Những dấu ấn trong hợp tác phát triển giữa TP.HCM và duyên hải Trung Bộ

Những dấu ấn trong hợp tác phát triển giữa TP.HCM và duyên hải Trung Bộ
3 giờ trướcBài gốc
Sáng 11-10, hội nghị sơ kết một năm chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa UBND TP.HCM với các tỉnh vùng duyên hải Trung Bộ diễn ra tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Hội nghị do UBND TP.HCM phối hợp UBND các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận tổ chức.
Nhiều kết quả sau một năm hợp tác
Theo ông Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM, thời gian qua, TP.HCM cũng như các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận đã chủ động ban hành kế hoạch triển khai chương trình hợp tác phát triển. Trong đó, phân công cụ thể đầu mối trao đổi thông tin, phối hợp với các sở, ngành liên quan của TP.HCM nhằm triển khai có hiệu quả các nội dung hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM với các tỉnh vùng duyên hải Trung Bộ đã được ký kết.
Ông Dương Ngọc Hải, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM cùng lãnh đạo các tỉnh tham quan các gian hàng được trưng bày tại hội nghị. Ảnh: HUỲNH HẢI
Theo ông Hải, UBND TP.HCM đã đề ra 10 nội dung phối hợp cấp vùng, 11 nội dung phối hợp song phương và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, đơn vị làm đầu mối triển khai thực hiện. Đồng thời, thành lập tổ công tác do một phó chủ tịch UBND TP làm tổ trưởng, đại diện lãnh đạo sở, ngành là thành viên, nhằm triển khai có hiệu quả thỏa thuận đã ký kết.
Đến nay TP.HCM và các tỉnh vùng duyên hải Trung Bộ đã thực hiện 10/10 nội dung hợp tác cấp vùng, 10/11 nội dung hợp tác song phương; 1/11 nội dung hợp tác song phương dự kiến thực hiện trong tháng 10-2024.
Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM cho rằng một năm qua chương trình hợp tác đã đạt được nhiều kết quả trong hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch.
Sở Du lịch TP.HCM cũng đã tổ chức các sự kiện, như hội chợ du lịch quốc tế TP.HCM - ITE HCMC năm 2023; ngày hội du lịch TP.HCM năm 2024 với sự tham gia của các tỉnh Bình Thuận, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, một năm qua, UBND TP.HCM đã phối hợp tỉnh Ninh Thuận tổ chức hội nghị chia sẻ thông tin trong lĩnh vực nông nghiệp, nguồn nhân lực phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ, tư vấn, chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học và đi khảo sát thực tế tại một số mô hình nông nghiệp công nghệ cao.
Nhiều mặt hàng chủ lực của các tỉnh duyên hải Trung Bộ được trưng bày tại hội nghị, sáng 11-10. Ảnh: HUỲNH HẢI
Từ năm 2023 đến tháng 9-2024, Chi cục Phát triển nông thôn đã phối hợp với Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Phú Yên làm việc với ba đoàn công tác của TP.HCM đến khảo sát, học tập, trao đổi kinh nghiệm về các mô hình phát triển nông nghiệp, làng nghề nông thôn, sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn.
TP.HCM Phối hợp Sở NN&PTNT các tỉnh vùng duyên hải Trung Bộ tổ chức hội chợ triển lãm giống, nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM với 300 gian hàng.
Còn lĩnh vực khoa học công nghệ, chuyển đổi số, thời gian qua UBND TP.HCM cũng đã phối hợp với các tỉnh Bình Thuận, Quảng Ngãi, Phú Yên triển khai các hội nghị như hội nghị quốc tế về công nghệ nano và ứng dụng - IWNA lần thứ 8; giới thiệu sàn giao dịch công nghệ và dịch vụ triển lãm trực tuyến trong ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Quảng Ngãi...
Những hạn chế cần khắc phục
Theo ông Dương Ngọc Hải, một năm qua UBND TP.HCM và các tỉnh vùng duyên hải Trung Bộ đều thống nhất nhận thức vai trò quan trọng của liên kết vùng, đã quan tâm, chủ động xây dựng kế hoạch và tích cực triển khai thực hiện thỏa thuận hợp tác đã được ký kết; tạo môi trường và động lực cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư của TP và các tỉnh trong vùng chủ động liên kết, hợp tác giao thương.
Tuy nhiên, theo ông Hải, qua một năm hợp tác, liên kết ngoài các mặt tích cực đã đạt được như đã nêu trên thì vẫn còn một số hạn chế, tồn tại cần khắc phục trong thời gian tới.
Theo đó, thời gian triển khai ngắn, các địa phương tập trung xây dựng, lấy ý kiến về kế hoạch triển khai thỏa thuận hợp tác năm 2023 và giai đoạn 2024-2025, nên nhiều nội dung hợp tác chưa đảm bảo tiến độ thực hiện, chưa đi vào chiều sâu và tác động tổng thể đến phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và cả vùng Duyên hải Trung bộ nói chung; chưa phát huy đồng bộ các thế mạnh của các địa phương. Mặt khác, một số nội dung hợp tác song phương chưa triển khai, các đơn vị chủ trì đề xuất chuyển sang năm 2024 để tiếp tục thực hiện.
Hội nghị đánh giá một năm hợp tác giữa TP.HCM với các tỉnh duyên hải Trung Bộ. Ảnh: HUỲNH HẢI
Ngoài ra, nội dung triển khai hợp tác giữa các địa phương trong năm 2023 chưa bao quát hết các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội mà chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực thương mại, đầu tư, du lịch, y tế, logistics và giáo dục đào tạo. Chủ thể hợp tác được thực hiện chủ yếu giữa chính quyền với chính quyền mà chưa lan tỏa đến cộng đồng doanh nghiệp các địa phương; hoạt động liên kết đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh chưa phát triển mạnh.
Công tác kết nối, hình thành chuỗi liên kết sản xuất, phân phối đến nay vẫn còn khó khăn thách thức khi một số sản phẩm có thế mạnh và tiềm năng của các địa phương vẫn chưa thể kết nối, cung ứng vào thị trường TP.HCM do một số nguyên nhân.
Các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh của các địa phương chưa nắm rõ tiêu chuẩn liên quan đến sản phẩm khi đưa vào kênh siêu thị, cửa hàng tiện lợi; chưa cung cấp đầy đủ hồ sơ về sản phẩm nên chưa đủ điều kiện để đưa sản phẩm vào kinh doanh tại các siêu thị; một số doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất quy mô hoạt động còn nhỏ, sản lượng cung ứng còn thấp, chưa có bộ phận giao nhận đến siêu thị, cửa hàng tiện lợi…
XUÂN HOÁT - HUỲNH HẢI
Nguồn PLO : https://plo.vn/nhung-dau-an-trong-hop-tac-phat-trien-giua-tphcm-va-duyen-hai-trung-bo-post814385.html