1. Chúng tôi có dịp trò chuyện cùng ông Trần Văn Tạc (SN 1955, ngụ xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) vào những ngày tháng tư lịch sử. Ký ức về cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc vẫn còn in đậm trong tâm trí, ông bồi hồi kể lại những ngày tháng gian khổ mà đầy tự hào.
17 tuổi, trước cảnh quân thù tàn phá quê hương, ông tham gia công tác thanh niên, hoạt động bí mật tại địa phương. Công việc ban đầu ông tham gia là đưa thư, mang cơm, tải thương cho bộ đội địa phương,... Đến tháng 9/1974, ông hoạt động tại vùng kháng chiến miễu Ông Bần Quỳ, Đám lá tối trời.
Là du kích xã, ông cùng đồng đội sát cánh bên nhau, tham gia nhiều trận đánh đồn, bót địch, chống càn tại xã Nhựt Ninh, Đức Tân và Tân Phước Tây.
Ông Tạc nhớ lại: "Cuối năm 1974, tôi cùng các đơn vị kết hợp với bộ đội cấp trên càn quét, đánh vào các đồn của địch. Khi giành thắng lợi tại vùng (ấp), tôi cùng bộ đội vận động người dân đào hầm, lập hàng rào chiến đấu, gài lựu đạn để phòng thủ,... Nhờ đó, từng bước giành được nhiều vị trí quan trọng trong khu vực".
Ông Trần Văn Tạc (xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ) bồi hồi nhớ lại những năm tháng cùng đồng đội sống, chiến đấu
Đầu năm 1975, tình hình trên chiến trường miền Nam chuyển biến nhanh. Vùng giải phóng mở rộng một cách nhanh chóng. Tại Long An, khoảng giữa tháng tư, nhiều xã ở các huyện: Châu Thành, Tân Trụ, Cần Đước, Cần Giuộc được giải phóng.
Ngày 20/4, phía Bắc Thủ Thừa và Bến Lức, nhiều đồn, bót địch bị quét sạch. Từ giây phút đó, chàng trai trẻ ý thức được rằng anh, đồng đội và người dân có thể hiên ngang, chính thức làm chủ chính quê hương mình. Ngày tháng “nếm mật nằm gai”, hoạt động trong bí mật, những hy sinh to lớn của đồng đội đã được đền đáp xứng đáng.
Sau ngày đất nước thống nhất, ông Tạc tiếp tục công tác và giữ nhiều chức vụ quan trọng tại địa phương như xã đội phó, trưởng công an xã, chủ tịch UBND xã, bí thư chi bộ,...
Đến năm 2004, ông giữ chức Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Tân Trụ. Sau khi về hưu, ông tích cực tham gia công tác và hoạt động xã hội tại địa phương. Hiện ông giữ chức Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Nhựt Ninh. Dù ở cương vị nào, ông cũng luôn thể hiện tính tiên phong, gương mẫu, hết lòng phục vụ vì cách mạng, vì quê hương, đất nước, vì nhân dân.
Hiện nay, hàng ngày, ngoài việc sản xuất phục vụ đời sống gia đình, ông luôn vận động và giáo dục con cháu tiếp bước truyền thống cha ông, cùng với địa phương xây dựng quê hương giàu đẹp.
Ông Tạc tự hào: "Cách mạng đã chèo lái con thuyền vượt qua sóng dữ và hướng đến tương lai. Nhìn quê hương được như ngày nay ai mà không hạnh phúc!".
2. Khi chúng tôi hỏi về kỷ niệm trong những năm chiến đấu, ký ức một thời "kề vai sát cánh" cùng đồng đội của Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Nhựt Long, xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ - Mai Bá Đẫm (SN 1955) chợt ùa về.
Năm 1970, ông tham gia du kích hoạt động bí mật tại 3 ấp, cùng đồng đội đào hầm bí mật, hầm chông, vận động thanh niên làm hàng rào chiến đấu, tổ chức thanh niên trộm lựu đạn cho bộ đội,...
Năm 1973, ông chịu trách nhiệm theo dõi tình hình địch đóng quân trên địa bàn để báo cáo cho cơ sở cách mạng đánh và tiêu diệt,
Ông Mai Bá Đẫm (xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ) luôn cùng người dân xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp
làm tan rã 1 đại đội thuộc Tiểu đoàn 303. Tiếp tục cho Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông vận động thanh niên tham gia tải thương, tải đạn, tải lương thực cho bộ đội.
Trong suốt những năm binh nghiệp, ông tham gia hàng chục trận chống càn, đánh đồn, bót. Trong quá trình tham gia đánh trận, ông luôn giữ lập trường kiên định, mưu trí, nhạy bén, tiêu diệt, làm bị thương nhiều tên địch.
Mỗi trận đánh đều để lại trong ông niềm tự hào, một niềm vui sướng khôn tả vì góp phần vào công cuộc đánh đuổi kẻ thù xâm lược. Từ những chiến công đó, ông được Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì.
50 năm kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, người lính trẻ năm nào giờ đã là đảng viên 50 năm tuổi Đảng. Sức khỏe suy yếu nhưng ký ức về một thời khói lửa vẫn còn in đậm trong tâm trí ông. Chi tiết cụ thể về từng trận chiến có thể không còn nhớ chính xác nhưng với một số trận quyết định, những thời khắc lịch sử như 30/4, ông không thể nào quên.
Ông Đẫm cho biết: "Khi hay tin huyện được giải phóng, tôi cùng người dân trong ấp ra huyện để thu gom vũ khí, đạn,... chở về căn cứ để cất giấu. Mọi người vui mừng, phấn khởi khi sau đó, miền Nam được giải phóng, thống nhất đất nước".
Những ngày tháng tư lịch sử, ký ức một thời chiến đấu gian khổ mà hào hùng của những cựu chiến binh lại ùa về. Và chiến thắng lịch sử 30/4 không chỉ là dấu mốc kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước mà còn là biểu tượng cho ý chí quật cường, tinh thần đoàn kết và khát vọng độc lập, tự do của cả dân tộc./.
Thanh Mỹ