Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt: Tôi viết để khắc tên đồng đội vào lịch sử

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt: Tôi viết để khắc tên đồng đội vào lịch sử
6 giờ trướcBài gốc
Trong căn nhà nằm trên phố Phan Bá Vành - quận Bắc Từ Liêm - Hà Nội, có một người đàn ông vẫn luôn lặng lẽ sống cùng quá khứ… Mỗi ngày, ông mở từng trang ký ức đã ngấm sâu vào máu thịt, và viết. Không phải để kể về mình - mà để kể về họ: những người đã nằm xuống, những đồng đội đã để lại nửa cuộc đời nơi rừng sâu, núi thẳm, những chiến sĩ mãi mãi dừng lại trước ngưỡng cửa của ngày hòa bình.
Ông là Đại tá, nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt - người lính từng lái chiếc xe tăng 380 tiến vào Dinh Độc Lập trong buổi sáng định mệnh ngày 30 tháng 4 năm 1975. Mảng ký ức lịch sử ấy đã từng trải qua trong cuộc đời mình và đồng đội, ông chưa bao giờ nguôi quên.
Đại tá, nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Công Thương
50 năm trước, khi niềm hạnh phúc vỡ òa trong niềm vui thống nhất, nhưng trái tim ông cũng thắt lại, như vừa mất đi một điều gì đó không thể gọi tên. Bởi lẽ… có những người đồng đội đã ngã xuống chỉ trước vài nhịp xích xe. Có người nằm lại bên vệ đường Sài Gòn, trong ba lô chỉ có một chiếc võng cũ, vài quyển sách, một cuốn từ điển tiếng Anh đọc dở… và bức thư viết nửa chừng gửi cho mẹ.
Họ ra đi khi chiến tranh chỉ còn tính bằng giờ, bằng phút. Họ không kịp chứng kiến khúc khải hoàn ca của dân tộc. Không kịp biết rằng, phía sau ngọn cờ ấy là một đất nước đang rực rỡ chờ ngày đoàn tụ.
50 năm trôi qua… người lính ngồi sau tay lái xe tăng năm nào giờ đã đi hết nửa đời người. Nhưng ông vẫn chưa dừng lại. Đại tá, nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt gọi sự may mắn của mình là “một món nợ thiêng liêng” - món nợ với những người đã khuất. Và ông chọn cách trả nợ ấy bằng từng dòng chữ. Ông viết không phải để kể công, không phải để lưu danh. Mà để những người đã nằm xuống vẫn được hiện diện - trong từng câu chuyện, từng nỗi nhớ, từng trang sách khắc khoải.
Từng dòng chữ, từng trang hồi ức ông viết ra không chỉ là ký ức chiến tranh - mà còn là những khúc tưởng niệm lặng thầm dành cho bạn bè, dành cho tình đồng chí đã gắn bó trong những tháng ngày giữa lằn ranh sống - chết.
50 năm sau chiến thắng, người lính năm nào giờ là một nhà văn - vẫn giữ trọn “bổn phận” với đồng đội, với quá khứ, và với cả mai sau. Ông bảo: viết là cách để đồng đội được sống lại…
Và cũng là cách để lịch sử không bao giờ bị lãng quên…
Thực hiện Thanh Thảo - Quốc Chuyển
Nguồn Công Thương : https://media.congthuong.vn/dai-ta-nguyen-khac-nguyet-toi-viet-de-khac-ten-dong-doi-vao-lich-su-14791.media