Không nên quy định cứng về trích lập quỹ của doanh nghiệp

Không nên quy định cứng về trích lập quỹ của doanh nghiệp
4 giờ trướcBài gốc
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tham dự phiên thảo luận tại tổ. Ảnh: Hồ Long
Nâng mức chi ngân sách hàng năm cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo
ĐBQH Nguyễn Thành Trung (Yên Bái) tán thành với sự cần thiết xây dựng Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo; ghi nhận trong một thời gian ngắn, cơ quan chủ trì soạn thảo đã phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng dự thảo Luật bảo đảm chất lượng.
Dự thảo Luật đã kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về phát triển khoa học, công nghệ, nhất là thể chế Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Quang cảnh phiên thảo luận tại tổ 5. Ảnh: Hồ Long
Về ngân sách nhà nước cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo (Điều 60), đại biểu Nguyễn Thành Trung đề nghị chỉnh sửa khoản 1 Điều 60 để phù hợp với Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về việc “bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách hằng năm cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia và tăng dần theo yêu cầu phát triển”.
Cùng với đó, đại biểu lưu ý, ngay trong Kỳ họp này, Chính phủ đã có Tờ trình đề nghị ngân sách trung ương cần được cân đối, bổ sung khoảng 25 nghìn tỷ đồng, ngoài phần đã bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, để đạt mức bố trí 3% ngân sách trong năm 2025.
ĐBQH Nguyễn Tân Cương (Bình Dương) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Hồ Long
Cũng về nội dung này, ĐBQH Vương Quốc Thắng (Quảng Nam) đề nghị cân nhắc quy định tại điểm d, Điều 62 của dự thảo Luật về “tổ chức chủ trì được tự chủ sử dụng kinh phí khoán, trừ kinh phí chi mua tài sản trang bị để triển khai thực hiện nhiệm vụ, thuê dịch vụ thuê ngoài chưa có tiêu chuẩn, định mức và đoàn đi công tác nước ngoài”.
Nếu quy định loại trừ như dự thảo Luật sẽ căn cứ vào đâu để tổ chức chủ trì thực hiện chi đối với khoản này? Đặt vấn đề này, đại biểu Vương Quốc Thắng đề nghị, Ban soạn thảo nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để có quy định phù hợp hơn, bảo đảm tuân thủ nguyên tắc quản lý tài chính, song không gây ảnh hưởng đến hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Cân nhắc tăng tỷ lệ trích lập từ thu nhập tính thuế của doanh nghiệp
ĐBQH Nguyễn Thành Trung (Yên Bái) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Hồ Long
Về quỹ phát triển khoa học, công nghệ của doanh nghiệp (Điều 65), đại biểu Nguyễn Thành Trung nhận thấy, khoản 1, Điều 65 quy định “doanh nghiệp được phép trích tối đa 5% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiêp” là chưa phù hợp.
Bởi, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành và dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) được trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp này đều cho phép doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp được trích tối đa 10% thu nhập tính thuế hàng năm để lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ.
Luật hiện hành và dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) cũng quy định rõ thời hạn sử dụng quỹ, theo đó từ khi trích lập, nếu doanh nghiệp không sử dụng hay không sử dụng hết 70% quỹ, sử dụng không đúng mục đích thì doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp phải nộp ngân sách phần thuế thu nhập tính trên khoản thu nhập trích lập quỹ, cộng với phần lãi phát sinh.
Do đó, đại biểu cho rằng, dự thảo Luật chỉ nên quy định nguyên tắc cho việc lập quỹ phát triển khoa học, công nghệ, các căn cứ thực hiện theo quy định liên quan ở Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.
Cùng quan điểm này, Tổng Tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, ĐBQH Nguyễn Tân Cương (Bình Dương) đề nghị, Ban soạn thảo cần nghiên cứu quy định cho phép doanh nghiệp được trích từ 10 – 15% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập quỹ.
ĐBQH Vương Quốc Thắng (Quảng Nam) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Hồ Long
Bởi, bên cạnh yêu cầu thống nhất với mục tiêu được Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị xác định, quy định liên quan tại Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt nhằm tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã quy định rõ “trong thời gian chuẩn bị và thực hiện dự án sản xuất chip bán dẫn, hằng năm được trích lập cao hơn 10% nhưng tối đa không quá 20% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp cho Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp để bổ sung cho dự án”.
Đồng thời, đại biểu Nguyễn Tân Cương cũng đề nghị, Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 65 của dự thảo Luật liên quan đến về mục đích sử dụng quỹ, tránh giới hạn mục đích sử dụng quỹ trong mua sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; thực hiện mua bán, sáp nhập, đầu tư hoặc cùng đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo như hiện nay.
Về phân chia lợi nhuận từ thương mại hóa kết quả nhiệm vụ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo sử dụng ngân sách nhà nước (Điều 28), ĐBQH Dương Văn Phước (Quảng Nam) nhận thấy, quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 28 về “thưởng cho tác giả kết quả nhiệm vụ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo tối thiểu 30% lợi nhuận thu được từ việc cho thuê, bán, chuyển nhượng, chuyển giao quyền sử dụng kết quả” là chưa phù hợp.
Đại biểu cho rằng, không nên quy định cứng về tỉ lệ thưởng, nên quy định theo hướng thỏa thuận, thống nhất trong hợp đồng giữa các bên với nhau từ quá trình nghiên cứu đến việc thương mại hóa kết quả nhiệm vụ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo sử dụng ngân sách nhà nước.
Về thu nhập được miễn thuế, dự thảo Luật đã sửa đổi Điều 4 của Luật Thuế thu nhập cá nhân theo hướng các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công từ thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo có sử dụng ngân sách nhà nước là các khoản thu nhập không chịu thuế thu nhập cá nhân.
Tán thành với sửa đổi này, song đại biểu Nguyễn Tân Cương cho rằng, nếu chỉ miễn thuế thu nhập cá nhân cho các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công từ thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo có sử dụng ngân sách nhà nước thì sẽ tiếp tục tập trung sử dụng “bầu sữa mẹ” từ ngân sách nhà nước, không khuyến khích các cá nhân nghiên cứu khoa học.
Nhấn mạnh khi nghiên cứu khoa học thành công sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, đại biểu Nguyễn Tân Cương đề nghị, cần miễn thuế thu nhập cá nhân chung cho thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Thanh Hải
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/khong-nen-quy-dinh-cung-ve-trich-lap-quy-cua-doanh-nghiep-10371507.html