Tham dự chương trình về phía Đảng ủy Bộ Công Thương có bà Hà Mai Anh - Phó Ban thường trực Ban Tuyên giáo Đảng ủy Bộ Công Thương.
Về phía Tổng công ty VEAM có ông Ngô Khải Hoàn - Chủ tịch HĐQT; ông Mai Mạnh Dũng - Phó Bí thư Đảng ủy VEAM; ông Nguyễn Hoàng Giang – Ủy viên BCH Đảng ủy, Tổng giám đốc cùng 140 đảng viên cùng tham dự sự kiện đầy ý nghĩa này.
Sáng 4/1, điểm đến đầu tiên trong hành trình về nguồn của Đảng bộ Tổng công ty VEAM là đoàn đã đến Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ. Bảo tàng có kiến trúc hiện đại, hình dáng bên ngoài thiết kế theo hình chiếc mũ nan phủ lưới ngụy trang cùng với hệ thống nan bê tông, cốt thép tạo hình quả trám, tượng trưng cho chiếc áo trấn thủ của chiến sĩ Điện Biên năm xưa. Đây là công trình văn hóa, lưu giữ hàng nghìn tài liệu, hiện vật gắn liền với Chiến thắng Điện Biên Phủ "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ, công trình văn hóa, lưu giữ hàng nghìn tài liệu, hiện vật gắn liền với Chiến thắng Điện Biên Phủ "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
Điểm nhấn đặc biệt trong Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là toàn bộ không gian nằm giữa trung tâm của bảo tàng, với diện tích 4.500 m² dành riêng để thực hiện bức tranh Panorama, tái hiện lại Chiến dịch Điện Biên Phủ. Bức tranh đã tái hiện một cách trọn vẹn, liền mạch các trận đánh tiêu biểu theo diễn biến của Chiến dịch Điện Biên Phủ, tạo cho người xem một góc nhìn đầy đủ, trực quan và sinh động, bố cục theo 4 trường đoạn: “Toàn dân ra trận”; “Khúc dạo đầu hùng tráng”; “Cuộc đối đầu lịch sử” và “ Khúc khải hoàn mừng chiến thắng”.
Sau khi thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đoàn đã tổ chức dâng hương tại nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ. Nghĩa trang liệt sĩ A1 (còn có tên là nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên), nằm cách chân Đồi A1 vài trăm mét, nơi đã diễn ra trận đánh quyết liệt cách đây 70 năm trong chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), thuộc đường Võ Nguyên Giáp, phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ. Được xây dựng năm 1958, sau 2 lần quy hoạch, đầu tư sửa chữa, nâng cấp, mở rộng (vào các năm 1993, 2013), Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia A1 trở thành công trình văn hóa - lịch sử, hội tụ tính trang nghiêm, bền vững, thẩm mỹ, có kiến trúc và quy mô hợp lý, phù hợp với tầm vóc của Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Đây là nơi an nghỉ của 645 Anh hùng, Liệt sĩ hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đảng bộ cơ quan Tổng công ty VEAM đến dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ A1 (còn có tên là nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên)
Đoàn Đảng bộ cơ quan Tổng công ty VEAM cũng dành thời gian tham quan đồi A1, được tận mắt chứng kiến những dấu tích còn sót lại của trận đánh ác liệt năm xưa, như: Hố bộc phá tạo ra từ khối thuốc nổ ngàn cân làm lung lạc ý chí của kẻ thù; hầm chỉ huy cứ điểm, hầm đại liên trên đỉnh đồi, lô cốt cây đa cụt và hệ thống lô cốt của quân Pháp từng được coi là “bất khả xâm phạm”… Mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong chiến thắng lịch sử Chiến dịch Điện Biên Phủ, từ sau ngày giải phóng, đồi A1 đã trở thành một trong những di tích của Quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ.
Đoàn Đảng bộ cơ quan Tổng công ty VEAM cũng dành thời gian tham quan đồi A1, được tận mắt chứng kiến những dấu tích còn sót lại của trận đánh ác liệt năm xưa
Từ cứ điểm A1, đi qua cầu Mường Thanh, sẽ tới hầm Đờ Cát. Hầm được thiết kế xây dựng bằng những vật liệu vững chắc nhất lúc bấy giờ, có khả năng chống chọi với nhiều loại hỏa lực. Vì là cơ quan đầu não nên hầm Đờ Cát được xây dựng với công sự kiên cố. Căn hầm được ví là “trái tim”, “linh hồn” của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, quân dân Việt Nam đã chiến đấu ngoan cường 55 ngày đêm mới có thể hạ được hầm này. Vào lúc 17h30 ngày 7/5/1954, Tạ Quốc Luật, chỉ huy trưởng đại đội 360, trung đoàn 209, sư đoàn 312 đã bắt sống tướng Đờ Cát tại bàn làm việc. Và cờ quyết chiến, quyết thắng đã được cắm trên nóc hầm Đờ Cát, đánh dấu sự thất bại của thực dân Pháp ở Điện Biên và Việt Nam.
Sáng 5/1, đoàn tổ chức thăm Mường Phăng, Khu di tích lịch sử Mường Phăng (xã Mường Phăng, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) là nơi đặt Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Sáng 5/1, đoàn tổ chức thăm Mường Phăng. Khu di tích lịch sử Mường Phăng (xã Mường Phăng, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) là nơi đặt Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tại đây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Bộ chỉ huy chiến dịch đã đưa ra những chỉ thị, mệnh lệnh tấn công có tính chất quyết định, mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954.
Được biết, hành trình về nguồn đầy ý nghĩa này của Đảng bộ VEAM được tổ chức nhằm tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Hành trình về nguồn giúp hun đúc thêm lòng tự hào dân tộc, lòng biết ơn các chiến sĩ, gia đình, người có công với Tổ quốc và tăng cường tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng cũng như giáo dục tư tưởng, chính trị cho toàn thể đảng viên.
Đây là dịp để các đảng viên Đảng bộ cơ quan Tổng công ty VEAM tìm hiểu các di tích lịch sử nhằm nâng cao nhận thức về những truyền thống vẻ vang của dân tộc, hiểu rõ hơn về lòng yêu nước và có thêm động lực để rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, bồi đắp niềm tự hào về Đảng, hun đúc thêm tình yêu quê hương, đất nước và lòng tự hào dân tộc.
Các đảng viên sau khi tham gia chuyến về nguồn sẽ nỗ lực hơn nữa trong hành trình đưa doanh nghiệp ngày càng phát triển, đóng góp cho quá trình phát triển kinh tế xã hội đất nước. Đợt sinh hoạt chính trị cũng góp phần khơi dậy niềm tự hào, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng; tạo không khí phấn khởi, đoàn kết, tự tin, quyết tâm của Đảng bộ. Phát huy vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt về tư tưởng chỉ đạo, những chủ trương, quyết sách mới để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới; nâng cao chất lượng việc học tập chỉ thị, nghị quyết, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng; bảo vệ hình ảnh, uy tín của Đảng và đất nước.
Hưng Nguyên