Đảm bảo nguồn vốn cho các dự án xử lý nước thải đô thị

Đảm bảo nguồn vốn cho các dự án xử lý nước thải đô thị
21 giờ trướcBài gốc
Dự án Khu đô thị tại thành phố Biên Hòa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt nội bộ. Ảnh minh họa: Ban Mai
Đây là công trình hạ tầng các đô thị trên địa bàn tỉnh đang thiếu, không những ảnh hưởng đến công tác phát triển đô thị mà còn tác động tiêu cực đến môi trường và mỹ quan.
Chỉ một đô thị có trạm xử lý nước thải
Tháng 7-2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 183/KH-UBND về việc thực hiện Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Kế hoạch đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt chuẩn hơn 30% đối với đô thị loại II trở lên và hơn 10% đối với các đô thị còn lại. Đến năm 2030, tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt chuẩn hơn 50% đối với đô thị loại II trở lên và hơn 20% đối với các đô thị còn lại. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, gần 100% nước thải đô thị của tỉnh chưa được xử lý theo quy định.
Theo Sở Xây dựng, cả tỉnh hiện có 11 đô thị nhưng chỉ có thành phố Biên Hòa có trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung. Đáng nói, Dự án Trạm Xử lý nước thải số 1 mới hoàn thành đầu tư giai đoạn 1A, công suất 3 ngàn m3/ngày đêm trên tổng công suất thiết kế của dự án là 9,5 ngàn m3/ngày đêm. Công suất này tương đương khoảng 2,5% nước thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày của thành phố. Thêm vào đó, trạm xử lý hoạt động từ năm 2018 nhưng chưa có hệ thống để thu gom nước thải từ các hộ dân về, mà chỉ bơm nước suối lên xử lý.
Phó giám đốc Sở Xây dựng Huỳnh Tấn Lộc cho rằng, hiện chỉ có các dự án khu dân cư, khu đô thị và khu chức năng mới được đầu tư là có hệ thống xử lý nước thải đảm bảo đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi đưa ra môi trường. Còn các khu dân cư, đô thị hình thành trước đây hầu hết chưa có hệ thống xử lý nước thải nội bộ, một số khu vực khi đầu tư đường giao thông tuy có làm hệ thống thu gom nước thải nhưng do khu vực chưa có hệ thống thu gom và xử lý tập trung nên nước thải sinh hoạt cũng chưa xử lý được.
Hạ tầng thu gom và xử lý nước thải tập trung không chỉ là tiêu chí trong phát triển đô thị, mà còn là công trình góp phần bảo vệ môi trường, cải thiện mỹ quan và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Phó chủ tịch UBND huyện Trảng Bom Đỗ Ngọc Nam cho biết, huyện đã dư điểm tối thiểu để được công nhận đô thị loại IV theo quy định nhưng còn một số tiêu chí chưa đạt, trong đó có tiêu chí mạng lưới thu gom và trạm xử lý nước thải tập trung. Hiện tại, địa phương được tỉnh chấp thuận chủ trương Dự án Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải sinh hoạt tập trung thị trấn Trảng Bom giai đoạn ưu tiên, công suất 2 ngàn m3/ngày đêm nhưng chưa triển khai.
Ngoài dự án được tỉnh chấp thuận chủ trương nói trên, trong Đồ án Quy hoạch chung đô thị Trảng Bom đến năm 2045 có 5 khu vực xử lý nước thải sinh hoạt tập trung. Trong đó có 4 khu vực ở nội thị với tổng công suất đến năm 2030 là 48 ngàn m3/ngày đêm và đến năm 2045 là 64 ngàn m3/ngày đêm; 1 khu vực ngoại thị công suất đến năm 2030 là 2,5 ngàn m3/ngày đêm và tăng lên 3m3/ngày đêm năm 2030.
Cần đảm bảo nguồn vốn cho các dự án
Những năm qua, 2 thành phố và các địa phương được quy hoạch trở thành đô thị là: Biên Hòa, Long Khánh, Long Thành, Trảng Bom, Nhơn Trạch đã đề xuất không ít dự án thu gom và xử lý nước thải nhưng phần lớn mới ở giai đoạn phê duyệt chủ trương, chuẩn bị đầu tư. Nguyên nhân là do loại hình dự án này cần nguồn vốn đầu tư lớn trong khi nguồn ngân sách hạn hẹp và kêu gọi đầu tư bên ngoài khó khăn, dự án cần công nghệ xử lý hiện đại đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật về môi trường, việc đầu tư hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt ở những đô thị hiện hữu có mật độ dân cư đông không dễ.
Ngày 10-2 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức có văn bản chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án xử lý nước thải. Trong đó yêu cầu UBND các huyện, thành phố rà soát, xác định mức độ ưu tiên để đề xuất đầu tư các dự án xử lý nước thải tập trung đô thị sử dụng vốn ngân sách tỉnh; cân đối và bố trí vốn ngân sách địa phương đầu tư các dự án xử lý nước thải tập trung đô thị khi có đủ khả năng; xác định các dự án cần kêu gọi đầu tư và đề xuất; đẩy nhanh tổ chức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để sớm có mặt bằng triển khai dự án.
Đối với Dự án Trạm Xử lý nước thải số 1 tại thành phố Biên Hòa chưa có hệ thống thu gom, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thành phố phối hợp với chủ đầu tư rà soát, đánh giá nguyên nhân chậm trễ và đề xuất giải pháp đầu tư mạng lưới thu gom nước thải từ hộ gia đình về nhà máy xử lý để tránh lãng phí công trình.
Lãnh đạo tỉnh cũng giao Sở Kế hoạch và đầu tư tham mưu, cân đối nguồn vốn, bố trí đủ vốn cho các dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung; ưu tiên bố trí vốn cho các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư gồm: Tuyến thu gom nước thải từ các hộ dân dẫn về nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung tại phường Hố Nai, thành phố Biên Hòa; Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải sinh hoạt tập trung thành phố Long Khánh giai đoạn 1; Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải sinh hoạt tập trung thị trấn Trảng Bom giai đoạn ưu tiên; Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải sinh hoạt tập trung thị trấn Long Thành giai đoạn ưu tiên và Dự án Thoát nước và xử lý nước thải huyện Nhơn Trạch giai đoạn 1.
Ban Mai
Nguồn Đồng Nai : https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202502/dam-bao-nguon-von-cho-cac-du-an-xu-ly-nuoc-thai-do-thi-8ac0094/