nhân nào và tìm thấy những người lính mất tích trong chiến đấu ở cả hai bên.
Những nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa của Việt Nam và Mỹ đều đã gieo mầm cho sự hòa giải - những nhân vật như Thượng nghị sĩ John McCain, Thượng nghị sĩ Patrick Leahy, Đại sứ Lê Văn Bàng và nhiều người khác. Họ hiểu rằng việc giải quyết di sản của chiến tranh không chỉ là điều cần thiết mà còn có sức mạnh biến đổi.
Lòng dũng cảm của họ đã cho phép chúng ta tiến về phía trước và coi nhau không phải là đối thủ mà là đối tác. Hai quốc gia đã trở thành đối tác đáng tin cậy với tình bạn dựa trên sự tôn trọng và tin tưởng, bao gồm cả sự tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và hệ thống chính trị của nhau.
"Một phần quan trọng của điều đó là mối quan hệ quốc phòng và an ninh đang phát triển và đảm bảo rằng tương lai của Việt Nam là thịnh vượng, ổn định và hòa bình. Mỹ cam kết hợp tác với Việt Nam khi nước này thúc đẩy các mục tiêu hiện đại hóa quân đội và bảo vệ chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của mình"- Đại sứ khẳng định.
Ông cho rằng đây là những nguyên tắc then chốt đối với mối quan hệ Mỹ-Việt Nam và sẽ định hướng cho mối quan hệ quốc phòng và an ninh của hai nước hiện tại và trong tương lai.
Năm 2024, Mỹ đã chuyển giao máy bay huấn luyện T6-C cho Việt Nam. Tháng 12-2024, máy bay vận tải quân sự C-130J, máy bay cường kích A-10 Thunderbolt II của Mỹ đã tham gia Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024.
"Điều này nhấn mạnh mục tiêu chung của chúng ta là đảm bảo Việt Nam có những gì cần thiết để bảo vệ lợi ích của mình trên biển, trên không, trên bộ và trên không gian mạng. Năm nay, chúng tôi có kế hoạch bàn giao tàu tuần tra bảo vệ bờ biển thứ ba cho Cảnh sát biển Việt Nam và sẽ tăng cường hợp tác thực thi pháp luật hàng hải giữa Mỹ và Việt Nam thông qua gói viện trị giá 12,5 triệu đô la vừa được công bố"- Đại sứ cho biết.
"Những cái cây do những người có tầm nhìn xa trông rộng trồng trong nhiều lĩnh vực khác nhau bao gồm giáo dục, hòa giải, thương mại và đổi mới sáng tạo hôm nay đã đơm hoa kết trái. Bây giờ đến lượt bạn gieo hạt giống và chăm bón. 30 năm tiếp theo của quan hệ đối tác Mỹ - Việt Nam sẽ được định hình bởi thế hệ của bạn. Khi chúng ta kỷ niệm thành quả của quá khứ, tôi muốn hỏi bạn sẽ trồng gì cho tương lai?"- Đại sứ nói và kết thúc bài phát biểu với lời chúc bằng tiếng Việt:
"Chúc mừng kỷ niệm 30 năm quan hệ song phương giữa hai quốc gia chúng ta. Tôi mong ước năm mới tràn đầy hạnh phúc, thịnh vượng, hòa bình và an ninh cho cả Mỹ và Việt Nam, bây giờ và mãi mãi về sau".
VNU hợp tác với các trường đại học hàng đầu của Mỹ
Phát biểu tại buổi giao lưu, Phó Giám đốc VNU Nguyễn Hoàng Hải cho biết là đại học đa ngành, đa lĩnh vực hàng đầu tại Việt Nam, VNU đã ký kết 33 thỏa thuận và hiệp định hợp tác song phương với các đối tác là những trường đại học, tổ chức nghiên cứu hàng đầu của Mỹ như: ĐH Iowa, ĐH San José State, ĐH Chicago, ĐH Indiana, ĐH Bang Arisona, ĐH Maryland, ĐH Arizona, ĐH Keuka...
Phó Giám đốc VNU Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải tiếp Đại sứ Knapper. Ảnh: Dương Ngọc
Cùng với những hoạt động hợp tác trao đổi song phương, hai bên tập trung vào các lĩnh vực khoa học cơ bản là thế mạnh của các đối tác Mỹ như các chương trình tiên tiến của Bộ GD-ĐT và chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế của VNU: Ngành toán học hợp tác với ĐH Washington, ngành hóa học với ĐH Illinois, ngành vật lý với ĐH Brown, ngành sinh học với ĐH Turf, ngành môi trường với ĐH Indiana…; ngành bán dẫn với ĐH Arizona; các chương trình trong khuôn khổ Đề án 165 (đào tạo cán bộ nguồn cho Đảng và Nhà nước theo kế hoạch của Ban Tổ chức TW), các chương trình trong khuôn khổ Đề án 911, Đề án 322, Dự án Hợp tác Đổi mới Giáo dục Đại học (PHER)…
Năm 2024, VNU và ĐH Arizona đã ký kết hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển công nghệ bán dẫn, với kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực từ nhiều cấp độ, từ trung học phổ thông đến đại học và các chuyên gia đang làm việc trong ngành. Dự kiến sẽ có các hoạt động trao đổi như phát triển chương trình đào tạo, chia sẻ học liệu, trao đổi cán bộ và sinh viên, với sự hỗ trợ tài chính từ Chính phủ Mỹ.
Một số hình ảnh:
Phó Giám đốc VNU Nguyễn Hoàng Hải (giữa) và Đại sứ Mỹ Marc Knapper thăm phòng truyền thống Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Dương Ngọc
Đại sứ Mỹ muốn cùng "những nhà lãnh đạo tương lai" bắt đầu lễ kỷ niệm 30 năm quan hệ Mỹ - Việt Nam với việc suy ngẫm về 3 chủ đề quan trọng: Giáo dục, đổi mới và quan hệ đối tác. Ảnh: Dương Ngọc
Sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội nêu câu hỏi với Đại sứ Mỹ Marc Knapper. Ảnh: VNU
Đại sứ Mỹ Marc Knapper giao lưu với sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: VNU
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper với sinh viên, giảng viên và lãnh đạo của Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: VNU
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper tại buổi giao lưu với sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Dương Ngọc
Dương Ngọc
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/dai-su-marc-knapper-noi-chuyen-voi-sinh-vien-chung-ta-se-gieo-trong-gi-cho-tuong-lai-viet-my-196250108211413249.htm