Ký ức ngày 30/4 lịch sử - Bài 2: Thần tốc tiến về giải phóng Sài Gòn

Ký ức ngày 30/4 lịch sử - Bài 2: Thần tốc tiến về giải phóng Sài Gòn
5 giờ trướcBài gốc
Đại tá Trần Văn Thân (đứng giữa, hàng sau) cùng các đồng đội tại sở chỉ huy đặt ở trường THPT Lê Quý Đôn (ngày nay thuộc Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh) trong ngày 30/4/1975, sau khi Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Ảnh: TTXVN phát
Lúc 5 giờ ngày 29/4/1975, các cánh quân của ta cùng đánh vào những căn cứ phòng ngự của địch để tiến vào nội thành Sài Gòn. Mỗi cánh quân đảm nhận nhiệm vụ đánh chiếm các mục tiêu chiến lược, tạo nên thế trận bao vây, chia cắt và tiêu diệt địch. Sự phối hợp nhịp nhàng và tinh thần chiến đấu quả cảm của các chiến sỹ đã nhanh chóng phá vỡ hệ thống phòng thủ của địch, mở đường cho quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước.
Cuộc hành quân thần tốc
Giữa tháng 4/1975, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiến công mang tên “Chiến dịch Hồ Chí Minh” nhằm giải phóng Sài Gòn và toàn bộ miền Nam trước mùa mưa. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra chỉ thị đối với Chiến dịch: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng”. Tất cả lực lượng chiến lược được huy động cho chiến dịch này gồm các Quân đoàn bộ binh 1, 2, 3, 4, 232 (tổng cộng 15 sư đoàn); các trung đoàn, lữ đoàn bộ binh; 4 trung đoàn, lữ đoàn tăng - thiết giáp; 6 trung đoàn đặc công và các đơn vị hỏa lực, kỹ thuật khác; 240.000 quân cùng 400 xe tăng, thiết giáp… Lực lượng hậu cần phục vụ Chiến dịch lên tới 180.000 người.
Mặc dù Sài Gòn - Gia Định là một thành phố lớn, rộng trên dưới 1.000 km2, vào thời điểm tháng 4/1975 có hơn 3,5 triệu dân nhưng Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh đã chọn 5 mục tiêu quan trọng nhất cần đánh chiếm trong thời gian ngắn nhất gồm: Bộ Tổng Tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa, Bộ Tư lệnh Biệt khu Thủ đô, Tổng nha Cảnh sát, Sân bay Tân Sơn Nhất và Dinh Độc Lập. 17 giờ ngày 26/4/1975, cuộc tổng công kích thành phố Sài Gòn - Gia Định bắt đầu. Từ ngày 26 đến 28/4/1975, quân ta chọc thủng tuyến phòng ngự vòng ngoài, đập tan sự kháng cự của các sư đoàn địch, tiếp cận Sài Gòn. Địch bị rối loạn hoàn toàn về chiến lược. Ngày 29/4, quân ta tổng tiến công. Các binh đoàn bộ đội hợp thành tiến công trong hành tiến, tiêu diệt các cánh quân địch ngăn chặn và phản kích, nhằm thẳng các mục tiêu đã được phân công.
Quân đoàn 1 (Binh đoàn Quyết thắng) tiến công từ hướng Bắc, vượt qua sông Sài Gòn và nhận nhiệm vụ đánh chiếm các vị trí trọng yếu như: Lái Thiêu, Bộ Tổng Tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa và Bộ Tư lệnh Hải quân. Trước sức tiến công áp đảo của ta, sĩ quan, binh lính địch phải cởi bỏ quân phục, vứt súng chạy tháo thân. Khoảng 10 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ giải phóng được cắm tung bay trên nóc nhà trụ sở Bộ Tổng Tham mưu Ngụy trong tiếng reo hò của cán bộ, chiến sỹ. Quân đoàn 1 sau đó chỉ thị cho các chiến sỹ tiếp tục đánh chiếm các mục tiêu quan trọng đã được phân công, góp phần quan trọng vào việc làm tan rã hệ thống phòng thủ của địch tại Sài Gòn.
Đại tá Trần Văn Thân (thứ hai, từ phải sang) cùng các đồng đội tại Dinh Độc Lập trong ngày 30/4/1975. Ảnh: TTXVN phát
Từ hướng Đông Nam, Quân đoàn 2 (Binh đoàn Hương Giang) tiến công đánh chiếm các vị trí như Nhơn Trạch, Long Thành và tiến vào Sài Gòn qua cầu Sài Gòn. Ngày 29/4/1975, pháo binh Quân đoàn 2 pháo kích sân bay Tân Sơn Nhất; Sư đoàn 304 tiến công căn cứ Nước Trong, phát triển theo Đường 15, đánh chiếm căn cứ Long Bình. Sư đoàn 325 diệt địch ở Thành Tuy Hạ, đánh chiếm căn cứ Hải quân Cát Lái, phát triển tiến công vào Quận 9 và Bộ Tư lệnh Hải quân địch. Trong khi đó, Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên) từ hướng Tây Bắc tiến công qua các khu vực như Gò Dầu, Trảng Bàng và Củ Chi; trong đó, Sư đoàn 316 trực thuộc Quân đoàn 3 và các lực lượng địa phương đã đánh chiếm một loạt đồn, bốt của địch, chia cắt Sư đoàn 25 Quân lực Việt Nam Cộng hòa tại Gò Dầu - Trảng Bàng với Sài Gòn, tạo điều kiện cho các mũi tiến công khác tiến vào thành phố.
Trong khi đó, Quân đoàn 4 (Binh đoàn Cửu Long) tiến công từ hướng Đông, đánh chiếm các vị trí như Trảng Bom, Hố Nai và Biên Hòa để tiến vào Sài Gòn. Trung đoàn Đặc công 198 Quân đoàn 3 sau đó đánh chiếm cầu Bông, cầu Sáng. Sư đoàn 320 tiến công căn cứ Đồng Dù, diệt Sở Chỉ huy Sư đoàn 25 của địch. Sư đoàn 10 theo Quốc lộ 1 tiến vào nội đô, đánh tan các cụm quân địch ở Hậu Nghĩa, Củ Chi, khu huấn luyện Quang Trung, phát triển đến khu vực Bà Quẹo.
Cùng lúc, Đoàn 232 tiến công từ hướng Tây và Tây Nam đã vượt qua Đồng bằng sông Cửu Long và đánh chiếm các vị trí quan trọng như: Tân An, Bến Lức, Mỹ Tho (thuộc tỉnh Long An) để tiến vào nội đô Sài Gòn. Sư đoàn 8 (Quân khu 8) tấn công các vị trí của Sư đoàn 22 Quân lực Việt Nam Cộng hòa dọc hai con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây, cắt đứt hoàn toàn đường số 4, cô lập Sài Gòn với Đồng bằng sông Cửu Long.
Khoảng 10 giờ 45 phút ngày 30/4/1975, xe tăng số hiệu 843 và 390 tiến vào Dinh Độc Lập. Trung úy Bùi Quang Thận từ xe 843 cầm cờ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam chạy vào dinh, trong khi xe tăng 390 húc sập cổng chính. Đến 11 giờ 30 phút, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, đánh dấu sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn.
Những dấu ấn còn mãi
Đại tá Trần Văn Thân xem lại những tấm ảnh chụp cùng đồng đội trong ngày 30/4/1975 lịch sử. Ảnh: Hồng Giang - TTXVN
Là chiến sỹ trực tiếp tham gia chiến đấu tại Sài Gòn trong ngày 30/4/1975, Đại tá Trần Văn Thân, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64, Sư đoàn 320 thuộc Quân đoàn 3 - một trong 5 cánh quân giải phóng của Chiến dịch Hồ Chí Minh không giấu niềm xúc động xen lẫn tự hào khi nhớ về thời khắc giải phóng miền Nam lịch sử.
Đại tá Trần Văn Thân nhớ lại, rạng sáng 29/4/1975, Sư đoàn 320 thuộc Quân đoàn 3 được lệnh tấn công căn cứ Đồng Dù (huyện Củ Chi), tiêu diệt Sư đoàn 25 của Quân đội Việt Nam Cộng hòa đang đóng quân tại đó. Đồng Dù là căn cứ quân sự rộng 8 km2 với 13 lớp hàng rào cùng 3.000 lính ngụy; được ví như “cánh cửa thép” bất khả xâm phạm án ngữ phía Tây Bắc Sài Gòn, có vị trí quan trọng nằm trên trục Quốc lộ 1 cách trung tâm Sài Gòn khoảng 30 km về phía Tây Bắc. Tiêu diệt được căn cứ này sẽ mở ra cánh cửa phía Tây Bắc cho bộ đội giải phóng tiến công vào Sài Gòn. Với tinh thần bất khuất, quật cường, các chiến sỹ quyết tâm tiêu diệt căn cứ này, mở đường giải phóng Sài Gòn.
Trung đoàn 64 do Đại tá Trần Văn Thân làm Trung đoàn trưởng được giao nhiệm vụ chiến đấu ở vòng ngoài, tăng cường cho Sư đoàn bộ binh 10 của Quân đoàn 3 chốt giữ hai cây cầu huyết mạch là cầu Bông (nay là cầu An Hạ, huyện Hóc Môn) và cầu Sáng (nay thuộc huyện Hóc Môn) nằm giữa Đồng Dù và Sài Gòn, ngăn quân địch phản công, tạo điều kiện cho lực lượng thọc sâu của Quân đoàn 3 đánh chiếm các mục tiêu nội đô.
Cùng lúc đó, pháo binh Sư đoàn 320 đồng loạt tiến công căn cứ Đồng Dù và kéo dài trong suốt hai giờ liền. Bộ binh Sư đoàn 320 trên các hướng nổ mìn định hướng và đánh bộc phá liên tục mở bung nhiều lớp hàng rào, tiêu diệt xe tăng của địch. Đến 11 giờ ngày 29/4/1975, Sư đoàn 320 làm chủ hoàn toàn căn cứ Đồng Dù, tiêu diệt toàn bộ Sư đoàn 25 của quân Ngụy. Trong khi đó, Trung đoàn 64 được lệnh phát triển sang Quận 1, hiệp đồng với đơn vị bạn đánh chiếm Dinh Độc Lập.
Tại mũi đánh đường Công Lý, Trung đoàn 64 đã bị tàn quân của địch tập kích khiến 12 chiến sỹ bị thương, 4 người hy sinh. Đại tá Trần Văn Thân cho biết, thời điểm đó là 12 giờ ngày 30/4/1975, sau khi lá cờ Tổ quốc đã được cắm trên nóc Dinh Độc Lập, 4 chiến sỹ Trung đoàn 64 ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ, khi thời khắc đất nước giành được độc lập đã ở rất gần.
“Tôi không thể nào quên được tinh thần chiến đấu dũng cảm và quên mình của các chiến sỹ Sư đoàn 320 tại trận đánh căn cứ Đồng Dù. Chiến thắng này đã đánh đổi bằng sự hy sinh anh dũng của gần 200 cán bộ, chiến sỹ của Sư đoàn 320 và nhân dân huyện Củ Chi. Việc nhiều chiến sỹ không thể chứng kiến được ngày đất nước hòa bình và phát triển vượt bậc là niềm nuối tiếc lớn nhất của tôi và những người đồng đội cho đến hôm nay”, Đại tá Trần Văn Thân chia sẻ.
Một ký ức khó quên nữa của Đại tá Trần Văn Thân và những đồng đội của mình là tình cảm quân dân thắm thiết của người dân Sài Gòn. Trong giờ phút nguy nan, họ không ngại hiểm nguy, vận động xe lam, xe kéo, thậm chí sử dụng phương tiện cá nhân để dẫn đường cho bộ đội đánh chiếm các cứ điểm trọng yếu trong thành phố. Khi nhiều chiến sỹ bị thương, người dân nơi không quản ngại nguy hiểm đã đưa thương binh về nhà hoặc đến Bệnh viện Vì Dân (nay là Bệnh viện Thống Nhất) để chữa trị. Sự tin tưởng, tinh thần cách mạng cùng tình cảm đùm bọc, thương yêu của nhân dân đã giúp Sư đoàn 320, Quân đoàn 3 cũng như toàn bộ lực lượng giải phóng nói chung hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước anh dũng.
Bài cuối: Dấu ấn đậm nét của tình quân dân
Hồng Giang - Thu Hương (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/thoi-su/ky-uc-ngay-304-lich-su-bai-2-than-toc-tien-ve-giai-phong-sai-gon-20250424093923640.htm