Ngày 7/2 (mùng 10 tháng Giêng), Đồng Nai đã tổ chức lễ Nghinh thần, đây là hoạt động trong lễ hội Chùa Ông lần thứ 10 năm 2024.
Hàng ngàn người dân tham gia lễ Nghinh thần trên các tuyến phố lớn ở Đồng Nai.
Lễ Nghinh thần năm nay các đoàn tuần du tập kết ở trước Chùa Ông, sau Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh và đường hai bên hông đền.
Sau đó đoàn diễu hành trên nhiều tuyến phố lớn ở Biên Hòa với chiều dài khoảng 8km rồi quay trở về chùa Ông.
Lực lượng chức năng điều tiết giao thông để đoàn diễu hành đi qua an toàn.
Đoàn có lân - sư - rồng biểu diễn những màn nhào lộn đặc sắc tạo nên không khí rộn ràng của lễ hội đường phố. Công an cũng tham gia điều tiết, đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình đoàn đi tuần du trên các tuyến phố.
Đoàn tuần du còn biểu diễn nhiều tiết mục múa dân gian do các hội quán người Hoa thực hiện. Nhiều người tham gia tuần du còn hóa trang thành các nhân vật lịch sử tạo nên lễ hội đường phố đầy màu sắc, vui nhộn.
Đoàn diễu hành đi qua đường Hà Huy Giáp tuyến đường chính qua thành phố Biên Hòa, Đồng Nai.
Theo Ban tổ chức lễ hội Chùa Ông, lễ Nghinh thần là hình thức đưa các vị thần dân gian, các vị công thần khai phá mở mang vùng đất cù lao đi tham quan dân tình nhân dịp đầu năm mới trước khi khai mạc Lễ hội Chùa Ông. Qua đó, cầu mong một năm mới quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, nhân dân ấm no hạnh phúc.
Video: Lễ Nghinh thần thuộc lễ hội chùa Ông.
Việc duy trì tổ chức Lễ hội thường niên tại Chùa Ông nhằm bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể lễ hội Chùa Ông. Đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của cộng đồng người Hoa - Việt và từng bước hình thành sản phẩm du lịch văn hóa ở địa phương.
Lễ hội chùa Ông năm nay kéo dài trong 6 ngày, từ ngày 5/2 - 10/2 (từ mùng 8 - 13 tháng Giêng). Lễ hội chính thức khai mạc vào tối nay 7/2 (mùng 10 tháng Giêng).
Hai bên đường lớn ở Biên Hòa xe nhường cho đoàn diễu hành ngang qua để đảm bảo an toàn.
Ngoài lễ Nghinh thần, lễ hội Chùa Ông năm nay còn có lễ thỉnh thư hàm, giao lưu thư pháp Việt - Hoa, biểu diễn lân sư rồng - võ thuật, trò chơi dân gian, giao lưu đờn ca tài tử, lễ cầu an, thả hoa đăng…
Điểm khác biệt của lễ hội năm nay là lễ nghinh thần không xuất du bằng đường sông như mọi năm, mà chỉ xuất du bằng đường bộ.
Ngoài ra, ban tổ chức cũng phát động cuộc thi sáng tạo ảnh đẹp, video clip về thành phố Biên Hòa với điểm nhấn là những khoảnh khắc sinh động về thiên nhiên, công trình kiến trúc, các sản phẩm làng nghề, danh lam thắng cảnh, lễ hội đặc trưng của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn thành phố Biên Hòa.
CSGT hướng dẫn người dân lưu thông an toàn tại lễ Nghinh thần.
Để lễ hội diễn ra an toàn, ban tổ chức phối hợp các đơn vị bố trí lực lượng bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông. Tổ chức người thu gom hoa đăng ở hạ nguồn gần khu vực cầu Đồng Nai nhằm đảm bảo môi trường.
Chùa Ông (còn gọi Thất Phủ Cổ Miếu) được xây dựng năm 1684 tại cù lao Phố, nay là phường Hiệp Hòa, TP Biên Hòa, tiếp giáp sông Đồng Nai.
Đây là ngôi chùa có niên đại sớm nhất ở Nam Bộ, đánh dấu mốc lịch sử quá trình chung sống của cộng đồng người Việt và người Hoa trong công cuộc khẩn hoang, lập nghiệp, bảo vệ vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.
Tháng 11/2023, lễ hội chùa Ông được bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Minh Tuệ
Nguồn Giao Thông : https://www.baogiaothong.vn/dam-bao-giao-thong-de-nguoi-dan-vui-le-nghinh-than-qua-nhieu-tuyen-pho-bien-hoa-192250207100328901.htm