Dàn tiêm kích Trung Quốc lộ diện, sẵn sàng ra mắt trong lễ duyệt binh

Dàn tiêm kích Trung Quốc lộ diện, sẵn sàng ra mắt trong lễ duyệt binh
7 giờ trướcBài gốc
Máy bay tiên tiến bay theo đội hình nhiều nơi ở Trung Quốc, bao gồm một số máy bay được xác định là chiến đấu cơ J-20A vào ngày 4/7. Ảnh: Weibo.
Hình ảnh mới nhất về tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm J-20A của Trung Quốc - còn được biết đến với biệt danh “Uy Long” - đang lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội nước này, làm dấy lên đồn đoán rằng loại máy bay chiến đấu tối tân này sẽ chính thức ra mắt tại lễ duyệt binh kỷ niệm 80 năm Chiến thắng Thế chiến II, diễn ra vào tháng 9 tới tại Bắc Kinh, theo SCMP.
Bộ ảnh được đăng tải hôm 4/7, cho thấy J-20A xuất hiện cùng với J-35 - một mẫu tiêm kích tàng hình thế hệ năm khác của Trung Quốc. Trong vài tuần qua, cư dân mạng nhiều lần ghi nhận các đội hình máy bay hiện đại bay qua bầu trời nhiều địa phương, trong đó có nhiều chiếc được xác định là J-20A.
Giới quan sát cho rằng lễ duyệt binh ngày 3/9 tới sẽ là dịp để Trung Quốc công bố nhiều khí tài quân sự mới, trong đó có các mẫu máy bay chưa từng xuất hiện trước công chúng.
Bước vào hàng ngũ chiến đấu cơ hàng đầu thế giới
Trước đó, vào tháng 9/2023, trang chuyên về quốc phòng The War Zone từng công bố bức ảnh rõ nét nhất về nguyên mẫu J-20A mang số hiệu 2052, sơn lớp sơn lót vàng đặc trưng, đang lăn bánh tại đường băng của Tập đoàn Hàng không Thành Đô - nơi sản xuất dòng chiến đấu cơ này.
Hình ảnh này được cho là bằng chứng xác thực cho những đồn đoán trước đó: J-20A đã được nâng cấp đáng kể, đặc biệt với việc trang bị động cơ phản lực WS-15 do Trung Quốc tự phát triển.
Loạt ảnh mới chia sẻ trong tuần qua cho thấy J-20A sở hữu cửa hút gió siêu thanh không tách lớp (DSI) được cải tiến, với các “gò nén” nhỏ hơn phiên bản trước - thiết kế tối ưu cho dòng khí động học tiên tiến của động cơ WS-15.
Kết cấu này không chỉ nâng cao khả năng tàng hình và khí động học, mà còn hỗ trợ động cơ hoạt động với tỷ số nén cao và lưu lượng khí lớn hơn.
Tiêm kích J-20A thế hệ trước với động cơ WS-10. Ảnh: Weibo/ wanquanfoto.
Ngoài ra, J-20A cũng được phát hiện có phần thân trên (spine) mở rộng, có thể dùng để chứa thêm nhiên liệu và thiết bị điện tử. Đáng chú ý nhất là hệ thống radar mảng pha chủ động (AESA) mới tích hợp trong máy bay, sử dụng chất bán dẫn silicon carbide do Trung Quốc tự sản xuất, giúp tăng đáng kể tầm quét và khả năng phát hiện mục tiêu.
Một đoạn video rò rỉ từ tháng 6/2023 cũng cho thấy nguyên mẫu này đã thực hiện chuyến bay thử đầu tiên vào thời điểm đó.
Theo thông tin rò rỉ, WS-15 có thể tạo lực đẩy lên tới 18,5 tấn khi bật buồng đốt lần hai, cho phép J-20A đạt khả năng siêu hành trình ở vận tốc Mach 1.8 mà không cần đốt sau, và đạt tốc độ tối đa từ Mach 2.5 đến 2.8, với bán kính chiến đấu vượt quá 2.000 km - vươn xa khỏi chuỗi đảo thứ nhất (một nhóm các đảo bao gồm Đài Loan, Okinawa và Philippines).
Những chỉ số này đưa WS-15 vào hàng các động cơ hàng đầu thế giới, sánh ngang thậm chí vượt F119 của F-22 (16 tấn lực đẩy) và F135 của F-35. Đây là bước nhảy vọt lớn so với các phiên bản J-20 trước đó vốn dùng động cơ nhập khẩu Nga AL-31F, vốn không đủ lực đẩy để đạt siêu hành trình - một tiêu chuẩn tối thiểu của tiêm kích thế hệ 5.
Kể từ năm 2019, Trung Quốc đã chuyển sang dùng WS-10C do hãng Thẩm Dương chế tạo cho các phiên bản J-20 sản xuất hàng loạt.
Mỹ lo ngại mất ưu thế trên không
Bên cạnh J-20A, Trung Quốc còn phát triển biến thể J-20S hai chỗ ngồi - chính thức ra mắt công chúng tại Triển lãm Hàng không Chu Hải 2024 cùng với mẫu J-35A.
Phiên bản này có thiết kế lại phần thân trước và đuôi lớn hơn, sử dụng động cơ WS-10C, và được cho là tối ưu hóa cho các nhiệm vụ đặc biệt như tác chiến điện tử hoặc chỉ huy chiến trường trên không.
Mô hình thu nhỏ của máy bay chiến đấu tàng hình hai chỗ ngồi J-20S được trưng bày tại hội trường triển lãm của Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) năm 2024. Ảnh: Yang Sheng/GT.
J-20S được đánh giá có thể hoạt động như một sở chỉ huy bay thu nhỏ, hỗ trợ điều phối các hệ thống radar, máy bay không người lái và các tiêm kích khác.
Phi công thứ hai trên J-20S nhiều khả năng sẽ đóng vai trò như quản lý tác chiến, chỉ huy các biên đội UAV như GJ-11 hay WZ-7 đột nhập không phận đối phương.
Trong các phiên điều trần gần đây tại Thượng viện Mỹ, nhiều quan chức cấp cao, bao gồm Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Bộ trưởng Không quân, đã lên tiếng cảnh báo về năng lực không quân ngày càng đáng gờm của Trung Quốc.
Các loại tiêm kích như J-20A và J-20S, cùng với công nghệ UAV và hệ thống tác chiến điện tử hiện đại, đang thách thức nghiêm trọng ưu thế không quân truyền thống của Mỹ trong khu vực.
Phương Linh
Nguồn Znews : https://znews.vn/dan-tiem-kich-trung-quoc-lo-dien-san-sang-ra-mat-trong-le-duyet-binh-post1566234.html