Đảng Cộng sản Việt Nam: 95 năm- Những dấu mốc tự hào

Đảng Cộng sản Việt Nam: 95 năm- Những dấu mốc tự hào
4 giờ trướcBài gốc
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời- bước ngoặt trọng đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam
Từ ngày 06/01-07/02/1930, tại bán đảo Cửu Long gần Hương Cảng (thuộc Hồng Kông, Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc với tư cách là phái viên thay mặt cho Quốc tế Cộng sản đã triệu tập và chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản. Hội nghị đã nhất trí thống nhất các tổ chức cộng sản thành lập một đảng, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam.
Từ ngày 6/1-7/2/1930, Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam được tổ chức tại Hong Kong (Trung Quốc) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc thay mặt cho Quốc tế Cộng sản. Ảnh: Tranh tư liệu/TTXVN
Theo nhìn nhận của các nhà nghiên cứu, sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam là một bước ngoặt vô cùng quan trọng của lịch sử cách mạng Việt Nam, quyết định sự phát triển của dân tộc, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối và tổ chức lãnh đạo của phong trào yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX.
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời với Cương lĩnh chính trị đầu tiên đã mở ra thời kì mới cho cách mạng Việt Nam - thời kì đấu tranh giành độc lập dân tộc tiến lên chủ nghĩa xã hội. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng ra đời, đã xác định được những nội dung cơ bản nhất của con đường cách mạng Việt Nam; đáp ứng được những nhu cầu bức thiết của lịch sử và trở thành ngọn cờ tập hợp, đoàn kết thống nhất các tổ chức cộng sản, các lực lượng cách mạng và toàn thể dân tộc.
Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập là một bước tiến trong sự phát triển của dân tộc ta, tạo những tiền đề và nhân tố hàng đầu quyết định đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Đảng lãnh đạo đấu tranh giành chính quyền cách mạng, khai sinh Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Ngay sau khi ra đời, Đảng ta đã quy tụ các tầng lớp nhân dân đứng lên đấu tranh, tạo nên 3 cao trào cách mạng, từ đó đưa đến thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc. Ảnh tư liệu
Trước hết là cao trào cách mạng 1930 - 1931 mà đỉnh cao là phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh, làm rung chuyển chế độ thống trị của đế quốc Pháp và tay sai được xem là cuộc tổng diễn tập đầu tiên chuẩn bị cho cách mạng tháng Tám.
Tiếp đó là cao trào cách mạng đòi dân sinh, dân chủ (1936 – 1939), cuộc tổng diễn tập thứ 2 chuẩn bị cho cách mạng tháng Tám, giác ngộ hàng triệu quần chúng thuộc các giai cấp, tầng lớp khác nhau; tạo ra thế và lực mới cho phong trào cách mạng tiếp theo; uy tín của Đảng lan rộng và thấm sâu vào các tầng lớp quần chúng nhân dân, xây dựng được lực lượng chính trị đông đảo.
Đặc biệt, cao trào cách mạng giải phóng dân tộc (1939 - 1945) đã là cuộc diễn tập thứ ba trực tiếp dẫn đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám. Rất nhiều quyết định hết sức sáng suốt kịp thời đã được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Đảng ta cho ra đời trong thời kỳ này. Đó là việc: Ngay khi chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ (tháng 9/1939), Trung ương Đảng đã họp Hội nghị lần thứ 6 (tháng 11/1939) để điều chỉnh chiến lược cách mạng với nội dung: Đặt nhiệm vụ chống đế quốc và tay sai, giành độc lập dân tộc lên hàng đầu. Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương, nhằm thu hút tất cả các dân tộc, giai cấp, đảng phái, tôn giáo và các cá nhân yêu nước để đánh đổ đế quốc và tay sai, dành độc lập hoàn toàn cho các dân tộc ở Đông Dương.
Một sự kiện quan trọng trong cao trào cách mạng giai đoạn 1939-1945 là việc tháng 5/1941, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 đã họp tại Pắc Bó (Cao Bằng), do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp chủ trì. Hội nghị chủ trương giải quyết vấn đề dân tộc trong khuôn khổ mỗi nước Đông Dương và chủ trương thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất ở mỗi nước.
Sau khi có chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, Đảng khẩn trương chỉ đạo chuẩn bị lực lượng mọi mặt, trước hết là xây dựng các đoàn thể Việt Minh trên toàn quốc. Đảng công bố Đề cương văn hóa Việt Nam. Hội Văn hóa cứu quốc ra đời, tập hợp các văn nghệ sĩ yêu nước vào Mặt trận Dân tộc Thống nhất. Từ các đội tự vệ ở Cao Bằng, ngày 22/12/1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chỉ thị cho thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân…
Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, Đảng ra bản Chỉ thị lịch sử: “Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” (12/3/1945) phát động phong trào kháng Nhật cứu nước trên toàn quốc. Khởi nghĩa từng phần nổ ra ở nhiều địa phương, các chiến khu, căn cứ địa được đẩy mạnh xây dựng.
Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (từ ngày 14 đến 15/8/1945) đã kêu gọi toàn dân đứng lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Ngày 16/8/1945, cũng tại Tân Trào, Đại hội Quốc dân được triệu tập, tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa của Đảng, bầu Ủy ban Dân tộc Giải phóng do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, 25 triệu đồng bào ta, với tinh thần “đem sức ta mà giải phóng cho ta”, đã nhất tề vùng lên giành chính quyền trong 15 ngày (từ ngày 14- 28/8/1945), chấm dứt sự thống trị gần trăm năm của thực dân và hàng ngàn năm của phong kiến, thiết lập nền dân chủ cộng hòa.
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội lịch sử, trước cuộc mít tinh của gần một triệu đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
Như vậy, chỉ 15 năm sau ngày thành lập Đảng, khi đó chỉ với 5.000 đảng viên, với 20 triệu dân, Đảng đã động viên nhân dân cả nước giành thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng Tám. “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”- Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định.
Đảng lãnh đạo kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi
Tháng 12/1946, trước dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa của thực dân Pháp, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động toàn quốc kháng chiến với quyết tâm: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”. Đảng xác định đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ và dựa vào sức mình là chính.
17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, bộ đội Việt Nam vẫy lá cờ chiến thắng trên nóc hầm của chỉ huy lực lượng Pháp, tướng De Castries. Ảnh tư liệu
Đường lối kháng chiến đúng đắn của Đảng đã nhanh chóng tạo nên thế trận chiến tranh nhân dân. Chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông 1947, chẳng những giữ vững và phát triển căn cứ địa kháng chiến, mà còn làm phá sản chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh của thực dân Pháp”.
Trên cơ sở thế và lực được nâng lên, Thu - Đông 1950, Đảng ta chủ động mở Chiến dịch Biên giới phá tan vòng vây của chủ nghĩa đế quốc, giải phóng đất đai, mở rộng căn cứ địa Việt Bắc. Cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện ngày càng phát triển, đẩy thực dân Pháp và can thiệp Mỹ vào thế bị động, lúng túng.
Tháng 9/1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định thông qua kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954, giữ vững quyền chủ động đánh địch trên cả hai mặt trận chính diện và sau lưng, phối hợp trên phạm vi cả nước và phối hợp trên toàn Đông Dương nhằm phá tan kế hoạch Navarre của địch.
Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Qua 56 ngày đêm anh dũng chiến đấu, từ ngày 13/3 đến 7/5/1954, quân và dân ta đã tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, buộc Chính phủ Pháp phải ký kết Hiệp định Giơnevơ chấm dứt sự thống trị của thực dân Pháp ở nước ta. Đánh giá về ý nghĩa của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh. Đó là thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là một thắng lợi của các lực lượng hòa bình, dân chủ và xã hội chủ nghĩa trên thế giới”.
Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975
Sau khi Hiệp định Geneva về lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, trước ý đồ thay thế Pháp, xâm lược miền Nam Việt Nam của đế quốc Mỹ, tháng 7/1954, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 6, Đảng ta đã sớm xác định: kẻ thù chính của nhân dân thế giới và đang trở thành kẻ thù chính, trực tiếp của nhân dân Đông Dương là đế quốc Mỹ.
Nhân dân Sài Gòn đón chào Quân giải phóng chiếm phủ tổng thống ngụy, trưa 30/4/1975. Ảnh tư liệu
Tháng 1/1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp Hội nghị lần thứ 15 và sau đó ra Nghị quyết 15 xác định những vấn đề cơ bản của đường lối cách mạng miền Nam, chỉ rõ: con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân;ngoài ra không có con đường nào khác. Chủ trương đúng đắn đó của Đảng đã tạo ra "làn gió mới", khí thế mới, trở thành động lực thúc đẩy cách mạng miền nam vững bước tiến lên. Mở đầu là phong trào Đồng khởi vào cuối năm 1959, sau đó nhanh chóng phát triển thành cao trào Đồng khởi trên khắp miền nam. Thắng lợi của phong trào Đồng khởi đã tạo bước ngoặt, đưa cách mạng miền nam chuyển từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công.
Việc thực hiện Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 15 (khóa II) và Nghị quyết Đại hội lần thứ III (năm 1960) của Đảng, cách mạng miền Nam chuyển từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công. Kết quả là ta đã làm thất bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ. Nghị quyết Trung ương lần thứ 14 (khóa III) đã chỉ đạo thành công cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, làm phá sản chiến lược "Chiến tranh cục bộ" của chúng. Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng năm 1973 đã chỉ đạo cuộc phản công chiến lược giành thắng lợi. Đặc biệt, Hội nghị Bộ Chính trị, tháng 10-1974 và đầu năm 1975 đã kịp thời đánh giá đúng so sánh lực lượng giữa địch và ta, vạch rõ sự xuất hiện của thời cơ lịch sử, thông qua kế hoạch và hạ quyết tâm chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam. Thực hiện quyết tâm đó, quân và dân ta đã thực hành Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 toàn thắng.
Báo cáo Chính trị tại Đại hội lần thứ IV của Đảng (tháng 12/1976) đã khẳng định: "Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thành quả tổng hợp của một loạt nhân tố tạo nên sức mạnh vô địch của cách mạng Việt Nam. Nguồn gốc của mọi nhân tố ấy chính là sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng ta", mà "trước hết là thắng lợi của đường lối chính trị, đường lối quân sự độc lập, tự chủ, đúng đắn và sáng tạo của Đảng".
Đảng lãnh đạo, thành công sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước
Trên cơ sở đánh giá tình hình đất nước và qua quá trình tìm tòi, khảo nghiệm, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng họp từ ngày 15 đến 18/12/1986 tại Hà Nội, đã hoạch định đường lối Đổi mới và mở đầu quá trình Đảng lãnh đạo công cuộc Đổi mới ở Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương đổi mới cơ cấu kinh tế, thực hiện cơ cấu kinh tế nhiều thành phần dựa trên thực tiễn của đất nước, khẳng định quyết tâm đổi mới cơ chế quản lý, dứt khoát xóa bỏ cơ chế tập trung, quan liêu bao cấp, chuyển hẳn sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, kết hợp kế hoạch với thị trường.
Một góc trung tâm quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh - đầu tàu kinh tế của cả nước. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN
Như nhìn nhận của PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), lãnh đạo công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước tập trung vào những lĩnh vực trọng yếu. Đó là đổi mới triệt để cơ chế quản lý và các chính sách kinh tế. Điểm căn bản là chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, hành chính, bao cấp, kinh tế hiện vật, khép kín sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa (gọi tắt là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa). Đảng chủ trương xây dựng kinh tế tri thức, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển chiến lược khoa học, công nghệ để sớm đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
GS.TS Mạch Quang Thắng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cũng khẳng định, đây là bước ngoặt lớn trong tư duy lãnh đạo. Đổi mới đã khơi dậy sức mạnh toàn dân, giải phóng sức lao động và đưa đến những thành công, thành tựu của ngày nay.
Với những chủ trương, quyết sách đúng đăn, Đảng đã đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội (1996), nền kinh tế phát triển vững chắc vượt qua tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ của khu vực (1997-2000), hạn chế thấp nhất ảnh hưởng xấu của khủng hoảng, suy thoái kinh tế toàn cầu từ năm 2008.
Đến nay, sau gần 40 năm đổi mới, từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, Việt Nam đã chuyển sang cơ chế thị trường, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.
Từ một nước nông nghiệp, lạc hậu, nghèo nàn, quy mô nền kinh tế nhỏ bé, Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp, trở thành một điểm sáng về sự ổn định, phục hồi và phát triển kinh tế. Những thành tựu đó đã mang lại cuộc sống “ấm no, hạnh phúc” cho người dân và càng củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng.
Sau gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Việt Nam đang ở một giai đoạn phát triển hết sức quan trọng; cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước được nâng lên, là tiền đề quan trọng để tiếp tục xây dựng, phát triển đất nước, thực hiện thắng lợi mục tiêu 100 năm thành lập Đảng, qua đó tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện thành công mục tiêu 100 năm thành lập nước, để đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới của hòa bình, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội” - PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh tại Hội thảo khoa học: “Những thành tựu lý luận và kết quả vận dụng về lĩnh vực kinh tế của Đảng Cộng sản Việt Nam qua gần 40 năm đổi mới”.
Nguyễn Hà
Nguồn Công Luận : https://congluan.vn/dang-cong-san-viet-nam-95-nam-nhung-dau-moc-tu-hao-post332698.html