Đồng chí Trần Hồng Thái - Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc với các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên về triển khai sắp xếp đơn vị hành chính. Ảnh: Chính Thành
Theo thông báo kết luận, sau khi nghe Giám đốc Sở Nội vụ báo cáo tóm tắt công tác chuẩn bị sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết số 1245 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; ý kiến của các thành viên tham dự, đồng chí Trần Hồng Thái - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận: Đến nay, công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả; qua đó, tạo sự đồng thuận và nhất trí cao trong toàn hệ thông chính trị, của cử tri, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh nói chung và tại các địa bàn thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nói riêng.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận, biểu dương Tập thể lãnh đạo Sở Nội vụ, các sở, ngành thuộc tỉnh và các địa phương thuộc diện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã nỗ lực, cố gắng để đạt được một số kết quả.
Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 1245 ngày 24/10/2024; trong đó, nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của huyện Cát Tiên và huyện Đạ Tẻh vào huyện Đạ Huoai. Sau khi Nghị quyết số 1245 có hiệu lực thi hành (ngày 01/12/2024), tỉnh Lâm Đồng có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, 137 đơn vị hành chính cấp xã.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 1245 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Kế hoạch số 141 ngày 05/11/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 9743 ngày 08/11/2023 phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành và địa phương liên quan, bảo đảm hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính của UBND huyện Đạ Huoai mới trong ngày 05/12/2024.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 vẫn còn nhiều khó khăn như: Do số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp tương đối nhiều (trong đó, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện thực hiện sắp xếp nhiều nhất cả nước, giảm 2 huyện) dẫn đến số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư sau sắp xếp còn nhiều; tâm lý, tư tưởng, tình cảm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ít nhiều bị ảnh hưởng do thay đổi vị trí công tác, môi trường làm việc...
Cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của đơn vị hành chính mới tuy đã được rà soát, chuẩn bị đầy đủ nhưng còn nhiều khó khăn bước đầu do số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các địa phương, đơn vị tập trung tại một đầu mối tương đối lớn.
Nhiều nội dung liên quan đến cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục pháp lý, công tác quy hoạch, thu hút đầu tư... thực hiện sau khi thành lập huyện Đạ Huoai mới còn nhiều lúng túng, khó khăn.
Đồng chí Trần Hồng Thái - Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra thực tế tại huyện Đạ Tẻh. Ảnh: Chính Thành
Do đó, trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh và các địa phương bám sát nhiệm vụ, tiến độ đề ra tại Kế hoạch số 141 ngày 05/11/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Hướng dẫn số 504 ngày 12/11/2024 của HĐND tỉnh và Kế hoạch số 9743 ngày 08/11/2023 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết số 1245 ngày 24/10/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bảo đảm thực hiện các nội dung một cách chủ động, chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, đúng thời hạn và đúng quy định pháp luật hiện hành.
Về công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, công tác cán bộ, 3 huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên thực hiện đúng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đặc biệt, thực hiện nghiêm Kế hoạch số 135 ngày 09/9/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; bảo đảm mục tiêu sớm ổn định, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền sau khi sắp xếp. Tổ chức thực hiện công tác sắp xếp, bố trí, bổ nhiệm cán bộ phải cẩn trọng, theo đúng quy định; bảo đảm đầy đủ quyền lợi, nguyện vọng chính đáng của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động.
Sau khi sáp nhập, trung tâm hành chính huyện sẽ đặt tại thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Huoai (mới). Ảnh: Khánh Phúc
Khẩn trương xây dựng phương án bảo đảm hoạt động liên tục, thông suốt của bộ máy chính quyền địa phương kể từ ngày 01/12/2024, nhất là các nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, trật tự đô thị, trật tự xây dựng, quản lý tài nguyên, khoáng sản, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội; tuyệt đối không để ngưng trệ, gián đoạn, nhất là khoảng thời gian kể từ ngày Nghị quyết số 1245 ngày 24/10/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực (ngày 01/12/2024) đến thời điểm tổ chức bầu, phê chuẩn các chức danh lãnh đạo chủ chốt của huyện Đạ Huoai mới. Đối với những nhiệm vụ, công việc trọng tâm, cấp bách nhưng chưa triển khai, cần báo cáo ngay Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy để xem xét, chỉ đạo.
Chủ động triển khai các nhiệm vụ và phối hợp các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc kể cả trước và sau khi hoàn thành việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025; nắm bắt và giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện; trong đó, giải quyết kịp thời các thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp; kế thừa, giải quyết các đơn thư, khiếu nại, tố cáo... theo quy định.
Chủ tịch UBND tỉnh giao các các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh tiếp tục hỗ trợ các địa phương hoàn thành công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh, xác định đây là mục tiêu chính trị đặc biệt quan trọng nhằm giúp địa phương ổn định bộ máy để tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp và phục vụ tốt người dân, doanh nghiệp.
NGUYỄN THÀNH