Đồng chí Nguyễn Văn Châu (thứ 4 từ phải qua) - Bí thư Huyện ủy Đam Rông kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ rừng
Thông tin từ UBND huyện Đam Rông cho thấy, hiện nay, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp của huyện là hơn 69 ngàn ha. Trong đó, diện tích đất có rừng là trên 55 ngàn ha gồm: Trên 49 ngàn ha rừng tự nhiên và hơn 6 ngàn ha rừng trồng. Độ che phủ rừng 63,61%. Đam Rông có nhiều diện tích rừng giáp ranh với hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông; một bộ phận lớn bà con dân tộc thiểu số các tỉnh phía Bắc di cư tự do vào địa bàn và cư trú trái phép trong các tiểu khu thuộc rừng phòng hộ. Bởi vậy, công tác quản lý, bảo vệ, phòng, chống cháy rừng trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn.
Theo đồng chí Trần Đức Bắc - Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông, trong năm 2024, các lực lượng đã phát hiện, lập biên bản 11 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, diện tích thiệt hại 57.865 m2, lâm sản thiệt hại 146,93 m3. So với cùng kỳ năm 2023, số vụ vi phạm giảm 3 vụ, tương đương giảm 21,43%; diện tích rừng thiệt hại giảm 10.035 m2, tương đương giảm 14,78%; lâm sản thiệt hại giảm 270,9 m3, tương đương giảm 64,84%. Đến nay, các cơ quan, đơn vị đã xử lý 10/11 vụ, đạt tỷ lệ 91%; trong đó, xử lý hình sự 6 vụ, xử lý hành chính 4 vụ, 1 vụ đang trong quá trình điều tra. Thu nộp ngân sách hơn 208 triệu đồng; tang vật tịch thu 127,5 m3 gỗ. Bên cạnh đó, công tác tuần tra, truy quét, giải tỏa diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, tái lấn chiếm cũng được thực hiện thường xuyên, quyết liệt, kết quả đã giải tỏa được 164,07 ha.
Có thể thấy, công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Đam Rông đã có nhiều chuyển biến, đạt kết quả tích cực, số vụ vi phạm, diện tích, khối lượng lâm sản thiệt hại có chiều hướng giảm qua từng năm. Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế và tiềm ẩn nguy cơ xảy ra gây thiệt hại đến rừng, đất lâm nghiệp. Cụ thể, tình trạng phá rừng, khai thác rừng, “gặm nhấm” đất rừng, ken cây, lấn chiếm và tái lấn chiếm đất lâm nghiệp để cơi nới, mở rộng diện tích canh tác nương rẫy, cháy rừng vẫn còn diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, công tác phát triển rừng tuy đã được quan tâm, triển khai thực hiện nhưng diện tích rừng trồng mới, rừng đủ tiêu chí thành rừng chuyển giai đoạn còn thấp so với kế hoạch, chỉ tiêu đã đề ra hàng năm…
Nguyên nhân chủ yếu của những vấn đề trên được huyện Đam Rông xác định do nhận thức, ý thức và trách nhiệm của một số cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và một bộ phận người dân về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng chưa đầy đủ, vì lợi ích kinh tế trước mắt, chưa coi trọng phát triển bền vững, thiếu quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát; công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về công tác quản lý, bảo vệ rừng chưa thật sự hiệu quả...Để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, ngay từ đầu năm 2025, đồng chí Nguyễn Văn Châu - Bí thư Huyện ủy Đam Rông đã ký ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn huyện. Bí thư Huyện ủy Đam Rông yêu cầu HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội huyện, các tổ chức cơ sở đảng, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong quản lý, bảo vệ rừng.
Cụ thể, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt các chỉ thị, kết luận, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhất là Nghị quyết số 06 ngày 10/12/2021 của Huyện ủy “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”.
Công tác quản lý, bảo vệ rừng là trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, địa phương. Bởi vậy các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội coi đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng đã được xác định trong các nghị quyết của Đảng, kế hoạch, đề án của tỉnh và của huyện có liên quan. Trên cơ sở nhiệm vụ chung, các đơn vị, địa phương cũng triển khai các giải pháp phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương để đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng của từng đơn vị, địa bàn.
Lãnh đạo huyện Đam Rông nhấn mạnh việc: Người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, địa phương phải chịu trách nhiệm chính đối với các vụ phá rừng, cháy rừng, mất rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp thuộc phạm vi lĩnh vực, địa bàn mình quản lý hoặc để cho các tổ chức, cá nhân cấp dưới vi phạm các quy định pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng.
Với những giải pháp cụ thể được xác định trên, các đơn vị, địa phương thuộc huyện Đam Rông đã khẩn trương triển khai quyết liệt các nhiệm vụ về quản lý, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng ngay từ những ngày đầu năm 2025, nhất là trong thời gian nghỉ Tết Ất Tỵ.
NGỌC NGÀ