Tri Thức - Znews trích dịch bài phỏng vấn tiến sĩ người Canada Darrell Bricker trên Chosun về vấn đề tỷ lệ sinh của Hàn Quốc. Ông là đồng tác giả cuốn sách “Empty Planet: The Shock of Global Population Decline” (tạm dịch: Hành tinh trống rỗng: Cú sốc của sự suy giảm dân số toàn cầu) kiêm Giám đốc điều hành công ty nghiên cứu Ipsos Public Affairs.
Yoo Soo-yeon (23 tuổi), Park Ji-hoe (24 tuổi) và Shim Soo-jin (23 tuổi) đều tốt nghiệp Đại học Quốc gia Seoul danh giá bậc nhất Hàn Quốc.
Đầy tham vọng và thông minh, cả 3 chú tâm học hành để có công việc đáng mơ ước sau khi ra trường. Họ không nghĩ nhiều về hôn nhân.
“Bố khuyến khích tôi không kết hôn. Ông dặn tôi nếu quá khó để tìm được người đàn ông phù hợp, thà cứ ở một mình”, Soo-yeon nói. “Nếu kết hôn, tôi chỉ muốn có một đứa con”, cô chia sẻ thêm.
Những người khác đồng tình. Họ có thể không sinh con hoặc chỉ có một, không vượt hơn.
Đây là những nhân vật xuất hiện trong cuốn sách Darrell Bricker viết cùng nhà báo John Ibbitson, xuất bản năm 2019.
5 năm đã trôi qua, tình hình ở Hàn Quốc thậm chí còn trở nên tồi tệ hơn mặc dù đất nước đã cảnh báo về tình trạng già hóa dân số và thực hiện các biện pháp khác nhau.
Cuốn sách nhấn mạnh phụ nữ Hàn Quốc chỉ hy vọng có một con, thấp hơn tỷ lệ sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ). Ngay cả khi ngày càng có nhiều người ủng hộ hôn nhân và sinh con, dân số xứ sở kim chi chắc chắn giảm.
“Mọi người muốn nhìn nhận vấn đề tỷ lệ sinh thấp là một sự thất bại của thị trường, nhưng đó là một hiện tượng văn hóa. Chúng ta có thể làm chậm xu hướng này, nhưng không thể đảo ngược nó”, Bricker nói trong cuộc phỏng vấn trực tuyến được lược dịch dưới đây.
Phụ nữ Hàn Quốc không muốn sinh đẻ hoặc chỉ muốn có một con.
Đàn ông có lỗi?
Khi nhìn vào số liệu thống kê của Hàn Quốc từ 5 năm trước, điều gì sẽ xảy ra là khá rõ ràng. Chúng tôi muốn biết thêm lý do tỷ lệ sinh ở đất nước này suy giảm. Rõ ràng, ở khắp nơi trên thế giới, văn hóa đã thay đổi theo hướng: tham gia vào việc tạo ra thế hệ tiếp theo không còn là ưu tiên hàng đầu như trước.
Tôi không nghĩ John hay tôi, hoặc mọi người ở Hàn Quốc, biết rõ tình hình nghiêm trọng ra sao và sự suy giảm tăng tốc nhanh như thế nào kể từ khi chúng tôi viết cuốn sách.
Trong đó, có nhận định: “Một lý do khiến phụ nữ Hàn Quốc trì hoãn hôn nhân và làm mẹ: đàn ông Hàn Quốc”.
Những người đàn ông thuộc thế hệ Y (sinh năm 1981-1996) khẳng định họ tiến bộ hơn cha mẹ và sẵn sàng chia sẻ việc nhà, trách nhiệm nuôi dạy con cái. Thế nhưng, số liệu thống kê lại cho thấy một câu chuyện khác.
Đàn ông xứ củ sâm dành ít thời gian cho việc nhà, coi đây là “nghĩa vụ” của phụ nữ. Định kiến này kết hợp với hệ thống tiền lương bất lợi cho phụ nữ nghỉ thai sản, khiến họ khó có con hơn trong khi làm việc.
Hệ thống này trở nên trầm trọng hơn do chính sách chăm sóc trẻ em kém hoặc thiếu thốn của Hàn Quốc, khiến nó trở nên khắc nghiệt hơn nhiều so với các nước phát triển khác.
Đàn ông Hàn Quốc dành ít thời gian hơn cho việc nhà so với phụ nữ.
Chúng tôi đã trò chuyện với rất nhiều phụ nữ Hàn Quốc để tìm hiểu về vấn đề này. John phỏng vấn nữ sinh tại Đại học Quốc gia Seoul và hỏi họ: “Vì sao bạn lại trì hoãn việc lập gia đình?”.
Từ điều này, chúng tôi phát hiện thái độ của phụ nữ không thay đổi đáng kể ở Hàn Quốc, trong khi thái độ của nam giới cũng không biến chuyển nhanh chóng. Vai trò của nam giới trong việc chăm sóc trẻ em, đặc biệt là làm việc nhà và các nhiệm vụ khác giúp thúc đẩy hôn nhân và sinh con, vẫn là rào cản ngày càng tăng ở đất nước này.
Cách duy nhất để thay đổi văn hóa là khuyến khích nhiều người nói về điều đó hơn. Từ đấy, kỳ vọng đối với đàn ông sẽ thay đổi một cách tự nhiên. Điểm mấu chốt là liệu đàn ông có chọn tham gia giải quyết tỷ lệ sinh giảm hay không - một lựa chọn đi kèm với hậu quả rõ ràng nếu bị bỏ qua.
Tôi không nghĩ chúng ta nên đóng khung tỷ lệ sinh giảm là do hành vi của đàn ông Hàn Quốc gây ra. Đối với tôi, điều đó thiên về sự thay đổi kỳ vọng của phụ nữ Hàn Quốc và cách họ hình dung tương lai của mình.
Nhiều phụ nữ ngày nay đang bày tỏ quan điểm: “Tôi sẽ không sống theo cách của bà mình”, “Tôi muốn trở thành lãnh đạo doanh nghiệp” hoặc “Tôi sẽ sống cuộc sống theo cách riêng của mình”. Tư duy phát triển này đóng vai trò quan trọng trong việc định hình tỷ lệ sinh.
Cơ hội và thách thức
Quá trình đô thị hóa trao quyền cho phụ nữ và cung cấp nhiều khả năng tiếp cận giáo dục hơn. Điều này có liên quan chặt chẽ đến tỷ lệ sinh thấp hơn. Đó không phải hiện tượng duy nhất ở Hàn Quốc, mà đang xảy ra trên toàn thế giới.
Tôi mô tả sự suy giảm dân số trên quy mô toàn cầu như một thách thức hơn là thứ gì đó tích cực hoặc tiêu cực. Những thách thức này là chưa từng có, tương tự những gì châu Âu đã trải qua sau “Cái chết đen” (thảm họa dịch hạch cướp đi sinh mạng hàng trăm triệu người tại châu Âu và châu Á vào thế kỳ 14).
Trong hầu hết thế kỷ 20, sự gia tăng dân số là không đổi. Vì vậy, chúng ta chưa bao giờ nghiêm túc xem xét tác động của sự lão hóa nhanh chóng hoặc suy giảm dân số.
Bây giờ, sự suy giảm dân số mang đến cả cơ hội và mối đe dọa, nhưng thực tế là không thể phủ nhận. Nhiệm vụ phía trước là chuẩn bị cho điều đó. Một số người tin rằng sự suy giảm dân số sẽ không xảy ra, nhưng việc vượt qua suy nghĩ đó là rất quan trọng.
Việc cắt giảm chi phí nuôi con hay giảm sự phân biệt đối xử tại nơi làm việc với phụ nữ chỉ có thể làm chậm tốc độ suy giảm dân số.
Bất chấp những nỗ lực chống lại sự suy giảm dân số thông qua mọi sáng kiến có thể, kết quả đã được chứng minh là không hiệu quả. Mặc dù chúng ta có thể làm chậm tốc độ suy giảm, nhưng việc đảo ngược nó là không khả thi.
Tôi tin rằng điều này bắt nguồn từ một chẩn đoán sai cơ bản về vấn đề. Nhiều người coi sự suy giảm dân số là một sự thất bại của thị trường.
Ví dụ, một số ý kiến cho rằng việc giảm chi phí nuôi dạy con cái sẽ khuyến khích nhiều người có con hơn. Những người khác cho rằng việc giảm sự phân biệt đối xử tại nơi làm việc đối với các bà mẹ có thể khiến phụ nữ sinh nhiều con hơn.
Nhưng ngay cả khi chúng ta có thể đảm bảo việc nuôi dạy một đứa trẻ sẽ không tốn một xu nào và không có bất lợi nào tại nơi làm việc khi trở thành mẹ, liệu điều đó có thực sự dẫn đến việc phụ nữ có 3 con không?
Vấn đề cốt lõi mà chúng ta cần giải quyết là văn hóa. Mọi người không còn cảm thấy có nghĩa vụ phải có con nữa. Họ kết luận rằng các chi phí tài chính và cá nhân đơn giản là không đáng giá. Không còn nghĩa vụ nhận thức được để tạo ra thế hệ tiếp theo, thay vào đó, mọi người muốn sống khác đi.
Trong những thập kỷ tới, nhập cư có thể giúp bù đắp sự suy giảm dân số ở một mức độ nào đó. Tuy nhiên, ngay cả những quốc gia thu hút số lượng người nhập cư cao nhất cũng đang phải đối mặt với sự suy giảm dân số.
Ví dụ, Canada tiếp nhận nhiều người nhập cư từ Ấn Độ, Trung Quốc và Philippines, nhưng chỉ có Philippines duy trì tỷ lệ sinh cao hơn mức thay thế. Khi tầng lớp trung lưu của Ấn Độ tiếp tục mở rộng, đó có thể không còn là nguồn nhập cư đáng kể cho Canada.
Hiện tại, châu Phi là khu vực duy nhất có khả năng cung cấp số lượng lớn người nhập cư trong khi vẫn duy trì tỷ lệ sinh trên mức thay thế. Điều này đặt ra câu hỏi liệu Hàn Quốc có thể chào đón người nhập cư từ châu Phi hay không. Về mặt chính trị, tôi nghĩ điều này sẽ cực kỳ khó khăn.
Thiên Diệp
Ảnh: Reuters