Các đối tượng bị khởi tố và bắt tạm giam liên quan đến việc ngâm hoạt chất cấm để sản xuất giá đỗ. Ảnh: TTXVN phát
Theo đó, quá trình điều tra xác định đây là hành vi cố tình sử dụng chất cấm trong sản xuất giá đỗ gây mất an toàn thực phẩm nghiêm trọng, công an tỉnh Đắk Lắk đã có quyết định khởi tố và bắt tạm giam 4 đối tượng là chủ 6 cơ sở làm giá đỗ tại thành phố Buôn Ma Thuột.
Qua rà soát, trong 6 cơ sở làm giá đỗ (3 hộ kinh doanh và 1 doanh nghiệp) có 1 cơ sở của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Lâm Đạo đã được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thủy sản cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho hoạt động "sơ chế, đóng gói, kinh doanh giá đậu xanh" ngày 22/4/2024.
Cơ sở này xin cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm lần đầu, để được đánh giá các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hoạt động sơ chế, đóng gói nên không được lấy mẫu sản phẩm để kiểm nghiệm. Do xếp vào loại B nên việc thẩm định lại phải đủ 12 tháng, vì vậy đến nay chưa đến thời hạn đánh giá lại. Còn 5/6 cơ sở làm giá đỗ nói trên thuộc đối tượng cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản, không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý theo Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT, ngày 31/10/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn "Quy định phương thức quản lý điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn".
Trong năm 2024, các cơ quan quản lý của tỉnh, huyện tại Đắk Lắk đã tiến hành nhiều hoạt động thanh, kiểm tra, lấy mẫu giám sát đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm nông lâm thủy sản. Tuy nhiên, cả 6/6 cơ sở làm giá đỗ nêu trên chưa được các đoàn thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất.
Sau khi có thông tin về quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bắt tạm giam 4 bị can của 6 cơ sở dùng hoạt chất "6- Benzylaminopurine" để ngâm ủ giá đỗ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp tổ chức làm việc tại các cơ sở làm giá đỗ và hệ thống cửa hàng Bách hóa Xanh.
Tại thời điểm đoàn đến làm việc, 6/6 cơ sở nêu trên vẫn đang hoạt động bình thường. Đại diện các cơ sở khai báo, cả 4 chủ cơ sở đều đã bị tạm giam. Tuy nhiên, cơ quan công an không yêu cầu ngừng hoạt động nên cơ sở vẫn tiếp tục sản xuất và phải ký cam kết không được sử dụng chất cấm. Vì vậy, khi đến làm việc với các cơ sở, hoạt động làm giá đỗ diễn ra bình thường với sản lượng ít hơn. Có cơ sở hiện bán 1,5 tấn/ngày (trước khi bị công an kiểm tra là 2 tấn/ngày) hoặc bán 200 - 300 kg/ngày (trước khi bị Công an kiểm tra là 400 - 500 kg/ngày).
Đại diện các cơ sở khai báo không biết chất sử dụng sản xuất giá đỗ là chất cấm. Tuy nhiên, theo nguồn tin từ Cổng thông tin của Bộ Công an (đăng tin ngày 26/12/2024), các đối tượng đều biết rõ thứ nước “kẹo” - hoạt chất 6-Benzylaminopurine này được nhà nước quy định cấm sử dụng và khi đưa vào cơ thể sẽ gây nguy hại cho sức khỏe con người. Tuy nhiên vì muốn tăng tối đa lợi nhuận, các cơ sở vẫn cố tình sử dụng.
Mỗi lần sử dụng xong, các đối tượng mang giấu can chứa hoạt chất 6-Benzylaminopurine vào nhà vệ sinh, góc kho xưởng, trong phòng ngủ, tầng hầm để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Đây là hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, cố tình sử dụng chất cấm trong quá trình sản xuất. Vi phạm này chỉ có thể phát hiện qua kiểm tra lấy mẫu và xét nghiệm chuyên về hoạt chất này.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin, đối với yêu cầu truy xuất triệu hồi, tại thời điểm Công an tỉnh Đắk Lắk kiểm tra (ngày 15/12) đã tiến hành tịch thu toàn bộ sản phẩm giá đỗ có chứa chất 6-Benzylaminopurine và các can đựng hóa chất tại 6 cơ sở làm giá đỗ để làm tang vật vụ án. Đồng thời, các cửa hàng của hệ thống Bách hóa Xanh đã thu hồi, tiêu hủy 343 kg và ngừng mua hàng từ đơn vị cung cấp giá đỗ là cơ sở Lâm Đạo. Do đó, không còn sản phẩm để thu hồi. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Lâm Đạo cũng không còn cung cấp giá đỗ cho cửa hàng Bách hóa Xanh.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết, vấn đề quản lý an toàn thực phẩm còn rất nhiều "lỗ hổng". Do đó, cần rà soát, đánh giá lại tổng thể vai trò, chức năng, trách nhiệm của các cơ quan, ngành y tế, nông nghiệp, công thương, UBND các cấp trong vấn đề quản lý an toàn thực phẩm; đồng thời, rà soát, đánh giá Luật An toàn thực phẩm, các nghị định, thông tư, hướng dẫn đã đầy đủ chưa.
“Vấn đề nguy cơ về an toàn thực phẩm là rất lớn. Chúng ta cần phải quy định lại đầy đủ, chuẩn chỉ hơn đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, bảo quản, kinh doanh thực phẩm nói chung để hướng đến từng hộ gia đình, hộ kinh doanh hay doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác đều phải được đăng ký các tiêu chuẩn, quy chuẩn đảm bảo an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, cần có nhiều giải pháp, kể cả ứng dụng công nghệ cao trong vấn đề kiểm tra, giám sát; cần đặt ra yêu cầu chặt chẽ hơn với các điều kiện của cơ sở sản xuất, kinh doanh. Từ đó, sản phẩm đưa ra thị trường hướng đến đều phải có nhãn mác, truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ, thương hiệu, đăng ký tiêu chuẩn... để đảm bảo an toàn sức khỏe con người”, ông Nguyễn Hoài Dương nhấn mạnh.
Nguyên Dung (TTXVN)