Đại thắng mùa Xuân 1975: 'Đánh đến đâu phát bản đồ đến đó…'

Đại thắng mùa Xuân 1975: 'Đánh đến đâu phát bản đồ đến đó…'
4 giờ trướcBài gốc
Tọa đàm là dịp để thế hệ đi sau, đặc biệt là cán bộ, giảng viên, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền cùng ôn lại một chặng đường, một mốc son chói lọi trong lịch sử hào hùng của dân tộc, từ đó khơi dậy khát vọng cống hiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời đại mới.
Tọa đàm “Đại thắng mùa Xuân 1975 - Sức mạnh của ý chí và niềm tin chiến thắng”.
Dự Tọa đàm có PGS.TS. Phạm Minh Tuấn - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Ông Nguyễn Thái Bình - Phó Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật; PGS.TS. Lưu Văn Quảng - Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền… cùng đông đảo cán bộ, giáo viên và sinh viên của học viện.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, PGS.TS. Lưu Văn Quảng - Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhấn mạnh ý nghĩa của việc tiếp nối, gìn giữ và phát huy giá trị lịch sử của dân tộc, coi đó là nền tảng vững chắc để thế hệ trẻ hình thành bản lĩnh chính trị, lòng yêu nước và trách nhiệm công dân.
“Trong bất kỳ thời đại nào, việc hiểu đúng, trân trọng và tiếp nối những giá trị lịch sử vĩ đại của dân tộc luôn là nền tảng để mỗi cá nhân trưởng thành, nuôi dưỡng khát vọng vươn lên, cống hiến và phụng sự”, ông Quảng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thái Bình trao tặng cuốn hồi ký của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình: “Gia đình, bạn bè và đất nước” cho Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền và TS. Đàm Duy Thiên.
Tọa đàm còn là cầu nối giữa các thế hệ - nơi những người lính bước ra từ cuộc chiến có cơ hội ôn lại những kỷ niệm về một thời hoa lửa, truyền lại những bài học kinh nghiệm, tiếp thêm nhiệt huyết, chí khí cho lớp lớp thế hệ đi sau và cũng là nơi những người trẻ có thể bày tỏ suy nghĩ và lắng nghe, thấu hiểu những hy sinh, mất mát của thế hệ đi trước, để rồi biết học, biết nhớ, biết trân trọng và biết phát huy tinh thần yêu nước và giá trị của hai chữ “hòa bình”.
Đánh đến đâu, phát bản đồ đến đó
Tại buổi tọa đàm, T.S Bác sĩ Đàm Duy Thiên - Nguyên trinh sát, người làm công tác bản đồ thuộc Trung đoàn 266, Sư đoàn 341-Sông Lam nguyên Hàm Vụ trưởng Vụ 4 Ban Tổ chức Trung ương đã có những chia sẻ câu chuyện ấn tượng về công tác vẽ đồ bản tác chiến tấn công vào “cánh cửa thép” Xuân Lộc 1975.
Theo lời kể của ông Thiên với sinh viên Học viện báo chí và tuyên truyền: Vào cuối năm 1972, khi mới học xong lớp 7, tôi lên đường nhập ngũ. Lúc đó chỉ nặng khoảng 40kg, anh em cứ nghĩ nếu tôi đi 40-50km đường Trường Sơn chắc không sống sót vì phải trèo đèo, lội suối, vượt qua bao mưa bom bão đạn. Sau này có đồng chí trở về quê hương cứ tưởng tôi hy sinh rồi…
Ông Thiên bồi hồi nhớ lại những thời khắc lịch sử của 50 năm về trước.
"Đi chiến đấu chúng tôi rất lo chứ không sợ, vì xác định đi là chấp nhận hy sinh, thậm chí còn gửi thư về cho gia đình là coi như con đi xa, con vẫn còn sống nhưng coi như đã hi sinh. Nhưng lo ở đây là không hoàn thành nhiệm vụ thì sẽ gây nguy hiểm cho đơn vị. Bởi sơ suất nhỏ có thể xóa sổ đơn vị hàng nghìn người", ông Thiên bồi hồi nhớ lại.
Ông cho biết, hồi đó chỉ có một tập bản đồ, "đánh đến đâu người ta phát bộ bản đồ đến đó". Việc nhớ địa hình, địa danh, địa vật cực kỳ khó trong khi yêu cầu của cấp trên giao ông là phải nhớ và trả lời ngay khi được hỏi. Khi cấp trên yêu cầu nhấn điểm nào thì phải tích chính xác điểm đó trên bản đồ
"Sau 50 năm tôi vẫn nhớ các địa điểm Xuân Lộc, Tân Phong, Dầu Giây... Trong chiến trường hai đối tượng được theo dõi đặc biệt là người vẽ bản đồ và người làm công tác cơ mật, nếu bị địch bắt cả hai thì trận chiến đó thất bại, thậm chí lực lượng bị tổn thất lớn" ông Thiên chia sẻ.
Vì vậy, khi đi đâu ông Thiên cũng phải xin phép báo cáo, không được tự ý đi ra ngoài khu vực tác chiến.
Kể về cơ duyên làm công tác bản đồ, ông Thiên chia sẻ: “Người làm công tác này đáng lẽ phải được đi học trong trường sĩ quan lục quân nhưng vì có một chút năng khiếu hội họa, trí nhớ tốt nên ông được cấp trên cho đi bồi dưỡng”.
Trên thực địa, địa hình phức tạp việc vẽ bản đồ cũng rất khó khăn, có khi phải vẽ dưới hầm để tránh quân địch phát hiện. Dưới hầm, thiếu ánh sáng, chúng tôi dùng đèn pin... Có khi khói bom bay vào sở chỉ huy, ngột ngạt, khó thở nhưng vẫn phải vừa vẽ vừa lau nước mắt.
Bản đồ do người chiến sĩ trẻ Đàm Duy Thiên vẽ năm 1975.
“Vẽ bản đồ nếu sai một ly thì quy chiếu ra ngoài có thể mất đến 12km cho nên "sai một ly đi một dặm". Ngày xưa chúng ta có trinh sát, quân báo, biệt động luồn sâu nên tôi có nhiều thuận lợi trong thông tin. Chúng tôi dùng những chiếc thước kẻ chỉ huy 15x25 cm trên đó chia sẵn cột và dùng la bàn xác định hướng, cùng với trí nhớ và thông tin từ trinh sát, quân báo, tình báo đưa về, sau đó thực hiện vẽ, có khi phải tẩy đi xóa lại vì chưa chính xác…", ông nhấn mạnh.
Bản đồ do người chiến sĩ trẻ Đàm Duy Thiên thực hiện gấp rút đã góp phần quan trọng để sau 12 ngày đêm tiến công ác liệt, quân ta đập tan bức tường thép ở Xuân Lộc, mở toang cánh cửa phía Đông cho lực lượng quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn - Gia Định mùa xuân năm 1975.
Các nhân chứng lịch sử trao đổi, giao lưu tại Tọa đàm.
Cũng tại buổi tọa đàm, hàng ngàn sinh viên cũng đã được lắng nghe những chia sẻ từ Thiếu tướng GS,TS. Nguyễn Văn Tài - Nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng; Thiếu tướng Nguyễn Công Sơn - Nguyên Phó Chánh Văn phòng, Quân ủy Trung ương; Đại tá Lê Hạt - Nguyên Chủ nhiệm Khoa Quân sự địa phương, thuộc Học viện Quốc phòng; Đại tá Nguyễn Đức Nghinh, Cựu chiến binh Sư đoàn 341… về những kỷ niệm, yếu tố làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975 với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh là thành quả của sự kết hợp giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại.
Sinh viên báo chí chia sẻ tại buổi tọa đàm...
...Những người trẻ có thể bày tỏ suy nghĩ và lắng nghe, thấu hiểu những hy sinh, mất mát của thế hệ đi trước.
Chính sự tương tác này làm nên điểm khác biệt so với việc học lịch sử một chiều. Qua đó, lòng tự hào dân tộc và tình yêu quê hương đất nước được hun đúc một cách tự nhiên, từ nhận thức đến hành động.
Văn Lịnh
Nguồn Bảo Vệ Công Lý : https://baove.congly.vn/dai-thang-mua-xuan-1975-danh-den-dau-phat-ban-do-den-do-476379.html