Các sản phẩm này phục vụ nhiệm vụ trinh sát, chỉ thị mục tiêu và tấn công chính xác, giúp lực lượng vận hành chủ động trong mọi tình huống. Tại triển lãm, gian trưng bày của Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (Viettel High Tech) có 3 loại UAV, bao gồm UAV trinh sát, UAV cảm tử và UAV đa năng. Tất cả các sản phẩm UAV này Viettel đều làm chủ công nghệ, tự nghiên cứu, phát triển và chế tạo trong nước 100%.
UAV trinh sát hạng nhẹ tầm trung VU-R70 tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024.
Trong đó, UAV trinh sát hạng nhẹ tầm trung VU-R70 nổi bật với khả năng giám sát linh hoạt cả ngày lẫn đêm, thời gian hoạt động kéo dài và tốc độ cao. Với sải cánh 3,1m, chiều dài 1,7m và trọng lượng cất cánh tối đa 26kg, VU-R70 có thể hoạt động liên tục trong 4,5 giờ và đạt tốc độ tối đa 120km/giờ. Hệ thống camera quang điện tử tích hợp cho phép quan sát ngày/đêm, đo xa bằng laser với độ phân giải HD. Công nghệ AI tích hợp trên hệ thống camera cũng cho phép VU-R70 tìm kiếm, phát hiện, nhận dạng mục tiêu tự động hoàn toàn, sau đó chỉ thị mục tiêu cho lực lượng hỏa lực và gửi thông tin về Sở chỉ huy theo thời gian thực. Đặc biệt, VU-R70 còn được trang bị khả năng cất cánh và hạ cánh hoàn toàn tự động theo phương thẳng đứng (VTOL), giúp tăng tính linh hoạt trong triển khai nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, UAV trinh sát hạng nhẹ tầm ngắn VU-R50 là phương tiện tối ưu cho các nhiệm vụ trinh sát nhanh và chính xác. Sở hữu sải cánh 3,2m, chiều dài 2,2m và cùng trọng lượng cất cánh tối đa 26kg, VU-R50 có thể hoạt động liên tục trong 3 giờ với tốc độ tối đa 120km/h. Giống như VU-R70, hệ thống camera quang điện tử của VU-R50 cũng được trang bị khả năng quan sát ngày/đêm, máy đo xa laser và cho hình ảnh độ phân giải cao. Thiết kế gọn nhẹ và khả năng hoạt động linh hoạt khiến VU-R50 trở thành công cụ giám sát hiệu quả trong các tình huống chiến thuật.
UAV cảm tử VU-C2
Đáng chú ý tại triển lãm lần này là sự hiện diện của UAV cảm tử (đạn tuần kích) VU-C2 với khả năng tấn công chính xác vào các mục tiêu chiến trường. VU-C2 được trang bị đầu đạn và đầu tự dẫn quang điện tử, tích hợp AI, cho phép tìm kiếm, phát hiện và khóa mục tiêu tự động hoàn toàn và tấn công mục tiêu khi có lệnh của người chỉ huy. Khí tài này có sải cánh 1,5m, chiều dài 1,1m và trọng lượng cất cánh tối đa 8kg, thời gian hoạt động liên tục 40 phút, đạt tốc độ tấn công mục tiêu tối đa lên đến hơn 130km/giờ. Toàn bộ hệ thống bao gồm máy bay và hệ thống phóng có khối lượng nhẹ, có thể tháo lắp nhanh giúp người lính dễ dàng triển khai mang vác và cơ động.
UAV trinh sát VU-QL1.
Mô hình UAV đa năng tầm xa VU-MALE, với khả năng hoạt động ở cự ly lớn và trong mọi điều kiện thời tiết.
Ngoài ra, Viettel còn giới thiệu mô hình UAV đa năng tầm xa VU-MALE với khả năng hoạt động ở cự ly lớn trong mọi điều kiện thời tiết và mang được nhiều loại khí tài tấn công và trinh sát tầm xa. Sản phẩm này thể hiện bước đột phá về công nghệ, mở ra các khả năng tác chiến hoàn toàn mới cho quân đội và tiềm năng phát triển của nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam trong tương lai.
UAV RAV-80 được giới thiệu với khả năng cất và hạ cánh thẳng đứng. Ảnh: TRUNG THÀNH
Tại khu trưng bày ngoài trời đối với các sản phẩm UAV do Việt Nam nghiên cứu và sản xuất, UAV RAV-80 được giới thiệu với khả năng cất và hạ cánh thẳng đứng, phù hợp cho các nhiệm vụ trinh sát, hỗ trợ chiến đấu, giám sát hạ tầng và tìm kiếm cứu nạn...
RAV-80 có sải cánh 2,5m, chiều dài 1,3m, chiều cao 0,2m và trọng lượng cất cánh tối đa 15kg. UAV này đạt tốc độ hành trình 80-100km/giờ, tốc độ tối đa 120km/giờ, với cự ly hoạt động 80km và thời gian bay liên tục tối đa là 150 phút. Trần bay tối đa của RAV-80 là 3.500m, được dẫn đường chính xác nhờ hệ thống GNSS và INS. Tích hợp các thiết bị hiện đại như hệ thống quang-ảnh nhiệt, thấu kính phản xạ, mồi nhiệt hồng ngoại, khói,... RAV-80 là minh chứng cho năng lực tự chủ trong nghiên cứu, sản xuất công nghiệp quốc phòng của Việt Nam, đáp ứng hiệu quả yêu cầu trong quân sự và dân sự.
UAV M400-CT2 được thiết kế làm mục tiêu bay cho huấn luyện và thử nghiệm vũ khí phòng không tầm trung, tầm gần. Ảnh: TRUNG THÀNH
Trong khi đó, UAV M400-CT2 được thiết kế làm mục tiêu bay cho huấn luyện và thử nghiệm khí tài, tên lửa phòng không tầm trung, tầm gần, đồng thời mô phỏng các nhiệm vụ tác chiến khác nhau.
Với sải cánh 3,2m, chiều dài 2,8m, chiều cao 1,1m và trọng lượng cất cánh tối đa 110kg, M400-CT2 có tải trọng hiệu quả tối đa 10kg. UAV này đạt tốc độ hành trình từ 200-220km/giờ, tốc độ tối đa 260km/giờ, thời gian hoạt động 120 phút và trần bay 3.500m. Hệ thống dẫn đường GNSS và INS bảo đảm khả năng vận hành chính xác, cùng khả năng cất, hạ cánh trên đường băng.
Ngoài ra, M400-CT2 có thể tích hợp thiết bị tùy chọn như hệ thống quang, ảnh nhiệt, thấu kính phản xạ, mồi nhiệt hồng ngoại, khói... Với tính năng linh hoạt và hiệu suất cao, M400-CT2 góp phần quan trọng trong công tác huấn luyện và nâng cao năng lực tác chiến của lực lượng phòng không - không quân Việt Nam, khẳng định sự phát triển của công nghiệp quốc phòng Việt Nam.
UAV DIS-18 cũng được thiết kế làm mục tiêu bay phục vụ huấn luyện, thử nghiệm và đánh giá hiệu quả của hệ thống vũ khí phòng không tầm trung và tầm xa. Ảnh: TRUNG THÀNH
Xuất hiện tại khu trưng bày ngoài trời, UAV DIS-18 cũng được thiết kế làm mục tiêu bay phục vụ huấn luyện, thử nghiệm và đánh giá hiệu quả của hệ thống khí tài, tên lửa phòng không tầm trung và tầm xa. DIS-18 sở hữu sải cánh 2,8m, chiều dài 3,1m, chiều cao 1,3m, trọng lượng cất cánh tối đa 102kg và tải trọng hiệu quả tối đa 5kg. UAV này đạt tốc độ hành trình 200-250km/giờ, tốc độ tối đa 360km/giờ, bán kính hoạt động 100km, thời gian bay 60 phút và trần bay 5.000m. Hệ thống dẫn đường GNSS và INS bảo đảm khả năng vận hành chính xác, cùng khả năng cất, hạ cánh trên đường băng.
Ngoài ra, DIS-18 còn được trang bị hệ thống quang, ảnh nhiệt, thấu kính phản xạ, mồi nhiệt hồng ngoại, khói... Với tính năng linh hoạt và hiệu suất cao, DIS-18 là minh chứng cho năng lực phát triển công nghệ quốc phòng Việt Nam, đáp ứng tốt nhiệm vụ huấn luyện và thử nghiệm vũ khí phòng không.
Clip mô tả hoạt động của UAV VU-R70.
Một sản phẩm khác cũng được giới thiệu tại triển lãm là dòng UAV đa nhiệm MMD-01, được thiết kế với khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau trong lĩnh vực quốc phòng và dân sự. UAV này sử dụng kết hợp động cơ điện và động cơ đốt trong, mang đến khả năng hoạt động linh hoạt, tiết kiệm nhiên liệu và phù hợp với nhiều môi trường tác chiến.
Những sản phẩm được mang tới triển lãm lần này không chỉ cho thấy năng lực nghiên cứu, phát triển của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ quốc phòng mà còn góp phần xây dựng lòng tin, thúc đẩy hòa bình, ổn định và hợp tác quốc phòng vì lợi ích chung của khu vực và quốc tế. Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024 hứa hẹn sẽ tạo nên một dấu ấn mạnh mẽ, khẳng định thông điệp về sự chủ động và tiềm lực quốc phòng ngày càng lớn mạnh của Việt Nam.