Mới đây, một đoạn clip so sánh hai màn trình diễn Tay trái chỉ trăng (Tát Đỉnh Đỉnh) và Bóng Phù Hoa (Phương Mỹ Chi) đang nhận được sự quan tâm và bàn luận mạnh mẽ trên nền tảng TikTok. Điều khiến video gây chú ý không chỉ là sự đối chiếu giữa hai giọng ca đến từ hai quốc gia, mà còn nằm ở cách phân tích sâu sắc về kỹ thuật thanh nhạc - một khía cạnh vốn ít được bàn luận rộng rãi trong cộng đồng nghe nhạc phổ thông.
Theo video, Tay trái chỉ trăng là một bản nhạc đòi hỏi sự kiểm soát hơi thở tinh tế và khả năng xử lý legato (kỹ thuật hát liền mạch) mượt mà. Tát Đỉnh Đỉnh sử dụng kỹ thuật luyến nốt kết hợp dynamic control (kiểm soát cường độ âm thanh) để tạo nên sự thăng trầm uyển chuyển, đồng thời khai thác head voice đầy nội lực, với đoạn cao trào đạt tới nốt F5 và một đoạn melisma (kỹ thuật chạy nốt) lên tới B5. Những kỹ thuật này yêu cầu độ chính xác tuyệt đối về cao độ và khả năng kiểm soát hơi thở ở mức cao, nếu không sẽ dễ tạo cảm giác chênh, mỏng hoặc hụt hơi.
Ở chiều ngược lại, Bóng Phù Hoa do Phương Mỹ Chi thể hiện trên sân khấu Sing! Asia 2025 cũng không hề kém cạnh về độ trúc trắc. Dù cùng sử dụng legato và dynamic control như Tát Đỉnh Đỉnh, nhưng điểm khác biệt là Phương Mỹ Chi đan xen các chuyển giọng phức tạp, từ soft voice sang head voice, đồng thời thể hiện vocal runs (kỹ thuật chạy nốt nhanh) trên nền head voice - một thử thách mà không phải ca sĩ trẻ nào cũng dám chạm tới.
Đặc biệt, đoạn feel cao trào trong Bóng Phù Hoa được ước tính kéo dài gấp đôi so với Tay trái chỉ trăng, với đỉnh nốt F6 là một "vách đá kỹ thuật" khiến nhiều người bất ngờ vì sự liều lĩnh của Phương Mỹ Chi.
Điểm thú vị là cả hai ca khúc đều mang trong mình những trúc trắc riêng biệt, không thể so đo đơn thuần bằng độ cao nốt hay độ dài của đoạn feel. Nếu Tay trái chỉ trăng thử thách sự mềm mại, khả năng giữ hơi và luyến mượt theo phong cách Á Đông cổ phong, thì Bóng Phù Hoa lại thiên về kiểm soát chuyển biến âm sắc, cảm xúc nội tại và độ bền hơi trong khoảng âm vực cực rộng. Điều đó đặt ra yêu cầu rằng người thể hiện không chỉ cần giọng hát đẹp mà còn phải có nền tảng thanh nhạc vững vàng, hiểu rõ bản chất từng kỹ thuật để vận dụng đúng chỗ, đúng cảm xúc.
Sau khi lan truyền, đoạn clip nhanh chóng châm ngòi cho một cuộc tranh luận sôi nổi. Nhiều ý kiến cho rằng Tay trái chỉ trăng được yêu thích một phần nhờ chất giọng trong veo, cổ phong đặc trưng của Tát Đỉnh Đỉnh, nhưng về mặt thuần kỹ thuật thì không quá "khó nhằn" với những giọng ca được đào tạo bài bản. Ngược lại, phần thể hiện của Phương Mỹ Chi được đánh giá là "đầy mạo hiểm", nhất là trong bối cảnh một nghệ sĩ trẻ Việt Nam bước ra sân chơi châu lục, phải trình diễn một bài hát vừa phức tạp về giai điệu, vừa nặng về diễn cảm.
Cư dân mạng vẫn không ngừng tranh luận về ca khúc của Phương Mỹ Chi và Tát Đỉnh Đỉnh.
Sự so sánh vô tình trở thành cơ hội để nhìn nhận lại hành trình tiến hóa của Phương Mỹ Chi từ cô bé dân ca năm nào, nay đã có thể đứng ngang hàng với các tên tuổi lớn quốc tế, không chỉ bằng bản sắc âm nhạc Việt mà còn bằng kỹ thuật vững vàng và tinh thần học hỏi không ngừng.
Trong khi đó, Tát Đỉnh Đỉnh vẫn giữ vững đẳng cấp của một ca sĩ cổ phong hàng đầu Hoa ngữ - người có khả năng tạo nên những khoảnh khắc đậm chất điện ảnh chỉ bằng chính giọng hát của mình.