Cuộc họp kéo dài hơn 4 giờ diễn ra tại Cung điện Diriyah của hoàng gia Arab Saudi, thủ đô Riyadh, ngày 18/2. Đây là cuộc gặp chính thức cấp cao đầu tiên giữa Nga và Mỹ kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt nổ ra đầu năm 2022.
Ngoại trưởng Nga - Mỹ gặp nhau trước thềm đàm phán chấm dứt xung đột Ukraine. Ảnh: CNN
Khôi phục các phái Bộ Ngoại giao
Một trong những nội dung quan trọng của cuộc gặp là nỗ lực tái thiết quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Nga vốn đã xuống mức thấp nhất kể từ sau "chiến tranh lạnh". Dẫn đầu phái đoàn Mỹ là Ngoại trưởng Marco Rubio, trong khi phía Nga do Ngoại trưởng Sergey Lavrov chủ trì.
Hai bên đồng ý thành lập các nhóm chuyên trách để khôi phục nhân sự tại đại sứ quán của mỗi nước ở Moscow và Washington sau khi hàng loạt nhân viên ngoại giao bị trục xuất trong các động thái trả đũa lẫn nhau.
Cuộc đối thoại diễn ra chỉ một tuần sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đây cũng là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa các quan chức ngoại giao hàng đầu hai nước kể từ khi cựu Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hội đàm với Ngoại trưởng Sergey Lavrov tại Geneva vào tháng 1/2022, nhưng không thể ngăn chặn xung đột tại Ukraine.
Sau cuộc họp, Ngoại trưởng Sergey Lavrov cho biết hai bên đã thống nhất nhanh chóng bổ nhiệm đại sứ mới và thảo luận về việc dỡ bỏ các rào cản đối với hoạt động của đại sứ quán và các cơ quan ngoại giao khác.
Ngoại trưởng Rubio cũng tuyên bố rằng, Nga và Mỹ đã đồng ý khôi phục số lượng nhân viên ngoại giao trước đây tại các đại sứ quán tương ứng của họ ở Moscow và Washington sau nhiều năm cắt giảm ngoại giao.
Ông Rubio từ chối bình luận về việc Mỹ có tiếp tục theo đuổi các biện pháp trừng phạt trước đây hay không, nhưng khẳng định: "Không thể đạt được thỏa thuận hòa bình tại Ukraine nếu không có sự đối thoại ngoại giao".
Tiếp tục thảo luận về xung đột Ukraine
Một nội dung quan trọng khác trong cuộc gặp là việc thành lập các nhóm làm việc cấp cao để tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột tại Ukraine. Mặc dù thời gian nhóm họp đầu tiên chưa được công bố nhưng cả hai bên đều khẳng định quá trình này sẽ diễn ra sớm.
Vấn đề lãnh thổ và đảm bảo an ninh là hai điểm then chốt trong các cuộc thảo luận. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Mike Waltz cho biết những vấn đề này sẽ được đưa vào chương trình nghị sự trong các vòng đàm phán tiếp theo.
Ngoài ra, Nga đã nhấn mạnh lại quan điểm rằng không chấp nhận binh sĩ từ các quốc gia NATO tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình ở Ukraine. Ông Lavrov cho biết: "Việc đưa quân đội từ các nước NATO, dù là dưới tên gọi của EU hay của quốc gia riêng biệt, sẽ không có tác dụng gì và chúng tôi chắc chắn không chấp nhận điều đó".
Không có đại diện của Ukraine hoặc các nước châu Âu nào tham gia cuộc đàm phán tại Riyadh. Tuy nhiên, giới chức Mỹ khẳng định không có ý định loại họ khỏi quá trình hòa đàm.
"Không ai bị gạt ra ngoài. Sẽ có sự tham gia và tham vấn với Ukraine, các đối tác châu Âu và các bên liên quan khác. Nga vẫn là một bên không thể thiếu trong tiến trình này", ông Rubio nói.
Mở cơ hội hợp tác mới?
Kirill Dmitriev, Giám đốc Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga, người tham gia đoàn đàm phán của Moscow cho biết, Nga và Mỹ có thể hợp tác trong lĩnh vực năng lượng.
"Chúng tôi cần các dự án chung, bao gồm cả ở Bắc Cực và các khu vực khác", ông nói.
Ngoại trưởng Rubio nhận định nếu hai bên có thể tìm ra giải pháp hòa bình cho Ukraine, điều đó có thể mở ra "các cơ hội hợp tác đáng kể" giữa Mỹ và Nga trong tương lai. Tuy nhiên, ông không đưa ra chi tiết về những lĩnh vực hợp tác có thể diễn ra.
Cuộc đàm phán tại Riyadh đánh dấu một bước tiến trong nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng giữa hai cường quốc, song vẫn còn nhiều thách thức trong việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình bền vững cho Ukraine.
Cùng với đó, các cuộc điện đàm giữa hai Tổng thống và hai Ngoại trưởng Nga và Mỹ đã đánh dấu một bước chuyển động đáng chú ý, có thể mở ra một giai đoạn mới, dù là hợp tác hay tiếp tục đối đầu, trong quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới. Những diễn biến tiếp theo trong quan hệ Nga - Mỹ sẽ phụ thuộc nhiều vào cách hai bên xử lý các vấn đề cốt lõi như Ukraine chính sách trừng phạt và sự cạnh tranh địa chính trị toàn cầu.
Cuộc gặp được tổ chức sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Putin vào hôm 12/2, đánh dấu cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa các quan chức Mỹ và Nga với mục đích chấm dứt chiến tranh Nga - Ukraine kể từ tháng 2/2022.
Cả hai bên dự kiến sẽ đặt nền tảng để tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai tại Riyadh. Cả Washington và Moskva đều loại trừ sự tham gia của Ukraine và châu Âu ở giai đoạn đầu này, khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố không công nhận kết quả do Kiev không tham gia.
Cao Nhung dịch (theo AP News, Washington Post)