Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Hồ Đại Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Tiến trao danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 2023 cho 13 cán bộ quản lý, giáo viên ngành GD&ĐT Quảng Trị - Ảnh: N.V
Sở GD&ĐT tăng cường bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên, nhân viên cũng như phối hợp với Sở Nội vụ, UBND cấp huyện thực hiện tốt công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, tuyển dụng, sắp xếp cán bộ quản lý, giáo viên hợp lý để triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đạt kết quả cao nhất.
Tính đến ngày 31/12/2024, toàn tỉnh có 13.173 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó khối công lập 12.442 người, khối ngoài công lập 731 người. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục từng bước được chuẩn hóa về trình độ đào tạo, bồi dưỡng đảm bảo yêu cầu dạy học và tổ chức tốt hoạt động giáo dục.
Đến tháng 12/2024, số giáo viên và cán bộ quản lý trong ngành có trình độ đào tạo đạt chuẩn chiếm tỉ lệ 97,4%, trong đó trên chuẩn 29,2%. Năm học 2024- 2025 có 235 cán bộ quản lý, giáo viên cấp trung học cơ sở được bồi dưỡng dạy môn khoa học tự nhiên, nâng tổng số cán bộ quản lý, giáo viên cấp này được bồi dưỡng và cấp chứng chỉ 500 người, hoàn thành 100% kế hoạch.
Sở GD&ĐT tiếp tục phối hợp với các cơ sở đào tạo và Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị triển khai công tác bồi dưỡng thường xuyên cho cán bộ, giáo viên các cấp học theo nội dung, tiến độ kế hoạch đề ra; phối hợp với Sở Y tế và Trường Cao đẳng Y tế Quảng Trị thực hiện bồi dưỡng cấp chứng chỉ cho 383 viên chức, người lao động phụ trách công tác y tế trường học.
Công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại được cấp có thẩm quyền và ngành GD&ĐT triển khai thực hiện đúng quy định, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Công tác thuyên chuyển, điều động, bố trí viên chức được thực hiện hợp lý, tạo sự đồng thuận trong ngành GD&ĐT. Việc thực hiện chế độ, chính sách đối với viên chức, người lao động được triển khai kịp thời, đúng quy định. Sở cũng đã quan tâm và thực hiện tốt chế độ nâng bậc lương trước thời hạn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ cũng như thực hiện kịp thời chính sách nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức.
Cùng với đó, các địa phương và cơ sở giáo dục tích cực thực hiện rà soát, sắp xếp lại trường, lớp nhằm thu gọn đầu mối, giảm điểm trường, đáp ứng về quy mô số nhóm, lớp và tăng số lượng học sinh/lớp, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư và triển khai thực hiện tốt chương trình giáo dục các cấp học.
Hiện nay, toàn tỉnh có 386 trường học, trong đó 164 trường mầm non, 66 trường tiểu học, 42 trường trung học cơ sở, 81 trường tiểu học và trung học cơ sở, 24 trường trung học phổ thông, 5 trường trung học cơ sở và trung học phổ thông, 3 trường phổ thông liên cấp, 1 trường trẻ em khuyết tật tỉnh, 9 trung tâm giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên, 1 trung tâm giáo dục thường xuyên, tin học, ngoại ngữ tỉnh.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 44 trung tâm ngoại ngữ, tin học tư thục, 22 tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học, 15 đơn vị tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hơn 145 nhóm, lớp nhà trẻ, mẫu giáo độc lập, tư thục. Nhìn chung, quy mô mạng lưới trường, lớp được quy hoạch, sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu đến trường của các lứa tuổi.
Sở GD&ĐT cũng đã chỉ đạo, hướng dẫn phòng GD&ĐT huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị trực thuộc chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên trong việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Khai thác, sử dụng sách giáo khoa, nguồn học liệu, thiết bị dạy học hiệu quả, phù hợp thực tiễn, đồng thời vận dụng linh hoạt phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Chú trọng phối hợp giữa nhà trường, cha mẹ học sinh, cơ quan, tổ chức có liên quan tại địa phương trong việc tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Hiện nay, kế hoạch giáo dục của nhiều nhà trường, tổ chuyên môn và giáo viên được ký số, lưu trữ quản lý trên phần mềm VnEdu với các nội dung đầy đủ, giải pháp, chỉ tiêu khá cụ thể, phù hợp, thuận tiện trong việc tra cứu, lưu trữ. Việc sử dụng hồ sơ điện tử cũng giúp tăng cường công tác giám sát và nâng cao chất lượng quản lý giáo dục, giúp cơ sở giáo dục đáp ứng tốt hơn yêu cầu đổi mới trong thời kỳ chuyển đổi số.
Cái khó nhất hiện nay là bên cạnh đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được tăng cường về chất lượng, cơ cấu ngày càng hợp lý nhưng vẫn còn tình trạng mất cân đối, thiếu giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, thừa giáo viên nhưng lại thiếu nhân viên ở các huyện đồng bằng, thừa giáo viên dạy văn hóa cấp tiểu học, thiếu giáo viên dạy các môn đặc thù, tự chọn.
Thời gian tới, Sở GD&ĐT cùng các địa phương tiếp tục rà soát, bố trí, sắp xếp lớp học, giáo viên, nhân viên phù hợp với điều kiện thực tế, đồng thời thực hiện tuyển dụng giáo viên theo biên chế được giao, từng bước khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên của các cơ sở giáo dục, nhất là giáo viên mầm non và giáo viên dạy các môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách phát triển GD&ĐT, nâng tỉ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia trong năm học 2024- 2025 lên 70% cũng như sắp xếp bộ máy của Sở GD&ĐT theo đề án của UBND tỉnh...
Nguyễn Vinh