Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu: Người Việt đầu tiên thành lập ngân hàng tại Mỹ

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu: Người Việt đầu tiên thành lập ngân hàng tại Mỹ
6 giờ trướcBài gốc
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu
Ông đã có nhiều năm kinh nghiệm làm ngành tài chính ngân hàng tại Mỹ, Đức và tại Việt Nam. Ông cũng là người Việt đầu tiên thành lập ngân hàng tại Mỹ và cũng là một trong những chuyên gia có nhiều ý kiến đóng góp tích cực cho việc phát triển ngành tài chính, ngân hàng Việt Nam. Ông còn từng là một giáo sư môn Aikido tại Mỹ.
Thành danh tại “xứ cờ hoa”
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu là cái tên quen thuộc trong giới kinh tế tài chính. Với mục tiêu phụng sự quê hương, từ khi trở về Việt Nam, ông đã có những đóng góp không hề nhỏ trong việc phát triển ngành tài chính, ngân hàng tại nước nhà.
Được biết, năm 1966, ông Nguyễn Trí Hiếu tốt nghiệp trường Trung học Trương Vĩnh Kỳ ở Sài Gòn. Sau đó, ông đi du học tại Tây Đức trong bối cảnh chiến tranh lạnh giữa 2 khối phương Tây và khối Xã hội Chủ nghĩa đang trong giai đoạn khốc liệt.
Đến năm 1975, khi cả 2 miền thống nhất và chiến tranh lạnh Việt Nam qua đi, ông chuẩn bị trở về Việt Nam sau khi du học. Tuy nhiên, ông đã quyết định ở lại Tây Đức học tiến sĩ.
Nguyễn Trí Hiếu tốt nghiệp Tiến sĩ ngành quản trị kinh doanh và chuyên ngành tài chính ngân hàng tại Đại học Đại học Ludwig Maximilians - Đức năm 1975. Từ năm 1980, ông sang Mỹ làm việc tại thành phố New York và sau đó ông về làm việc với nhiều ngân hàng tại thành phố Los Angeles, tiểu bang California.
Trong khoảng thời gian 3 năm từ năm 1995 - 1997 ông đã làm việc tại Việt Nam với tư cách là Phó Tổng Giám đốc ngân hàng Deutsche Bank (Đức), phụ trách kinh doanh tín dụng và các định chế tài chính.
Dù phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tinh thần kiên cường và những đóng góp của Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu vẫn để lại dấu ấn sâu sắc trong cộng đồng người Việt tại Mỹ.
Dù phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tinh thần kiên cường và những đóng góp của Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu vẫn để lại dấu ấn sâu sắc trong cộng đồng người Việt tại Mỹ.
Vì lý do gia đình ông đã quay lại Mỹ năm 1997 và làm việc cho một ngân hàng Do Thái ở Los Angeles. Sau nhiều năm vận động các nhà đầu tư trong cộng đồng người Việt, Hàn Quốc và Mỹ tại California và vượt qua nhiêu khó khăn trong việc xin giấy phép của tiểu bang California để thành lập một ngân hàng thương mại Ông đã thành công trong việc thành lập một ngân hàng của người Việt đầu tiên trên đất Mỹ. Vào năm 2005, ngân hàng First Vietnamese-American Bank (FVAB) với vốn huy động ban đầu là 30 triệu USD, ra đời và được Hạ Viện Mỹ tuyên dương như một thành công của Chính phủ Hoa Kỳ trong việc hỗ trợ sự phát triển của cộng đồng người Việt tại Mỹ. Năm 2006 hoạt động của ngân hàng bình thường. Nhưng không may vào năm 2007 – 2008 kinh tế Mỹ khủng hoảng và trở thành suy thoái toàn cầu, nguyên do bắt nguồn từ thị trường bất động sản. Ngân hàng của ông cho vay các cá nhân và doanh nghiệp trong địa hạt quận Cam (Orange County) trong đó có cho vay bất động sản. Khi thị trường đi xuống thì nợ khó đòi, nợ xấu ngày càng nhiều và có khả năng mất vốn đã phát sinh. Do vậy, đến năm 2009 Hội đồng quản trị đã quyết định bán FVAB cho Grand Point Bank ở Los Angeles.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu luôn ấp ủ khát vọng trở về cống hiến cho kinh tế quê hương.
Một lòng luôn hướng về quê hương
Mặc dù, đã gặt hái được những thành tựu và có cuộc sống ổn định tại Mỹ. Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu vẫn canh cánh trong lòng mong muốn trở về quê hương để đóng góp sức lực cho sự phát triển kinh tế nước nhà.
Năm 2009, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu quyết định về Việt Nam làm việc, bắt đầu hành trình cống hiến cho quê hương. Ông cũng là một trong những diễn giả uy tín tại nhiều diễn đàn với các chuyên đề trong lĩnh vực đầu tư bao gồm bất động sản, chứng khoán, vàng, hối đoái và ngân hàng. Tiến sĩ thường xuyên được Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch đầu tư và Ngân hàng nhà nước mời tham vấn về các vấn đề liên quan đến chính sách, kinh tế vĩ mô và ngành tài chính ngân hàng.
Từ ngày 24 tháng 03 năm 2010 đến ngày 21 tháng 04 năm 2013 ông là thành viên Hội đồng quản trị độc lập Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình và là thành viên Hội đồng quản trị độc lập Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (OCEANBANK) 27/4/2013. Ông cũng đã hổ trợ 6 ngân hàng khác tại Việt Nam với vai trò cố vấn cấp cao. Đến nay, ông đã có hơn 45 năm làm việc, quản lý trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng tại Mỹ và Việt Nam. Năm 2024 ông thành lâp Viện Nghiên cứu và Phát triển Thị trường tài chính và BĐS Toàn Cầu ở Hà Nội, tổ chức các lớp đào tạo tài chính và tư vấn doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu là người kiên trì, giản dị, và sống với nguyên tắc “không bao giờ bỏ cuộc”
Ngoài vai trò là tiến sĩ kinh tế, Nguyễn Trí Hiếu còn là một giáo sư môn Aikido. Những ngày đầu về Việt Nam, ông vẫn đến tập tại Võ đường Tenshinkai Hà Nội và TP HCM. Cho đến nay ông vẫn đều đặn tập luyện và dậy môn Aikido, mỗi tuần 3 ngày, bất kể mưa nắng, gió bão. Sự kiên trì trong việc luyện tập Aikido cũng thể hiện sự quyết tâm và kiên trì của ông trong đời thường và công việc. Ông có một nguyên tắc bất di bất dịch là “không bao giờ bỏ cuộc” và thực hiện mọi cam kết từ việc rất nhỏ đến việc đại sự.
Nguyễn Trí Hiếu hồi tưởng khi ông là một trong 5 thành viên Hội đồng quản trị của Ngân hàng cổ phần An Bình. Mặc dù, có mức thu nhập cao nhưng lối sống của ông lúc đó vẫn hết sức giản dị. Ông vẫn ở nhà thuê trong một ngõ hẻm phố Kim Mã, đi làm bằng taxi, có khi là xe ôm. Ông cho rằng ngồi trong chiếc xe Mecerdes hay ngồi trong taxi không khác gì nhau. Điều quan trọng mình không bị những ham muốn bản thân điều khiển, mình làm chủ được mình sau mỗi buổi tan sở, nếu không đi dạy Aikido, ông ở lại cơ quan đến 20h mới trở về nhà. Về đến nhà, ông lại tự nấu ăn.
“Tôi là người Công giáo, nhưng tham thiền mỗi ngày và xem thiền định như một con đường sống đưa bản thân tới sự giải phóng khỏi những buồn phiền, đau khổ đến từ thất bại và những yêu cầu của dục vọng. Đối với tôi các quan chức, các đại gia, những người có địa vị cao trong xã hội hay những người nghèo khó giá trị của họ đều ngang nhau. Tôi không bao giờ khinh chê ai và đối xử với mọi người trong sự chân thành, lòng yêu mến, ngay cả đối với những người bất đồng quan điểm với mình. Trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng tôi đưa ra những quan điểm khách quan và xây dựng. Tôi biết nhiều quan điểm của tôi không làm hài lòng nhiều thành phần kinh tế. Nhưng theo tôi, tôn trọng sự thật và tinh thần hướng thượng để đóng góp cho đất nước là “kim chỉ nam” cho mọi hành động và phán đoán của tôi”, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu tích cực mang tiếng nói của doanh nghiệp nhỏ và vừa đến Chính phủ, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn.
Bản thân ông thường xuyên tham gia các diễn đàn để mang tiếng nói của doanh nghiệp, đặc biệt là các Doanh nghiệp nhỏ và vừa đến Chính phủ. Trên nhiều diễn đàn, ông đã phản ánh những khó khăn thực tế của doanh nghiệp, từ đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho họ.
Với những nỗ lực trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, TS.Nguyễn Trí Hiếu đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải tặng Bằng khen năm 1997 vì những đóng góp cho sự phát triển của tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Bộ. Cá nhân ông cũng được vinh danh tại nhiều hội thảo, chương trình của Chính phủ. Gần đây nhất, nhân dịp Kỷ niệm 20 năm ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), ông vinh dự được tặng Giấy khen “Doanh nhân kiều bào tiêu biểu” của Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài TP.Hồ Chí Minh (thuộc Bộ Ngoại giao) trao tặng.
Lê Phương
Nguồn VHPT : https://vanhoavaphattrien.vn/tien-si-nguyen-tri-hieu-nguoi-viet-dau-tien-thanh-lap-ngan-hang-tai-my-a27678.html