Những chiến sỹ Cao Bằng góp phần làm nên đại thắng mùa xuân 1975 (kỳ 4)

Những chiến sỹ Cao Bằng góp phần làm nên đại thắng mùa xuân 1975 (kỳ 4)
5 giờ trướcBài gốc
Đã 50 năm kể từ khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giành thắng lợi, sông núi liền một dải nhưng ký ức hào hùng về một thời mưa bom, bão đạn, về cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc gian khổ vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức người chiến sỹ Trường Sơn.
Ông Dương Xuân Trường luôn trân trọng những tấm huân, huy chương ghi nhớ thời binh lửa.
Một thời "chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”
Trò chuyện cùng chúng tôi trong căn nhà nhỏ tại tổ 5, phường Tân Giang (Thành phố), cựu chiến binh Dương Xuân Trường bồi hồi sống lại những ký ức, những kỷ niệm về một thời máu lửa oai hùng.Sinh năm 1953, tốt nghiệp THPT, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, cùng lời kêu gọi toàn quốc chống Mỹ cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, cuối năm 1972, chàng trai trẻ Dương Xuân Trường khi ấy 19 tuổi - độ tuổi đẹp nhất của đời người tạm gác lại tương lai với những ước mơ, dự tính của bản thân, tình nguyện xin nhập ngũ lên đường ra mặt trận. Cùng nhiều thanh niên khác tại địa phương tràn đầy nhiệt huyết, sẵn sàng cống hiến sức mình cho sự nghiệp đấu tranh giữ nước, giải phóng dân tộc. Sau khi nhập ngũ, ông được phân công học tập, huấn luyện và công tác với vai trò là lính công binh, thuộc Đại đội 1, Tiểu đoàn 77, Sư đoàn 304B, giữ chức vụ Tiểu đội trưởng.
Sau khi trải qua quá trình huấn luyện và đào tạo, đơn vị bắt đầu hành quân vào chiến trường miền Nam. Cho đến bây giờ, những tháng ngày hành quân gian khổ ấy vẫn như in trong tâm trí người lính năm xưa. Đuờng hành quân vào Nam khi ấy vô cùng gian khổ, phải đi bộ mất 3 tháng theo đường Trường Sơn, mỗi người mang theo một chiếc ba lô nặng gần 40 kg đựng quân tư trang. Quá trình hành quân có lúc đi ngày, có lúc lại phải đi đêm làm gì cũng đều phải cẩn thận “đi không dấu, nấu không khói, nói không lời”, để tránh trinh sát của địch phát hiện rồi ném bom.
Thuộc đơn vị lính công binh, với nhiệm vụ là giữ chốt, đào hầm trú ẩn rồi khiêng pháo vượt Trường Sơn. Những khẩu pháo nặng cả nghìn cân được các chiến sĩ pháo binh tháo rời từng bộ phận, có những khẩu như pháo 105 mm, nòng nặng 16 người khiêng, nòng pháo 82 mm cần 32 người khiêng… tất cả đều được ngụy trang, vận chuyển qua rừng một cách khéo léo bằng cách tận dụng địa thế rừng Trường Sơn “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”.
Bên cạnh mối nguy hiểm bị quân địch phát hiện còn có nỗi sợ căn bệnh sốt rét ác tính. Ông Trường kể lại, bắt đầu từ tháng thứ 2 đã có người mất vì sốt rét. Buổi sáng anh em đồng chí, đồng đội ăn cơm với nhau bình thường, đến chiều tối thấy có đồng chí kêu mệt, rồi chỉ hơn 1 tiếng sau là phát bệnh sốt rét, một thời gian ngắn thì hy sinh. Bản thân ông khi ấy cũng lên cơn sốt rét, đầu đau như búa bổ, ngực đau như dần, đắp 3, 4 cái chăn vẫn rét run nhưng may mắn qua được cơn bệnh. Gian khổ là vậy nhưng mỗi bước chân người lính đều mang theo sự vững vàng, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ, thống nhất đất nước, giành lại độc lập tự do cho dân tộc. Cho đến giờ, mỗi khi nhớ lại những năm tháng ấy, trong đáy mắt ông lại dâng lên niềm xúc động, đường Trường Sơn có những đoạn địch rải bom trơ hết, máy bay B52 rải có đoạn liên tục 20 - 30 hố, san phẳng cả 1 dải dài. Trên đường hành quân khi ấy, những chiến sỹ đồng đội của tôi mãi mãi nằm lại dãy Trường Sơn do bệnh sốt rét và bom đạn kẻ thù là không thể đếm được.
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đã diễn ra trong gần hai tháng với 3 chiến dịch lớn, gồm: Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Huế - Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh, trong đó, người chiến sĩ Dương Xuân Trường được tham gia đánh 2 chiến dịch là Tây Nguyên và Huế - Đà Nẵng. Trải qua biết bao trận đánh cam go, khốc liệt, đã bao lần bị thương mà theo cách ông nói vui là “đánh trận nào là bị thương trận đấy”, người chiến sĩ can trường vẫn không lùi bước, vững chắc súng trên tay với niềm tin kiên định, sẵn sàng xông pha mặt trận, không sợ hy sinh, quyết chiến, quyết tử với quân địch đến cùng để bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc.
Lần bị thương nặng nhất của ông là vào tháng 3/1975 tại huyện Khánh Dương, tỉnh Khánh Hòa, nay là đèo M'Drắk - Phượng Hoàng, tỉnh Đắk Lắk. Sau khi đánh thắng Chiến dịch Tây Nguyên, đơn vị của ông hành quân từ Buôn Ma Thuột xuống Khánh Hòa chạm trán với Lữ đoàn nhảy dù 3 của Việt Nam cộng hòa. Ông tâm sự: trận đấy tôi bị pháo địch bắn trúng, mất 1 ngón chân, rồi mảnh bom trúng chân trơ cả xương, cả người chi chít vết thương. Tôi được đồng đội đưa ra ngoài mặt trận để cấp cứu, sau đó được chuyển về trạm quân y của mặt trận Tây Nguyên, điều trị nửa năm mới khỏi. Sau này về quê hương mới biết lúc đó, người thân ở nhà nhận tin cứ nghĩ tôi hy sinh rồi nên khi thấy tôi trở về ai cũng vỡ òa hạnh phúc. Cũng từ sau trận đánh ấy, ông Trường bị tổn hại 31% sức khỏe, là thương binh. Những vết thương nay đã lành nhưng vẫn còn nhiều mảnh bom, đạn vẫn còn nằm trong cơ thể ông. Ông nói vui những mảnh bom đạn ấy cũng giống như kỷ vật thời chiến, là chứng tích chiến tranh mà ông mãi mãi mang theo trong mình.
Còn mãi ký ức một thời
Ngày Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, ông Trường đang dưỡng thương được 1 tháng. Nghe tin quân ta đại thắng, dường như quên đi đau đớn từ những vết thương chưa lành, ông và tất cả mọi người ai nấy đều vui mừng khôn xiết. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng cũng là kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Cảm xúc khi đó tôi sẽ không bao giờ quên được, vô cùng xúc động, vô cùng tự hào. Chỉ tiếc không được tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh cuối cùng, chiến dịch toàn thắng của quân và dân ta.
Hồi phục sức khỏe, phục binh trở về quê hương, chàng trai Dương Xuân Trường viết tiếp ước mơ của mình, theo học tại Trường Đại học Thủy lợi. Sau khi tốt nghiệp, về công tác tại Sở Thủy lợi, say này là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường. Đến năm 2008 nghỉ hưu, tiếp tục giữ chức vụ Bí thư Chi bộ tổ dân phố 5, phường Tân Giang (Thành phố). Ông Nông Văn Diện, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Tân Giang cho biết: Ông Dương Xuân Trường là một tấm gương cựu chiến binh gương mẫu, luôn là người đi đầu trong thực hiện và vận động bà con nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực vận động bà con, gia đình tham gia vào các phong trào do các cấp, ngành, địa phương tổ chức. Dù ở cương vị nào, ông cũng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Trải qua thời kỳ kháng chiến gian khổ “nằm gai nếm mật”, ông Trường tự hào khi nhiều lần được Đảng và Nhà nước tặng thưởng, như: Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Ba; Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba; Huy chương Chiến sĩ giải phóng hạng Nhất; Huy chương Kháng chiến hạng Nhì; được các cấp, ngành địa phương tặng thưởng nhiều giấy khen, bằng khen; gia đình ông nhiều năm liền là gia đình văn hóa…
Đã 50 năm rời xa đạn bom nơi chiến trường, ông Trường vẫn giữ cho mình thói quen viết nhật ký. Ông chia sẻ: tôi làm vậy để ghi lại những mảnh ký ức thời chiến cùng đồng đội, sau này có nhiều chuyện sẽ phai mờ dần theo thời gian thì những kỷ niệm ấy, kí ức ấy vẫn sẽ còn sống mãi. Đây cũng như một lời nhắc nhở, giáo dục, động viên thế hệ các con các cháu sau này phải biết trân trọng những gì thế hệ cha ông đi trước đã hy sinh để có ngày hôm nay, từ đó phát huy truyền thống cách mạng tốt đẹp của quê hương, tích cực lao động, xây dựng quê hương, đất nước đẹp giàu, xứng đáng với những hy sinh của ông cha để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.
Trong câu chuyện, những cảm xúc bồi hồi xen lẫn xúc động, ông tâm sự: cho đến giờ, nhiều đồng đội vẫn còn nằm lại nơi chiến trường mà không thể nhìn thấy ngày đất nước ta hoàn toàn giải phóng. Tôi chỉ mong muốn rằng, sớm được tìm được hài cốt, những kỷ vật của các đồng chí ấy, đưa trở về với quê hương, với gia đình, người thân… Quân ta thắng rồi! Đất nước ta độc lập, tự do rồi! về thôi đồng đội ơi!
Chiến tranh đã lùi xa, song những ký ức về cuộc chiến năm xưa vẫn còn in đậm trong tâm trí của những người cựu chiến binh như ông Trường - những người sẵn sàng gác lại ước mơ, hạnh phúc cá nhân, không tiếc tuổi xuân, sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Trong đoàn quân trùng trùng điệp điệp “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai” ấy, đã viết nên những trang sử vàng vẻ vang, hình ảnh những người chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ, kiên trung một lòng với Đảng, với lý tưởng cách mạng sẽ sống mãi với non sông Việt Nam.
Thùy Linh
Nguồn Cao Bằng : https://baocaobang.vn/nhung-chien-sy-cao-bang-gop-phan-lam-nen-dai-thang-mua-xuan-1975-ky-4-3176750.html