Tỷ phú Elon Musk chính thức tuyên bố thành lập một chính đảng mới mang tên America Party. (Nguồn: X)
Trước đó, ông Musk từng tuyên bố rằng nếu đạo luật ngân sách “Một dự luật vĩ đại và đẹp đẽ” (One Big Beautiful Bill - OBBBA) do Tổng thống Donald Trump khởi xướng được thông qua, ông sẽ lập tức thành lập đảng mới và “phế truất” những nghị sĩ bỏ phiếu ủng hộ.
Trên nền tảng X, tỷ phú Musk viết: “Với tỷ lệ 2 chọi 1, các bạn muốn có một chính đảng mới và các bạn sẽ có nó!” Cuộc khảo sát trực tuyến do chính ông Musk phát động đã thu hút hơn 1,2 triệu người tham gia, với 65,4% ủng hộ ý tưởng lập đảng mới.
Tuyên bố của ông Musk được đưa ra chỉ vài giờ sau khi dự luật gây tranh cãi này được Quốc hội thông qua – điều mà ông coi là phản bội các nguyên tắc cải cách. Sự ra đời của America Party thách thức hệ thống lưỡng đảng vốn chi phối nền chính trị Mỹ gần hai thế kỷ. Bài viết này phân tích lịch sử các đảng thứ ba, bối cảnh đề xuất của Elon Musk và triển vọng thành công của America Party.
Lịch sử các đảng thứ ba ở Mỹ
Trong gần 200 năm qua, nền chính trị Mỹ được dẫn dắt bởi hai thế lực chính: Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa. Tuy vậy, nhiều đảng thứ ba đã từng xuất hiện, để lại những dấu ấn đáng kể:
- Đảng Tiến bộ (thành lập năm 1912) do cựu Tổng thống Theodore Roosevelt sáng lập đã giành được 27% phiếu phổ thông, đứng thứ hai trong cuộc bầu cử năm đó.
- Đảng Xã hội: do Eugene Debs lãnh đạo năm 1912 giành được khoảng 6% phiếu phổ thông, tập trung vào quyền lợi người lao động.
- Đảng Cải cách (thành lập năm 1995) của tỷ phú Ross Perot, người từng tranh cử với tư cách độc lập năm 1992 và giành gần 19% phiếu bầu, mức cao nhất kể từ năm 1912. Điều thú vị là chính sự tham gia của Perot đã làm Ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa Bush cha mất phiếu, và ghế Tổng thống "rơi" vào tay Thống đốc bang "tỉnh lẻ" Arkansas Bill Clinton.
Tuy nhiên, hệ thống bầu cử theo nguyên tắc “được ăn cả, ngã về không” (the winner takes it all) cùng với các rào cản pháp lý phức tạp đã khiến các đảng thứ ba này không tồn tại được lâu dài và ít có cơ hội cạnh tranh sòng phẳng ở cấp độ liên bang với 2 đảng chính.
Câu chuyện “liên đảng ngầm”
Cuộc bầu cử Tổng thống tháng 11/2024 và thực tế chính trị đến giữa năm 2025, nước Mỹ bước vào giai đoạn phân cực chính trị sâu sắc. Đảng Dân chủ và Cộng hòa chia rẽ và đối đầu quyết liệt trong hầu hết các vấn đề trọng đại của quốc gia. Các đạo luật chỉ được thông qua với tỷ lệ phiếu sít sao, như trường hợp dự luật “Một dự luật vĩ đại và đẹp đẽ” vừa được Tổng thống Trump ký thành luật chỉ được thông qua tại Thượng viện nhờ một phiếu quyết định của Phó Tổng thống JD Vance (tỷ lệ 51–50), và ở Hạ viện với cách biệt chỉ 4 phiếu (218–214).
Tỷ phú Elon Musk gọi tình trạng hiện tại là một “liên đảng ngầm” (Uniparty) – thực chất hai đảng lớn đang vận hành theo cùng một mô thức: Duy trì bộ máy nhà nước đồ sộ, chi tiêu không kiểm soát, nợ công phình to mà không có giải pháp lâu dài. Theo ông Musk, dù mang danh đối lập, cả hai đảng đều góp phần đưa nước Mỹ đến nguy cơ phá sản tài khóa. Ông Musk cho rằng sự sụp đổ của đế chế La Mã và hầu hết các đế chế, đế quốc sau này đều bắt nguồn từ sự sụp đổ tài chính. Việc tăng chi tiêu và phình nợ công là một trong những lý do dẫn đến sự mâu thuẫn giữa tỷ phú Musk với nhóm của Tổng thống Trump hiện nay.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội, ông Musk chỉ trích: “Không có đảng nào giải quyết được vấn đề nợ. Đó chỉ là một cỗ máy trục lợi khổng lồ.” Câu nói này thể hiện quan điểm rằng hệ thống hiện tại không còn đại diện cho lợi ích người dân, mà chỉ phục vụ tầng lớp đặc quyền.
Tỷ phú Elon Musk được cho là đã quyên góp số tiền lớn trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump. (Nguồn: Getty Images)
Chiến lược America Party
Chiến lược của tỷ phú Elon Musk với America Party không nhằm vào chiếc ghế tổng thống mà hướng tới việc tạo ra đòn bẩy chính sách thông qua quyền kiểm soát có chọn lọc một số ghế chiến lược trong Quốc hội Mỹ. Mục tiêu là tác động trực tiếp đến tiến trình lập pháp bằng cách tập trung vào các điểm then chốt - cụ thể là 2 - 3 ghế Thượng viện và 8 - 10 ghế Hạ viện thuộc nhóm cạnh tranh sát nút, nơi chỉ cần lệch vài phiếu là có thể xoay chuyển cán cân quyền lực. Trong bối cảnh hệ thống bầu cử "first-past-the-post" FPTP (người về nhất thắng) khiến các đảng nhỏ thường bị loại bỏ, ông Musk lại tin rằng một đảng mới, nếu được tổ chức chặt chẽ, có thông điệp rõ ràng và năng lực tài chính - truyền thông mạnh, hoàn toàn có thể phá vỡ thế độc quyền lưỡng đảng đã tồn tại gần 200 năm qua. Ba trụ cột tạo nên chiến lược của tỷ phú Elon Musk gồm:
Thứ nhất, không chạy đua chi tiêu như hai đảng lớn, mà tập trung vào vài bang dao động có khả năng tạo hiệu ứng bùng nổ.
Thứ hai, không cần đa số tuyệt đối mà chỉ cần đủ lực để gây ảnh hưởng - tương tự cách Epaminondas đập tan đội hình Sparta tại Leuctra bằng cách dồn toàn lực vào một điểm yếu chiến lược.
Thứ ba, xây dựng cương lĩnh cải cách gây tiếng vang: Phục hồi quyền tự do ngôn luận, tinh giản bộ máy hành chính, đổi mới công nghệ, cắt giảm chi tiêu và nợ công, hạn chế can thiệp của chính phủ - những chủ đề dễ chạm vào cảm xúc của tầng lớp cử tri đang vỡ mộng với hệ thống cũ.
Cách tiếp cận này phù hợp với phong cách đã thành thương hiệu của Elon Musk - bất chấp lời can ngăn, ông từng thành công khi làm điều "không thể" với tên lửa và xe điện. “Họ từng bảo tôi đừng làm tên lửa, đừng làm xe điện, và giờ lại bảo tôi đừng làm chính trị”, Elon Musk tuyên bố.
Nhưng với America Party, ông không chỉ làm chính trị, mà còn muốn tái định nghĩa luật chơi. Cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2026 được ông xem là mặt trận đầu tiên để thử nghiệm chiến thuật mới: Đưa ứng viên ra tranh cử tại các ghế quốc hội và cấp bang, phá vỡ cấu trúc quyền lực cũ và buộc hai đảng lớn phải thay đổi cương lĩnh chính trị.
Điểm tựa và rào cản
Với việc thành lập đảng America Party, tỷ phú Musk có một số lợi thế nhất định: Thứ nhất, có ảnh hưởng cá nhân lớn: ông Musk là một trong những người nổi tiếng và quyền lực nhất thế giới, với trên 200 triệu người theo dõi trên mạng xã hội X, có khả năng khuấy động dư luận và thay đổi hành vi cử tri. Thứ hai, nguồn tài chính dồi dào: Là tỷ phú giàu nhất thế giới với tài sản trên 400 tỷ USD, ông Musk không phụ thuộc vào các nhà tài trợ truyền thống, có thể tự chi trả hoặc huy động từ mạng lưới ủng hộ rộng lớn. Thứ ba, lợi thế công nghệ truyền thông: Với nền tảng mạng xã hội riêng là X, Musk có thể truyền thông điệp trực tiếp đến hàng chục triệu người mà không cần thông qua báo chí dòng chính. Thứ tư, thị trường cử tri tiềm năng: Gần 30% người Mỹ hiện nay không nhận mình thuộc Dân chủ hay Cộng hòa, mở ra cơ hội cho một lựa chọn chính trị mới.
Tuy nhiên, khó khăn đối với Musk cũng không phải là nhỏ: Thứ nhất, cấu trúc hệ thống bầu cử bất lợi: Dù có tỷ lệ phiếu phổ thông cao, ứng viên đảng thứ ba vẫn khó giành được phiếu đại cử tri vì luật chơi "người chiến thắng giành tất cả” (the winner takes it all) ở từng bang. Thứ hai, yêu cầu pháp lý phức tạp: Mỗi bang có luật lệ riêng về việc đưa tên ứng viên lên lá phiếu, đòi hỏi tổ chức và tài chính lớn. Thứ ba, bị truyền thông dòng chính xem nhẹ: Các đảng thứ ba thường bị coi là “gây nhiễu” hoặc chỉ là công cụ gây chia rẽ. Thứ tư, thiếu nền tảng tổ chức: Không có mạng lưới tổ chức cấp cơ sở và nhân lực chính trị chuyên nghiệp như hai đảng lớn.
Tuy vậy, ông Elon Musk không nhất thiết phải thắng cử tổng thống để đạt được mục tiêu. Nếu kiểm soát được một nhóm nhỏ trong Quốc hội, đặc biệt là Hạ viện, có vai trò “cân bằng lực lượng”, ông Musk vẫn có thể tạo ảnh hưởng chính sách và chính trị sâu rộng.
Khả năng vượt thử thách
Từ việc sáng lập Tesla, SpaceX đến mua lại Twitter và đổi tên thành X, tỷ phú Elon Musk đã nhiều lần vượt qua định kiến và thất bại. Tuy nhiên, để thành công với America Party, ông Musk cần hội đủ các yếu tố:
Một là, tập trung chiến lược: Không nên dàn trải mà chỉ nhắm đến một số ghế then chốt có thể làm đòn bẩy , tạo “cán cân vàng.”
Hai là, tuyển chọn ứng viên chất lượng: Những người có uy tín, tri thức, và được xã hội tôn trọng như giới học giả, doanh nhân, chính trị gia, giáo dục...
Ba là, xây dựng thông điệp chung dễ lan tỏa: “Đặt người dân lên trên lợi ích đảng phái, chính sách quan trọng hơn chính trị.”
Bốn là, tránh cá nhân hóa phong trào: America Party không thể bị xem như “sân chơi chính trị” của riêng mình, mà cần định hình như một phong trào công dân độc lập.
Nếu làm được điều này, người giàu nhất thế giới Elon Musk mới hy vọng biến America Party thành một lực lượng chính trị thực thụ, làm thay đổi cách thiết kế và vận hành chính sách công tại Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng CEO Tesla Elon Musk và cậu con trai 4 tuổi X AE A-XII tại Phòng bầu dục của Nhà Trắng, ngày 11/2. (Nguồn: Getty Images)
Kết luận
America Party, nếu thành công, sẽ là lời phản biện mạnh mẽ nhất đối với hệ thống chính trị lưỡng đảng đã thống trị nước Mỹ trong gần hai thế kỷ. Sáng kiến kiến của tỷ phú Elon Musk là sự kết hợp giữa tinh thần cải cách, khả năng tổ chức, sức mạnh công nghệ và sự bất mãn xã hội.
Trong một kỷ nguyên phân cực sâu sắc và khủng hoảng niềm tin chính trị, một lực lượng mới có thể không cần chiếm đa số để định hình tương lai - chỉ cần đúng người, đúng lúc và đúng chiến lược. Và có lẽ, Elon Musk đang tính toán cho một ván cờ như thế.
Tuy nhiên, điều cần lưu ý là việc "sửa lỗi hệ thống" không giống như làm pin, xe điện hay tên lửa. Trước Elon Musk, các nhà phát minh tài năng như Thomas Edison, Nikola Tesla vẫn mãi mãi chỉ là các nhà khoa học, còn các tỷ phú như John Rockelfeller, Andrew Carnegie hay Bill Gates lại học cách không can dự vào chính trị vì họ hiểu chính trị là một lĩnh vực khác, một sân chơi khác cho những người có những năng lực thiên bẩm khác.
Hoàng Anh Tuấn