Sở Tư pháp cần rà soát lại, làm đầu mối chính tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh để triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 66 của Bộ Chính trị về đổi mới xây dựng và thi hành pháp luật trong thời gian tới. Đây là một trong các nhiệm vụ trọng tâm mà lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk giao cho Sở Tư pháp.
Tại buổi làm việc, đại diện Sở Tư pháp đã nêu một số khó khăn, bất cập phát sinh sau gần một tháng sáp nhập tỉnh và thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Trong đó, việc số lượng cán bộ viên chức chưa đảm bảo đủ so với đề án đã được tỉnh phê duyệt, một số công chức viên chức có nguyện vọng chuyển công tác hoặc nghỉ hưu theo Nghị định 178; công việc quá tải, đội ngũ chưa chuẩn hóa đã ảnh hưởng rất lớn đến quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực tư pháp.
Những khó khăn, bất cập trong công tác tư pháp dần lộ diện sau gần 1 tháng sáp nhập tỉnh và vận hành chính quyền địa phương 2 cấp
Bên cạnh đó, một số văn bản quy phạm pháp luật quy định chưa thống nhất; phần mềm hộ tịch mới hoạt động chưa ổn định, phát sinh nhiều lỗi; cơ sở dữ liệu chưa đồng bộ đầy đủ. Sở đang quản lý vận hành song song phần mềm chứng thực của cả 2 tỉnh Phú Yên và Đắk Lắk cũ nên phát sinh nhiều bất cập, tốn kém chi phí vận hành, khó khăn trong quản lý tập trung,…
Bà Hồ Thị Nguyên Thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk đánh giá cao nỗ lực của ngành tư pháp khi bắt nhịp với những nhiệm vụ mới ngay sau khi sáp nhập tỉnh và thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp.
Bà Hồ Thị Nguyên Thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu Sở Tư pháp nhanh chóng rà soát toàn bộ các nghị quyết, chương trình hành động và tiến độ triển khai các nội dung Nghị quyết 66 của Bộ Chính trị về xây dựng và thi hành pháp luật
Nhấn mạnh vai trò của ngành tư pháp trong tham mưu triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị về “đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới” trên địa bàn tỉnh, bà Thảo yêu cầu Sở Tư pháp nhanh chóng kiện toàn đội ngũ, rà soát lại toàn bộ các nghị quyết, chương trình hành động và tiến độ triển khai các nội dung Nghị quyết này tại địa phương.
“Các đồng chí phải rà soát lại, Tỉnh ủy đã ra Nghị quyết gì, chương trình hành động gì, đã triển khai đến đâu, còn việc gì cần triển khai và tiến độ đến đâu, phải hết sức cụ thể, không chung chung nữa, kể cả bên Phú Yên cũ, Đắk Lắk cũ cũng như kế hoạch của Ủy ban 2 bên. Rà soát lại, báo cáo lại tiến độ thực hiện và tham mưu cần chỉ đạo thêm những gì. Vì đây là một trong 4 Nghị quyết quan trọng, chắc chắn sẽ có kiểm tra, đánh giá”, bà Thảo nói.
H Xíu/VOV-Tây Nguyên