Trong không khí thiêng liêng của những ngày tháng Tư lịch sử kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), Dinh Độc Lập (TPHCM) đón những người lính năm xưa trở về.
Giữa dòng người, ông Phạm Quang Dạ - cựu binh đặc công nước và ông Vũ Duy Liêm - người lính lái xe Trường Sơn huyền thoại không giấu nổi niềm bồi hồi khi ôn lại ký ức hào hùng về Chiến dịch Hồ Chí Minh và những năm tháng không thể nào quên.
Ông Phạm Quang Dạ - cựu binh đặc công nước và ông Vũ Duy Liêm - người lính lái xe Trường Sơn huyền thoại thăm Dinh Độc Lập (TPHCM). Ảnh: Mai Loan.
“Giải phóng rồi, được về với bầm rồi”
Trò chuyện với phóng viên Tri thức và Cuộc sống, ông Phạm Quang Dạ (sinh năm 1947, quê Tam Nông, Phú Thọ), hiện là Chủ tịch Hội đồng hương Phú Thọ tại tỉnh Tuyên Quang, như sống lại những ngày tháng Tư cách đây gần nửa thế kỷ. Tháng 2 năm 1968, chàng thanh niên 19 tuổi Phạm Quang Dạ lên đường nhập ngũ, trở thành chiến sĩ đặc công nước thuộc Tiểu đoàn 407, Quân khu 5.
Ông Phạm Quang Dạ (thứ 2 hàng trên cùng từ phải qua) cùng những đồng đội đặc công nước tại đảo Phú Quốc. Ảnh: NVCC.
Khi Chiến dịch Hồ Chí Minh chính thức mở màn vào ngày 26/4/1975, đơn vị ông nhận nhiệm vụ đặc biệt. Tiểu đoàn 407 của ông được giao nhiệm vụ đi giải phóng một số đảo vùng xa của Tổ quốc như Thổ Chu, Phú Quốc, và các đảo Hòn Ông, Hòn Bà giáp với Campuchia.
Chính vì nhiệm vụ ở biển đảo xa xôi, vào thời khắc lịch sử trưa 30/4/1975, khi Sài Gòn hoàn toàn giải phóng, ông Dạ và đồng đội vẫn đang trên đường làm nhiệm vụ. "Nhiệm vụ của bộ binh là giải phóng trên đất liền, còn nhiệm vụ của đặc công nước chúng tôi là giải phóng các đảo. May mắn là khi chúng tôi chưa ra đến nơi thì địch đã đầu hàng rồi, tàu của họ đã vẫy cờ trắng, không phải chiến đấu nhiều," ông Dạ nhớ lại.
Dù tiếng súng đã tắt, công việc sau giải phóng tại các đảo, đặc biệt là Phú Quốc, lại vô cùng phức tạp. Ông kể: "Dân thường bị địch dồn chạy theo ra đảo rất đông. Nhiệm vụ của bộ đội giải phóng lúc đó là ổn định trật tự và tổ chức đưa người dân về lại đất liền. Mỗi gia đình được hỗ trợ 500.000 đồng (tiền thời đó) và một bao gạo để trở về quê hương".
Hoàn thành nhiệm vụ, đơn vị ông trở về Cam Ranh, sau đó vào Sài Gòn ra mắt Ủy ban Quân quản Thành phố Sài Gòn - Gia Định và tham gia đón các tù chính trị từ Côn Đảo trở về.
Với người lính xa nhà biền biệt suốt 7 năm (1968-1975), không một lá thư liên lạc (viết cũng chẳng biết gửi cho ai), ngày đất nước thống nhất là ngày niềm hy vọng đoàn tụ bùng cháy. "Lúc đó, những người lính chúng tôi ôm nhau mừng rỡ: Sống rồi, về với bầm (mẹ) rồi! Suốt những năm tháng ấy chỉ mong có ngày được về với bầm, về quê mình, không mong gì hơn. Khi tôi về, mẹ tôi ôm chầm lấy tôi rồi chạy đi khoe hàng xóm: 'Thằng Dạ nhà tôi nó về rồi! Nhưng nhiều người không nhận ra tôi nữa, vì đi lâu quá", ông Dạ xúc động.
Trở lại Dinh Độc Lập hôm nay cùng với đồng đội, ông Dạ bồi hồi xúc động. Ảnh: Mai Loan.
Trải qua bao phen vào sinh ra tử, ông Dạ vẫn nhớ như in lần thoát chết gang tấc năm 1972. Trong một chuyến công tác về gần đơn vị, ông cùng một đồng đội thấy cây chay có quả nên trèo lên hái. Bất ngờ một chiếc trực thăng vũ trang của Mỹ (loại 'chân cừu') bay tới, đỗ ngay trên ngọn cây. Hai tên lính Mỹ, một cầm súng, một cầm lựu đạn, ở ngay trên đầu. Ông vội lao người xuống một mỏm đá gần đó, may mắn thoát chết.
Trở lại Dinh Độc Lập hôm nay, người cựu chiến binh không giấu được niềm tự hào trước sự đổi thay của đất nước. "Đất nước thống nhất, mạnh lên, người dân hạnh phúc hơn, thế hệ trẻ có điều kiện phát triển. Chúng tôi thấy rất phấn khởi. Xương máu, mồ hôi và nước mắt của bao thế hệ cha anh đã đổ xuống để có được ngày độc lập hôm nay," ông tâm sự.
Video: Cựu chiến binh Phạm Quang Dạ chia sẻ kỷ niệm tại Dinh Độc Lập. Thực hiện: Mai Loan.
Người lính lái xe Trường Sơn và ký ức "Tiểu đội xe không kính"
Cùng chung dòng cảm xúc bồi hồi tại Dinh Độc Lập là ông Vũ Duy Liêm (sinh năm 1947, quê Mê Linh, Hà Nội). Cựu chiến binh Đoàn 559 huyền thoại, người từng cầm lái những chiếc "xe không kính" băng qua mưa bom bão đạn Trường Sơn năm xưa, đã cùng đồng đội từ Hà Nội vào TP HCM thăm lại nơi ghi dấu lịch sử.
Ông Vũ Duy Liêm, người lính của những "tiểu đội xe không kính" năm nào. Ảnh: Mai Loan.
Nhập ngũ năm 19 tuổi, ông Liêm trở thành người lính lái xe của Đoàn 559. Chuyến đi này, theo ông, là để "nhớ lại năm tháng chiến trường" và cũng là "để mà biết, để mà hiểu, để các con nó hiểu mình".
Là nhân chứng sống của những "tiểu đội xe không kính" đi vào thi ca, ông Liêm không nguôi nhớ về những tháng ngày gian khó mà hào hùng ấy. Ông xúc động ngâm lại những câu thơ bất hủ của Phạm Tiến Duật:
“Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi
Ung dung buồng lái ta ngồi,
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng”
"Những câu thơ đã ghi lại một thời hoa lửa", ông chia sẻ. Rồi ông giải thích thêm về sự khốc liệt của chiến trường: "Mà không có kính ở đây còn do mình phải chủ động tháo ra nữa. Vì máy bay địch quần thảo liên tục, chúng rất tinh, mình không tháo kính chắn gió thì ánh sáng phản chiếu sẽ bị lộ, dễ bị phát hiện.”
Đứng giữa những chứng tích lịch sử, người lính lái xe Trường Sơn năm nào cảm thấy "rất bồi hồi" và "vinh dự tự hào" khi thấy "Đất nước của mình mở mang" và người dân "được sống vinh quang". Niềm tự hào đó đến từ sự phát triển của Tổ quốc và từ chính sự cống hiến tuổi thanh xuân của thế hệ ông.
Trong những ngày tháng Tư ý nghĩa, hình ảnh đồng đội đã hy sinh lại hiện về, nhớ tới đồng đội đã hy sinh. "Nhưng không biết làm sao hơn, chỉ biết thành tâm thắp nén nhang viếng đồng đội, và cố gắng sống tốt thay cho cả phần của những người đã mất."
Những câu chuyện, những kỷ niệm của ông Dạ, ông Liêm và bao cựu chiến binh khác tại Dinh Độc Lập như những thước phim sống động, nhắc nhở thế hệ hôm nay về một quá khứ hào hùng, về sự hy sinh lớn lao để có được nền hòa bình, độc lập hôm nay.
Video: Cựu chiến binh Vũ Uy Liêm của "Tiểu đội xe không kính" chia sẻ kỷ niệm tại Dinh Độc Lập. Nguồn: Mai Loan.
Các Cựu chiến binh (CCB) thuộc Tiểu đoàn 407 Đặc công Quân khu 5 anh hùng tại buổi lễ kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng tỉnh Khánh Hòa (2/4/1975 - 2/4/2025). Ảnh: NVCC.
Ông Phạm Quang Dạ chia sẻ, trước chuyến đi này, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng tỉnh Khánh Hòa (2/4/1975 - 2/4/2025), nhận lời mời của Tỉnh ủy, UBND và các ban ngành, đoàn thể tỉnh Khánh Hòa, các Cựu chiến binh (CCB) thuộc Tiểu đoàn 407 Đặc công Quân khu 5 anh hùng đã có mặt đông đủ để tham dự sự kiện trọng đại.
Cuộc hội ngộ diễn ra tại Trung tâm Người có công của tỉnh, ở thành phố Nha Trang. Sau bao nhiêu năm xa cách, gặp lại nhau, anh em đồng đội mái tóc đã bạc màu theo năm tháng, nhiều người vẫn còn mang đậm dấu ấn của thời bao cấp gian khó. Không ít đồng đội đã trở về với miền quê yêu dấu, quay lại với cuộc sống đời thường "con trâu đi trước, cái cày theo sau". Trong đoàn, có người bạn mà hai đứa con đều là nạn nhân của chất độc da cam/dioxin. Nhìn hoàn cảnh ấy, không khỏi xót xa.
Trong 4 ngày ở lại, ông và đồng đội được tỉnh bố trí đi thăm Vùng 4 Hải quân, huyện Cam Ranh và huyện Khánh Sơn – nơi từng là căn cứ địa năm xưa. Gặp lại nhau, bao nhiêu câu chuyện của những người lính già cứ thế tuôn trào, râm ran suốt ngày đêm không dứt. Ký ức về những ngày tháng gian khổ mà hào hùng lại ùa về: hình ảnh người chiến sĩ giải phóng vừa chiến đấu vừa phát nương, trồng ngô, trồng sắn, 'mùa nào thức nấy', hoàn toàn tự túc lương thực. Ông cùng đồng đội cũng về thăm lại Ba Ngòi (Cam Ranh), viếng những đồng đội thân yêu đã mãi mãi nằm lại nơi đây.
“Đây thật sự là một chuyến đi đầy ắp kỷ niệm. Ở tuổi này rồi, có lẽ đây cũng là lần cuối cùng chúng tôi có dịp đông đủ về lại chiến trường xưa như thế này. Lúc chia tay nhau bên bãi biển Nha Trang cát trắng trải dài, anh em chỉ biết nắm chặt tay, chúc nhau giữ gìn sức khỏe, cố gắng vượt lên hoàn cảnh, mạnh mẽ như những năm tháng chúng ta đã từng kề vai sát cánh chiến đấu trên bán đảo Cam Ranh”, cựu chiến binh Phạm Quang Dạ xúc động.