Việc triển khai các hệ thống thông tin thống nhất của TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu giúp giảm thiểu chi phí vận hành, tạo nền tảng cho các dịch vụ công trực tuyến, thúc đẩy chuyển đổi số và nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực.
Kế hoạch cũng nêu rõ tiêu chí đảm bảo cho người dân, doanh nghiệp (DN) và các bên liên quan có thể truy cập, khai thác các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu trên một giao diện đồng bộ, dễ sử dụng, an toàn, an ninh thông tin và bảo mật dữ liệu.
Đến tháng 12/2025, đồng bộ quản trị vận hành trên nền tảng số
Trong bối cảnh cả nước đang đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số, việc hợp nhất TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu thành một đơn vị hành chính mới là bước đi chiến lược nhằm tối ưu hóa quản lý và phát triển kinh tế khu vực phía Nam.
Giai đoạn 1, các đơn vị sẽ tập trung vào các nội dung cốt lõi như hội nghị truyền hình trực tuyến, quản lý văn bản và chỉ đạo điều hành, giải quyết thủ tục hành chính, chữ ký số, mã định danh điện tử và cổng thông tin điện tử... Ảnh minh họa
Để đảm bảo quá trình này diễn ra suôn sẻ, Kế hoạch liên tịch được ban hành dựa trên các căn cứ pháp lý quan trọng như Nghị quyết 60-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Quyết định 759/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Kế hoạch đặt mục tiêu duy trì vận hành liên tục các hệ thống thông tin, đảm bảo xử lý công việc của cán bộ, công chức không bị gián đoạn; đồng thời cung cấp giao diện thống nhất, dễ sử dụng và an toàn cho người dân, DN.
Đối với các cơ quan Đảng, Văn phòng Tỉnh ủy, Thành ủy 3 địa phương cùng đề xuất Văn phòng Trung ương Đảng triển khai chung lộ trình các hệ thống văn bản điều hành, hệ thống báo cáo theo Nghị quyết 57/NQ-TW, hệ thống báo cáo đại hội và phần mềm tác nghiệp.
Theo đó, Kế hoạch được chia thành 2 giai đoạn với các nhiệm vụ cụ thể: Giai đoạn 1: Tập trung vào các hệ thống thông tin cốt lõi như hội nghị truyền hình trực tuyến, quản lý văn bản và chỉ đạo điều hành, giải quyết thủ tục hành chính, thư điện tử công vụ, hệ thống 1022, chữ ký số, mã định danh điện tử và cổng thông tin điện tử.
Về nhiệm vụ, Trung tâm Chuyển đổi số TP. Hồ Chí Minh sẽ chủ trì khảo sát hiện trạng hệ thống hội nghị trực tuyến tại 3 địa phương trước ngày 15/5 và đề xuất giải pháp kết nối để hình thành hệ thống chung vận hành thông suốt. Tương tự, hệ thống quản lý văn bản điều hành sẽ được khảo sát và triển khai thử nghiệm tại các sở, ban, ngành, các phường, xã mới tại 3 địa bàn trước ngày 15/6. Đến ngày 1/9, các hệ thống này sẽ được vận hành chính thức sau khi hoàn tất tập huấn, truyền thông.
Đối với hạ tầng công nghệ thông tin 3 đơn vị, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ cung cấp dữ liệu hiện trạng mạng truyền số liệu chuyên dùng và trung tâm dữ liệu trước ngày 20/5. Trung tâm Chuyển đổi số TP. Hồ Chí Minh sẽ tổng hợp và đề xuất phương án kết nối, lưu trữ dữ liệu phù hợp, hoàn thành vào tháng 8/2025. Các cổng thông tin điện tử và hệ thống đăng nhập một lần (SSO) cũng được đồng bộ hóa trước ngày 30/5, đảm bảo người dân, DN truy cập dễ dàng trên một nền tảng thống nhất.
Tại giai đoạn 2: đến tháng 12/2025, sau khi các hệ thống thiết yếu đi vào hoạt động, các đơn vị tập trung xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ thông tin cấp xã, đặc khu và các sở, ban, ngành, tuân thủ Chiến lược quản trị dữ liệu Thành phố. Các phương án triển khai hệ thống thông tin sẽ được tham mưu cho UBND TP. Hồ Chí Minh, đảm bảo đồng bộ từ cấp thành phố xuống cấp xã. Giai đoạn này cũng nhấn mạnh việc tối ưu hóa quản trị dữ liệu, nâng cao hiệu quả quản lý hành chính và hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội khu vực.
Theo đánh giá của ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh, việc triển khai các hệ thống thông tin thống nhất không chỉ giúp giảm thiểu chi phí vận hành mà còn tạo nền tảng cho các dịch vụ công trực tuyến, thúc đẩy chuyển đổi số và nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng giữa các địa phương, đặc biệt khi hạ tầng công nghệ thông tin tại mỗi nơi có sự khác biệt đáng kể.
Đẩy mạnh triển khai các giải pháp
Để Kế hoạch được triển khai hiệu quả, các đơn vị liên quan được giao nhiệm vụ cụ thể, cùng với sự phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện các giải pháp về khảo sát, thử nghiệm và truyền thông.
Theo đó, Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh đóng vai trò đầu mối, chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ, tổ chức họp định kỳ hằng tháng để tháo gỡ khó khăn và tham mưu các chính sách liên quan đến mã định danh và chữ ký số. Đơn vị cũng phối hợp cùng Ban Cơ yếu Chính phủ để tiếp nhận quy trình cung cấp dịch vụ chữ ký số, đảm bảo hoàn thành trong tháng 5/2025.
Đến tháng 12/2025, sau khi các hệ thống thiết yếu đi vào hoạt động, các đơn vị tập trung xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ thông tin cấp xã, đặc khu và các sở, ban, ngành, tuân thủ Chiến lược quản trị dữ liệu Thành phố. Ảnh minh họa
Sở Khoa học và Công nghệ Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiệm vụ cung cấp dữ liệu hiện trạng hạ tầng, danh sách cán bộ, công chức và các đơn vị hành chính mới ngay sau khi được Hội đồng nhân dân thông qua; thực hiện các nhiệm vụ được phân công và báo cáo khó khăn về Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh để xử lý kịp thời.
Trung tâm Chuyển đổi số TP. Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ trì kỹ thuật, xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng nhóm nội dung, từ khảo sát hạ tầng đến triển khai các hệ thống thông tin. Cùng lúc, tài khoản thư điện tử công vụ, cấu hình hệ thống giải quyết thủ tục hành chính, triển khai hệ thống 1022 và tổ chức tập huấn sử dụng. Đặc biệt, trung tâm đảm bảo các hệ thống vận hành chính thức từ ngày 1/9/2025, sau khi hoàn tất thử nghiệm tại 15 phường, xã của 3 địa phương.
Về giải pháp kỹ thuật, Kế hoạch nhấn mạnh việc khảo sát hiện trạng hạ tầng để đề xuất phương án kết nối tối ưu, đảm bảo tính liên thông giữa các hệ thống. Đồng thời, các đơn vị cần đẩy mạnh công tác truyền thông, tập huấn, nhằm đảm bảo người dân và cán bộ làm quen với các hệ thống mới.
Các chuyên gia đều cho rằng, Kế hoạch liên tịch là bước tiến quan trọng trong việc xây dựng một hệ thống hành chính hiện đại, thống nhất và hiệu quả cho khu vực TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu sau hợp nhất. Với sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị và lộ trình triển khai rõ ràng, Kế hoạch không chỉ đảm bảo vận hành thông suốt mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới.
Đức Mỹ