Đắk Nông đề xuất hỗ trợ hơn 600 tỷ đồng chống sạt lở

Đắk Nông đề xuất hỗ trợ hơn 600 tỷ đồng chống sạt lở
4 giờ trướcBài gốc
Sạt lở bờ sông Krông Nô kéo dài nhiều năm nay làm xóa sổ hàng chục héc-ta cây trồng của người dân.
Theo đó, Đắk Nông đề nghị hỗ trợ 620 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương hoặc các nguồn tăng thu khác của ngân sách để tỉnh thực hiện các dự án kè chống sạt lở bờ sông, suối, hồ thủy lợi quan trọng, góp phần bảo vệ các điểm, khu dân cư liền kề; các vùng trọng điểm sản xuất lương thực; các công trình thủy lợi đầu mối, quan trọng…
Cụ thể, dự án Phòng chống sạt lở bờ sông Krông Nô, đoạn qua xã Đức Xuyên, huyện Krông Nô, với tổng vốn đầu tư dự kiến 200 tỷ đồng; dự án Chống sạt lở bờ hồ Tây và chống sạt lở suối dẫn hạ lưu hồ Tây, huyện Đắk Mil, với tổng mức đầu tư 240 tỷ đồng; dự án Chống sạt lở hồ Đắk Búk So, huyện biên giới Tuy Đức, với mức đầu tư 80 tỷ đồng…
Lâm Đồng có 353 doanh nghiệp do người dân tộc thiểu số làm chủ
Ban Chỉ đạo Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng lần thứ 4, năm 2024 thông tin, địa phương có 353 doanh nghiệp do người dân tộc thiểu số làm chủ (chủ sở hữu hoặc người đại diện theo pháp luật), với số vốn điều lệ 2.773 tỷ đồng, chiếm 2,46% về số doanh nghiệp và 1,6% về vốn điều lệ đăng ký so với số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Toàn tỉnh có 10 chủ thể là người đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm 4,52%) của 13 sản phẩm OCOP hạng 3 sao (chiếm 3,29%); số hợp tác xã do người dân tộc thiểu số làm giám đốc, chủ tịch hội đồng quản trị chiếm khoảng 10% toàn tỉnh.
Anh Lưu Lập Đức (thứ 3 bên phải, dân tộc Tày), giám đốc doanh nghiệp và hợp tác xã tại huyện Đức Trọng, Lâm Đồng.
Hiện nay toàn tỉnh có 76/78 xã vùng dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 15 xã nông thôn mới nâng cao và 4 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Tỉnh Lâm Đồng có dân số hơn 1,54 triệu người, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 24,5% dân số. Cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người vùng dân tộc thiểu số đạt gần 45 triệu đồng; mục tiêu đến năm 2030, đạt từ 84 đến 87 triệu đồng, bằng 70% thu nhập bình quân của tỉnh.
Gia Lai phấn đấu đến năm 2025 có 55 nghìn ha cây ăn quả
Tỉnh Gia Lai hiện có khoảng 32.000 ha cây ăn quả, với sản lượng đạt hơn 500.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu mỗi năm từ các mặt hàng chế biến từ trái cây đạt khoảng 120 triệu USD. Các loại cây ăn quả chủ lực được xác định là chuối, sầu riêng, bơ, mít, xoài, dứa và chanh dây. Trong đó diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đạt gần 20.000 ha.
Để tiếp tục phát triển ngành hàng cây ăn quả, tỉnh Gia Lai đã triển khai đề án "Phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả đến năm 2030, định hướng đến năm 2040" với mục tiêu mở rộng diện tích cây ăn quả lên khoảng 55.000 ha vào năm 2025 và đạt khoảng 100.000 ha vào năm 2040. Tỉnh khuyến khích doanh nghiệp và cá nhân đầu tư xây dựng để đa dạng hóa sản phẩm chế biến sâu, phục vụ thị trường nội địa và hướng đến xuất khẩu.
Chanh dây-một trong số sản phẩm trái cây chủ lực xuất khẩu của tỉnh Gia Lai.
Gần 2.900 tỷ đồng vốn đăng ký đầu tư vào Đắk Lắk
Từ đầu năm đến nay, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư cho 12 dự án, với tổng số vốn đăng ký đầu tư 2.894 tỷ đồng, tăng hơn 1.931 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023. Trong 12 dự án được phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư có một số dự án có tổng mức đầu tư lớn như: Dự án tổ hợp trung tâm thương mại-khách sạn-nhà ở tại số 2 Mai Hắc Đế, thành phố Buôn Ma Thuột; trang trại nuôi heo hậu bị quy mô 20.000 con ở xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn... Cũng trong 9 tháng đầu năm 2024, đã có 140 nhà đầu tư tìm hiểu môi trường đầu tư của tỉnh, trong đó có 6 nhà đầu tư nước ngoài và tỉnh đã tiếp nhận 96 lượt hồ sơ dự án đề nghị quyết định chủ trương đầu tư với tổng số vốn đầu tư đăng ký hơn 14.499 tỷ đồng. Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt điều chỉnh 23 quyết định chủ trương đầu tư, trong đó điều chỉnh tổng vốn đầu tư của sáu dự án từ 323,6 tỷ đồng lên 806,8 tỷ đồng.
Theo nhandan.vn
Nguồn Đắk Nông : https://baodaknong.vn/dak-nong-de-xuat-ho-tro-hon-600-ty-dong-chong-sat-lo-231456.html