Từ vựa heo đến 'thủ phủ' cây ăn quả

Từ vựa heo đến 'thủ phủ' cây ăn quả
4 giờ trướcBài gốc
Cách TP Quy Nhơn khoảng 70 km về hướng Bắc, Hoài Ân là huyện trung du của tỉnh Bình Định. Huyện Hoài Ân là địa bàn xung yếu, có tầm quan trọng về kinh tế, quốc phòng; có lịch sử lâu đời, giàu truyền thống yêu nước và văn hóa.
Kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực
Trong những năm gần đây, tình hình kinh tế - xã hội huyện Hoài Ân đã có những chuyển biến tích cực, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt. Hiện toàn huyện có 10/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao), thị trấn Tăng Bạt Hổ đạt chuẩn văn minh đô thị.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng được đầu tư nâng cấp mạnh mẽ, nhất là hệ thống giao thông. Hiện từ thị trấn đến các làng quê xa xôi, đường sá đã được đổ bê-tông hoặc trải thảm nhựa, nhiều địa phương có đường bê-tông đến từng hộ dân. Việc đầu tư kênh mương thủy lợi, điện lưới quốc gia đã khép kín, trường học, trạm y tế... được xây dựng khang trang ở khắp thôn, xã đã đáp ứng yêu cầu dạy học và chữa bệnh cho người dân.
Công tác đầu tư xây dựng cơ bản được liên tục thực hiện, hệ thống cầu nối đôi bờ sông Kim Sơn, sông Ba Liên (An Lão)... được xây dựng kiên cố tại hầu hết các nút giao thông quan trọng. Nhiều cây cầu vượt lũ được xây dựng đã đáp ứng nhu cầu đi lại, lưu thông hàng hóa.
Lãnh đạo huyện Hoài Ân giới thiệu các loại cây ăn quả địa phương
Bứt phá mạnh mẽ
Những năm gần đây, nhờ định hướng đúng đắn, người tiêu dùng trên cả nước đã biết Hoài Ân không chỉ là vựa heo mà còn là "thủ phủ" cây ăn quả của miền Trung.
Ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, cho biết xác định nông nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn, huyện đã triển khai những bước đệm tạo nền tảng vững chắc trong phát triển nông nghiệp bền vững, hướng đến ứng dụng công nghệ, nâng cao giá trị và thương hiệu. Nhất là từ năm 2018 khi huyện xây dựng đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Cụ thể, ngoài giữ vững diện tích canh tác lúa để bảo đảm an ninh lương thực, huyện tập trung triển khai quy hoạch vùng sản xuất cây ăn quả. Hoài Ân còn hỗ trợ người dân các dự án, cây trồng có thế mạnh.
Hằng năm, Hoài Ân thường xuyên duy trì đàn heo trên 280.000 con để cung cấp cho thị trường cùng đàn trâu, bò khoảng 26.000 con và đàn gia cầm trên 1,1 triệu con. Riêng các loại cây ăn quả là sản phẩm có thế mạnh được phát triển với diện tích lên đến hơn 3.900 ha.
Hình thành nền nông nghiệp hàng hóa
Các tiến bộ khoa học được áp dụng rộng rãi trong quá trình sản xuất và chế biến; hàm lượng công nghệ trong các sản phẩm ngày càng được nâng cao. Nhiều mặt hàng nông sản của địa phương, như: heo Hoài Ân, gà ta thả vườn, bưởi da xanh, trà nụ hoa hòe, mật ong dú, trứng chim trĩ, thịt heo thảo mộc, gạo hữu cơ… được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, hiện đã có mặt trên nhiều hệ thống siêu thị trong nước.
Đặc biệt, nhiều sản phẩm như: trà nụ hoa hòe, dầu phộng, dầu mè, bún khô, bún tươi… đã được xuất khẩu sang nước ngoài bằng đường chính ngạch. Đây chính là bước ngoặt, đánh dấu ngành nông nghiệp huyện Hoài Ân hình thành nền nông nghiệp hàng hóa; tạo động lực, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.
Hiện Cục Sở hữu trí tuệ đã công nhận nhãn hiệu cho 8 sản phẩm của huyện Hoài Ân gồm: trà Gò Loi, bưởi da xanh, heo Hoài Ân, gà ta thả vườn, dừa xiêm, mít Thái, tiêu hột, gạo hữu cơ. Đồng thời, 60 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP và trên 100 ha được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP...
Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định, đánh giá 4 năm gần đây Hoài Ân đã có sự bứt phá mạnh mẽ. Đặc biệt, công tác quy hoạch được thực hiện rất bài bản, hạ tầng xã hội được đầu tư đồng bộ và việc đầu tư phát triển nông nghiệp trở thành điểm sáng của tỉnh.
Năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện Hoài Ân là 7,7%, tổng thu ngân sách chỉ 61,8 tỉ đồng. Đến năm 2023, tốc độ tăng trưởng đạt 11,66%, tổng thu ngân sách 178,8 tỉ đồng.
Bài và ảnh: ĐỨC ANH
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/tu-vua-heo-den-thu-phu-cay-an-qua-196241010185940831.htm