AI Pháp luật có thể giúp người dùng giải đáp các vấn đề pháp lý ở 32 lĩnh vực.
Cập nhật chỉ mất vài giây
Cuối tháng 6/2025, chị Nguyễn Thị Bảo Quỳnh (28 tuổi, Cầu Giấy - Hà Nội) mở điện thoại và truy cập vào địa chỉ phapluat.gov.vn – Cổng Pháp luật quốc gia. Chị chuẩn bị làm thủ tục đăng ký kết hôn với bạn trai sau nhiều năm yêu nhau.
Trước đây, chị từng nghe nói phải về quê ở Vĩnh Bảo - Hải Phòng xin giấy xác nhận tình trạng hôn nhân bản giấy, mới được nộp hồ sơ. Nhưng lần này, khi chị gõ câu hỏi vào mục AI Pháp luật, hệ thống nhanh chóng phản hồi.
“Theo quy định tại Nghị định số 87/2025/NĐ-CP, công dân đã có tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trên VNeID và không có thay đổi về tình trạng hôn nhân trong 6 tháng gần nhất, không cần nộp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân bản giấy khi đăng ký kết hôn trực tuyến”.
Chị Quỳnh thở phào nhẹ nhõm. Chỉ với vài thao tác đơn giản, chị đã nắm rõ quy trình, chuẩn bị hồ sơ đầy đủ và đặt lịch hẹn nộp trực tuyến. Không cần xếp hàng, không cần in giấy tờ, không cần đi lại nhiều lần. Chị nói có trải nghiệm pháp lý số hóa, thân thiện và hiệu quả.
Ông Hoàng Văn Hùng (52 tuổi, Bảo Thắng - Lào Cai) muốn làm thủ tục chuyển nhượng một phần đất nông nghiệp của gia đình cho con trai để thuận tiện quản lý. Hai lần chuyển nhượng đất trước đây, ông đều phải lui tới UBND xã hỏi từng bước, rồi lên huyện xin mẫu đơn, mất nhiều thời gian, công sức đi lại.
Lần này, được con cháu hướng dẫn, ông truy cập vào địa chỉ phapluat.gov.vn – Cổng Pháp luật quốc gia và sử dụng tính năng AI Pháp luật. Ông Hùng gõ câu hỏi: “Thủ tục chuyển nhượng đất nông nghiệp năm 2025 cần những giấy tờ gì”.
Chỉ sau vài giây, hệ thống phản hồi rõ ràng: Người chuyển nhượng và người nhận chuyển nhượng phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hợp đồng chuyển nhượng có công chứng, giấy tờ tùy thân, và xác nhận không có tranh chấp. AI còn dẫn liên kết đến các điều khoản cụ thể trong Luật Đất đai 2024 và Nghị định 87/2025/NĐ-CP, giúp ông Hùng dễ dàng kiểm chứng thông tin.
Câu chuyện của chị Quỳnh, ông Hùng là hai trong hàng chục nghìn trường hợp nhận được tư vấn miễn phí từ chatbot AI Pháp luật tại Cổng Pháp luật quốc gia.
"Điều này phản ánh xu hướng đang lan rộng trong cách người dân tiếp cận pháp luật theo cách số hóa, tự chủ và nhanh chóng, dưới sự dẫn dắt âm thầm nhưng mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo.
Công nghệ đang từng bước đưa pháp luật đến gần hơn với người dân, giúp họ hiểu, thực hiện và tiến tới là giám sát thực thi pháp luật một cách chủ động, dễ dàng và hiệu quả", luật sư Đào Thị Bích Hường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đánh giá khi trao đổi với VietTimes.
Hơn 80% người dùng "rất hài lòng"
Chính thức vận hành từ ngày 31/5/2025, Cổng Pháp luật quốc gia là nền tảng pháp lý số do Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng, với sự phối hợp của nhiều bộ, ngành và doanh nghiệp công nghệ. Đây là một trong những hoạt động cụ thể nhằm đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật trong kỷ nguyên số.
AI Pháp luật hiện hỗ trợ giải đáp trong 33 lĩnh vực, hỗ trợ cả người dân ở vùng sâu, vùng xa tiếp cận pháp luật một cách bình đẳng.
Theo thống kê của Bộ Tư pháp, chỉ sau hơn 1 tháng hoạt động, Cổng đã ghi nhận hơn 74.000 lượt truy cập, tiếp nhận 160 phản ánh chính sách từ người dân và doanh nghiệp. Trong số đó, 37 phản ánh đã được xử lý, 123 phản ánh đang được giải quyết. Tỷ lệ hài lòng đạt 91,6%, trong đó 83,3% người dùng đánh giá là “rất hài lòng”. Những con số này cho thấy nhu cầu tiếp cận pháp luật một cách minh bạch, nhanh chóng và hiệu quả đang ngày càng lớn trong xã hội.
Một trong những tính năng nổi bật nhất của Cổng là AI Pháp luật, trợ lý pháp lý ảo được huấn luyện từ hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam. AI Pháp luật hiện hỗ trợ giải đáp trong 33 lĩnh vực, bao gồm hôn nhân - gia đình, đất đai - nhà ở, thuế, bảo hiểm, lao động, doanh nghiệp, đầu tư, hình sự, dân sự, hành chính, giáo dục, y tế, môi trường, giao thông, sở hữu trí tuệ, chứng khoán, xuất nhập khẩu và nhiều lĩnh vực khác.
AI có khả năng trả lời tức thì, chính xác và có căn cứ pháp lý rõ ràng, liên kết đến điều, khoản cụ thể trong văn bản gốc. Cấu trúc trả lời được thiết kế tương tự như chuyên gia pháp lý, giao tiếp tự nhiên, dễ hiểu và dễ xác minh.
AI Pháp luật không chỉ là chatbot, mà là “trợ lý pháp lý ảo” có thể hoạt động 24/7, hỗ trợ cả người dân ở vùng sâu, vùng xa tiếp cận pháp luật một cách bình đẳng. AI này trả lời bằng ngôn ngữ tự nhiên, dễ hiểu và hỗ trợ tiếng Anh và tiến tới các ngôn ngữ khác để phục vụ cả người Việt ở nước ngoài và người dùng quốc tế.
“AI Pháp luật không chỉ là một chatbot đơn thuần, mà là một trợ lý pháp lý thực thụ, được huấn luyện từ hàng trăm nghìn văn bản pháp luật chính thống, cập nhật liên tục theo quy định mới nhất. AI có thể xử lý tốt các tình huống có tính toán công thức như tính mức phạt, thời gian nghỉ thai sản, thời hiệu khởi kiện… và hỗ trợ đa ngôn ngữ, hoạt động 24/7”, lãnh đạo Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý – cơ quan chủ quản của Cổng, trao đổi với VietTimes.
Ngoài AI Pháp luật, Cổng còn tích hợp nhiều tiện ích hiện đại như phản ánh – kiến nghị chính sách, tra cứu văn bản pháp luật, lấy ý kiến dự thảo văn bản, hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp và trợ giúp pháp lý cho người yếu thế. Người dân có thể gửi phản ánh về mâu thuẫn, chồng chéo trong văn bản pháp luật, và các phản ánh này sẽ được chuyển đến cơ quan chủ trì soạn thảo để trả lời công khai trên nền tảng số.
Những việc này giúp minh bạch hóa quá trình xây dựng và thực thi pháp luật, đồng thời tạo điều kiện để người dân tham gia vào quá trình hoạch định chính sách.
Một số lưu ý khi đặt câu hỏi để khai thác AI Pháp luật hiệu quả. Video: Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý.
Để sử dụng AI Pháp luật, người dùng chỉ cần truy cập phapluat.gov.vn, chọn mục AI Pháp luật và gõ câu hỏi vào khung chat. Ví dụ: “Tôi cần làm gì để đăng ký kết hôn online?”; “Thủ tục chuyển nhượng đất nông nghiệp năm 2025?” hoặc “Mức phạt khi không đội mũ bảo hiểm là bao nhiêu?” AI sẽ trả lời tức thì, có liên kết đến văn bản pháp luật gốc để người dùng kiểm chứng.
Mặc dù được người dân ghi nhận, chatbot AI pháp luật vẫn thiếu khả năng tư duy phản biện và sáng tạo. Chatbot AI pháp luật chưa thể đưa ra những lập luận sắc bén như luật, chưa giải quyết những tình huống pháp lý phức tạp.
Cùng với đó, AI Pháp luật cũng gặp phải khó khăn trong việc hiểu và đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đặc biệt là trong những tình huống khó, nhạy cảm.
Theo Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý, AI pháp luật chưa thể huấn luyện được hết nguồn cơ sở dữ liệu văn bản pháp luật rất lớn tại Việt Nam. Trong thời gian tới, Cổng sẽ tiếp tục được nâng cấp với nhiều tính năng hiện đại hơn, tích hợp AI nhận diện giọng nói, hỗ trợ người khiếm thị, và mở rộng sang ứng dụng di động.