Tổng thống lâm thời Syria Ahmad Al Sharaa (giữa) và Bộ trưởng Quốc phòng Murhaf Abu Qasra (trái) tại Damascus, ngày 21/12/2024. Ảnh: Reuters/TTXVN
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Washington Post, ông Murhaf Abu Qasra cho biết: "Mọi người đều đang chờ ông Trump lên nắm quyền, và vấn đề này cần có thời gian giữa chính quyền Mỹ và chính quyền Syria mới". Ông nói thêm rằng vấn đề Mỹ có còn duy trì sự hiện diện quân sự ở vùng Đông Bắc của đất nước hay không vẫn đang được đàm phán.
Theo hãng tin TASS, hiện nay, lực lượng người Kurd do phía Mỹ hậu thuẫn đang kiểm soát khoảng 25% lãnh thổ Syria, bao gồm hầu hết các tỉnh Raqqa và Al-Hasakah, cũng như phần Đông Bắc của tỉnh Deir ez-Zor - nơi có nhiều mỏ dầu. Kể từ năm 2015, Mỹ đã thiết lập ít nhất 9 căn cứ quân sự tại các khu vực do Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo kiểm soát.
Vào ngày 5/2, kênh truyền hình NBC trích dẫn 2 quan chức Mỹ đưa tin rằng Lầu Năm Góc đang xây dựng kế hoạch rút toàn bộ quân đội Mỹ khỏi Syria. Theo kênh truyền hình này, Tổng thống Mỹ Donald Trump và các quan chức thân cận của ông gần đây đã bày tỏ mong muốn rút quân đội Mỹ khỏi Syria. Bản thân nhà lãnh đạo Mỹ đã nói với các phóng viên tại Nhà Trắng rằng Washington không được can thiệp vào công việc của Syria.
Trước đó, vào cuối tháng 11/2024, lực lượng đối lập vũ trang ở Syria đã phát động một cuộc tấn công quy mô lớn và thành công lật đổ chính quyền của Tổng thống Assad - được phía Nga ủng hộ, hậu thuẫn. Lực lượng đối lập đã thành lập một chính phủ lâm thời do ông Mohammed al-Bashir đứng đầu và giai đoạn chuyển tiếp lâm thời này được cho là sẽ kéo dài đến ngày 1/3/2025. Vừa qua, ngày 29/1, ông Ahmed al-Sharaa, thủ lĩnh của nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS), đã được lựa chọn để giữ chức Tổng thống lâm thời của Syria trong thời kỳ chuyển tiếp.
Một trong những cường quốc quân sự hàng đầu cũng đang đàm phán để tìm kiếm vị thế cụ thể cho những căn cứ của mình tại Syria là Nga. Trên danh nghĩa, Nga đang duy trì 2 căn cứ quân sự chiến lược tại Syria bao gồm căn cứ hải quân Tartus và căn cứ không quân Hmeimim. Đây được xác định là những cơ sở quan trọng giúp Nga duy trì ảnh hưởng tại không chỉ Syria mà còn là bàn đạp cho các hoạt động của Moskva tại châu Phi và các khu vực kề cận.
Cách đây khoảng 1 tuần, một phái đoàn các nhà ngoại giao Nga đã đến Damascus để tham dự một hội nghị thượng đỉnh, với nhiệm vụ quan trọng là đặt nền móng cho việc Nga duy trì các căn cứ quân sự của mình ở Syria, sau sự sụp đổ của chính quyền cựu Tổng thống Assad - đồng minh của Nga.
Các cuộc đàm phán diễn ra sau đó cũng như những cuộc đàm phán đầu tiên giữa Moskva và Damascus kể từ khi chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài gần 14 năm, đã kết thúc mà không có kết quả. Nhưng đây được đánh giá cho sự khởi đầu của các cuộc đàm phán kéo dài về vai trò của Nga ở Syria sau chiến tranh. Một quá trình được đánh giá là rất khó khăn, bất lợi cho phía Nga khi hai bên còn nhiều bất đồng trong các điều kiện đàm phán cũng như Nga được đánh giá là bên yếu thế hơn.
Bình Thanh/Báo Tin tức (Theo TASS)