Chiều 6/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về 3 dự án luật: Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi). Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh chủ trì phiên thảo luận.
Có cơ chế thu hút, đãi ngộ cán bộ nghiên cứu khoa học
Thảo luận tại tổ, các đại biểu khẳng định sự cần thiết ban hành Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm xây dựng hành lang pháp lý thuận lợi, tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, thể chế hóa kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và tiến gần tới thông lệ quốc tế.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Trần Đình Gia phát biểu thảo luận.
Đại biểu cho rằng, cần làm rõ vai trò, ý nghĩa, nội dung và giá trị pháp lý của chiến lược, kế hoạch tổng thể phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; tránh làm gia tăng thủ tục hành chính, gây chồng chéo hoặc chậm trễ trong triển khai chủ trương, chính sách. Bổ sung quy định về quản lý và giám sát sử dụng nguồn lực, trong đó quy định về thiết lập hệ thống theo dõi, đánh giá đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên toàn quốc.
Đồng thời, rà soát, bổ sung cơ chế đầu tư, tài chính thuận lợi để huy động nguồn lực xã hội như hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; cơ chế hợp tác công tư, đầu tư công - quản trị tư, đầu tư tư - sử dụng công; cơ chế sử dụng tài sản công để hỗ trợ khu vực tư nhân thực hiện các nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) cho rằng, cần quan tâm công tác thông tin tuyên truyền các bên liên quan về trách nhiệm quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Các đại biểu đoàn Hà Tĩnh đề xuất bổ sung các quy định đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính, tài chính trong hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; quy định rõ hơn về tiêu chuẩn, trình độ công nhận kỹ sư trẻ tài năng; cơ chế đãi ngộ dành cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu, đặc biệt là những người tham gia nghiên cứu cơ bản - lĩnh vực có tính nền tảng và lâu dài. Xây dựng chương trình đào tạo nhân lực nghiên cứu trình độ cao và kỹ năng công nghệ mới; cơ chế thu hút nhà khoa học, chuyên gia quốc tế và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài tham gia các chương trình, dự án, đề án, nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo mang tầm chiến lược.
Phân công rõ trách nhiệm quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa
Các đại biểu nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa thực hiện hiệu quả các cam kết thương mại tự do; khắc phục bất cập của các quy định hiện hành; kiểm soát chất lượng hàng hóa, bảo vệ khách hàng và xã hội, minh bạch hóa hoạt động sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh của doanh nghiệp; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Các đại biểu đề nghị bổ sung quy định phân cấp quyền hạn cho đoàn kiểm tra và kiểm soát viên chất lượng, cho phép quyết định xử lý bước đầu đối với các trường hợp vi phạm rõ, dư luận quan tâm; cơ chế báo cáo nhanh, sử dụng công nghệ thông tin để rút ngắn thời gian truyền đạt thông tin và xử lý vụ việc; quy định về cho phép kiểm tra, xử lý linh hoạt các tình huống đặc biệt, đảm bảo hiệu quả thực thi nhưng vẫn kiểm soát được trách nhiệm pháp lý.
Đại biểu Trần Quốc Nam (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận) phát biểu thảo luận.
Quy định chế độ đặc thù đối với đội ngũ kiểm soát viên chất lượng; mở rộng quyền hạn của kiểm soát viên chất lượng, cho phép xử phạt hành chính đối với một số hành vi vi phạm; lộ trình đào tạo, chuyển ngạch, bổ nhiệm, đảm bảo duy trì và phát triển nguồn nhân lực.
Các đại biểu đoàn Hà Tĩnh nhấn mạnh, cần bổ sung phòng thử nghiệm trọng tài để phục vụ công tác khiếu nại của các tổ chức, cá nhân đối với công tác lấy mẫu, kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa; xác định rõ trách nhiệm bảo mật, quyền truy cập, quy mô dữ liệu trong hộ chiếu số sản phẩm. Phân công rõ trách nhiệm quản lý chất lượng giữa các ngành, đảm bảo rõ, thống nhất từ trung ương đến địa phương; phân công quản lý theo chuỗi sản phẩm để gắn trách nhiệm quản lý, không phân chia quản lý theo từng công đoạn.
Tăng cường hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ an ninh hạt nhân
Thảo luận về dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), các đại biểu đoàn Hà Tĩnh nhấn mạnh việc sửa đổi luật góp phần thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về đổi mới cơ chế, chính sách đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển ứng dụng công nghệ hạt nhân; phát triển nguồn nhân lực và tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước, thanh sát hạt nhân, bảo vệ an ninh hạt nhân.
Đại biểu đề nghị nghiên cứu, bổ sung chính sách trong hợp tác quốc tế, chính sách đối với người giảng dạy, đào tạo trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Quy định chính sách cụ thể về phát triển điện hạt nhân làm cơ sở xây dựng, triển khai các kế hoạch, chương trình, nhiệm vụ hướng tới mục tiêu nội địa hóa và làm chủ công nghệ điện hạt nhân của Việt Nam.
Cùng với đó, cần quy định rõ vai trò của cơ quan pháp quy hạt nhân quốc gia, mối quan hệ giữa các cơ quan pháp quy hạt nhân với các bộ, ngành liên quan; trách nhiệm cụ thể của các cơ quan theo lĩnh vực chuyên môn phụ trách trong việc lựa chọn địa điểm, quá trình thi công vận hành điện hạt nhân cũng như giám sát, kiểm tra công trình và vận hành nhà máy.
Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng phát biểu kết thúc buổi thảo luận tổ.
Phát biểu kết thúc tổ thảo luận, Trưởng đoàn ĐBQH Hoàng Trung Dũng đề xuất bổ sung quy định phát triển công nghiệp phụ trợ và kinh tế tư nhân trong phát triển năng lượng nguyên tử và điện hạt nhân. Đồng thời quy định rõ thẩm quyền thẩm định công nghệ, an toàn bức xạ, an toàn và an ninh nhà máy điện hạt nhân, quy định về quy trình thực hiện hoạt động thanh sát hạt nhân của các bộ, ngành.
Đình Trọng - Thúy An