Đại tá tình báo biệt tích gần 30 năm, địch biết thông tin nhưng không thể bắt

Đại tá tình báo biệt tích gần 30 năm, địch biết thông tin nhưng không thể bắt
6 giờ trướcBài gốc
Người được nhắc đến chính là Đại tá Tư Cang.
Đại tá Tư Cang sinh năm 1928, tên thật Nguyễn Văn Tàu, quê ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Ông làm chiến sĩ quân báo của Việt Minh tại Bà Rịa - Vũng Tàu từ năm 1947-1954.
Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, đổi tên là Trần Văn Quang và làm Trung đội trưởng trinh sát kiêm chính trị viên đại đội đặc công, Sư đoàn 338. Năm 1961, ông quay lại hoạt động tại chiến trường miền Nam. Từ năm 1962-1972, ông làm Cụm trưởng Cụm tình báo H.63. Đây là cụm tình báo chiến lược quan trọng bậc nhất trong kháng chiến chống Mỹ.
Với vai trò chỉ huy, ông điều hành và phối hợp với những điệp viên huyền thoại như Phạm Xuân Ẩn, Tám Thảo, thực hiện những nhiệm vụ thu thập thông tin quan trọng từ lòng địch. Những tài liệu tối mật được chuyển về từ Cụm H63 đóng góp trực tiếp vào các quyết sách chiến lược của Bộ Chính trị, làm thay đổi cục diện chiến trường.
Đại tá Tư Cang khi còn trẻ. (Ảnh tư liệu)
Ông từng kể lại, thời kỳ hoạt động trong nội đô Sài Gòn là giai đoạn đầy hiểm nguy khi phải hóa thân vào nhiều vai diễn khác nhau để tạo vỏ bọc. Từ gia sư đến kế toán, mỗi vai diễn đều đòi hỏi sự nhanh nhạy, mưu trí và khả năng ứng biến linh hoạt.
Trong suốt những năm kháng chiến, triết lý "sống coi như đã chết" luôn là kim chỉ nam cho Đại tá Tư Cang. Triết lý ấy giúp ông và đồng đội tại Cụm H63 giữ vững tinh thần thép, bất chấp mọi nguy hiểm rình rập để hoàn thành nhiệm vụ. Nhờ vậy, dù hoạt động trong điều kiện vô cùng nguy hiểm, đường dây thông tin của cụm tình báo H63 chưa từng bị đứt đoạn. Những chiến công của cụm trở thành niềm tự hào của toàn lực lượng tình báo B2, góp phần to lớn vào thắng lợi của dân tộc.
Lý lịch ông Tư Cang trong hồ sơ mật của địch chỉ vỏn vẹn vài dòng: "Phó Chính ủy tình báo Miền, người trắng, cao, bắn súng hai tay, thích văn nghệ. Quê quán: Chưa xác định. Gia đình: Chưa xác định".
Ông đi làm cách mạng năm 1947, lúc vợ mang thai đứa con đầu lòng. Cũng từ đó, ông mất liên lạc với gia đình suốt gần 30 năm. Vì yêu cầu của tổ chức, ông đổi tên, sống dưới thân phận mới, hoạt động tình báo ngay trong lòng địch. Bà Ánh - vợ ông không biết ông còn sống hay hy sinh, chỉ biết lần cuối ông nói: “Anh đi, rồi anh sẽ về". Vợ ông vẫn luôn chờ đợi, tin vào lời ông nói trở về.
Tối 30/4/1975, khi Sài Gòn vừa giải phóng, ông trở về căn nhà cũ ở Thị Nghè, không quân hàm, không huân chương, chỉ là người đàn ông bước vào ngõ tối, gọi lớn: “Nhồng ơi! Nhồng!”. Bà Ánh giật mình. Đó là biệt danh của con gái.
Bà Ánh chạy ra, òa khóc: “Ở đây nè, anh về đó hả?”. Cái ôm đầu tiên sau 29 năm. Ngày ông đi, con gái còn trong bụng mẹ. Ngày ông về, con đã 29 tuổi, có chồng, có con nhỏ. Ông nghẹn ngào không nói được lời nào, chỉ biết ôm chặt cô cháu gái vào lòng. Cả nhà đều khóc.
Sau ngày đất nước thống nhất, ông tiếp tục cống hiến trong giai đoạn bảo vệ biên giới phía Bắc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia. Năm 2006, ông Tư Cang được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Đến năm nay (2025), ông Tư Cang đã 97 tuổi, vợ ông vì tuổi già sức yếu đã qua đời năm 2020.
Thiên Bình
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/dai-ta-tinh-bao-biet-tich-gan-30-nam-dich-biet-thong-tin-nhung-khong-the-lam-gi-ar942220.html