Các loại socola được bày bán tại cửa hàng ở Brussels, Bỉ. Ảnh: THX/TTXVN
Theo trang The Guardian (Anh), cacao – nguyên liệu chính trong ngành sản xuất socola – là một trong sáu mặt hàng thiết yếu mà Liên minh châu Âu (EU) chủ yếu nhập khẩu từ các quốc gia dễ bị tổn thương trước các mối đe dọa môi trường.
Theo tổ chức tư vấn Foresight Transitions (Anh), hơn 1/2 lượng cacao, cà phê, đậu nành, gạo, lúa mì và ngô nhập khẩu vào EU trong năm 2023 đến từ các nước có mức độ chuẩn bị kém trước biến đổi khí hậu. Đặc biệt, với cacao, lúa mì và ngô, khoảng 66% lượng hàng nhập khẩu có nguồn gốc từ các quốc gia đang trải qua mức độ suy giảm đa dạng sinh học nghiêm trọng.
Các nhà nghiên cứu cho rằng suy giảm đa dạng sinh học đang khiến hệ sinh thái nông nghiệp kém khả năng phục hồi, từ đó làm trầm trọng thêm hậu quả do biến đổi khí hậu gây ra.
Tác giả chính của báo cáo, bà Camilla Hyslop, nhấn mạnh: “Những mối đe dọa này không còn là lý thuyết. Chúng đang tác động trực tiếp đến doanh nghiệp, việc làm, giá cả và nguồn cung thực phẩm và tình hình đang xấu đi”.
Kết quả phân tích cho thấy phần lớn hàng hóa được nhập từ các quốc gia được xếp loại “trung bình đến thấp” cả về năng lực chống chịu khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học. Chẳng hạn, EU nhập khẩu đến 90% ngô từ các nước có mức độ thích ứng khí hậu thấp - trung bình và 67% từ những nước có mức độ đa dạng sinh học trung bình hoặc thấp.
Riêng đối với cacao – sản phẩm mà EU không thể tự trồng, mức độ rủi ro đặc biệt cao. Theo đó, EU nhập khẩu tới 96,5% cacao từ các quốc gia có mức độ sẵn sàng ứng phó khí hậu thấp - trung bình và 77% từ nơi có hệ sinh thái suy giảm.
Thêm vào đó, ngành socola cũng đang chịu áp lực từ giá đường tăng – một phần là do thời tiết cực đoan và thiếu hụt nguồn cung cacao, vốn chủ yếu đến từ các quốc gia Tây Phi. Những quốc gia này đang đồng thời đối mặt với các rủi ro chồng chéo về khí hậu và sinh thái.
Nông dân thu hoạch quả cacao tại Yogyakarta, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN
Báo cáo, do Quỹ Khí hậu châu Âu tài trợ, khuyến nghị các tập đoàn sản xuất socola lớn cần đầu tư nghiêm túc vào các chương trình thích ứng khí hậu và bảo tồn thiên nhiên tại những vùng trồng cacao. Theo báo cáo, đảm bảo giá thu mua hợp lý cho nông dân là chìa khóa để họ đầu tư vào khả năng phục hồi của chính trang trại mình.
Ông Paul Behrens, nhà nghiên cứu môi trường tại Đại học Oxford, nhận định báo cáo đã đưa ra “một bức tranh rất đáng lo ngại về mức độ bền vững của nguồn cung thực phẩm”. Theo ông, EU vẫn thường tự tin về an ninh lương thực do có khả năng tự sản xuất cao, nhưng kết quả này cho thấy khối vẫn đang phụ thuộc vào những chuỗi cung ứng dễ tổn thương.
Trong khi đó, một số mặt hàng như cà phê, gạo và đậu nành nhìn chung có mức độ rủi ro thấp hơn, nhưng vẫn tồn tại các điểm nóng đáng quan tâm. Ví dụ, Uganda – nơi cung cấp 10% cà phê cho EU năm 2023 – được đánh giá là có mức độ thích ứng khí hậu thấp và đa dạng sinh học đang bị suy giảm.
Ông Joseph Nkandu, người sáng lập một liên minh nông dân cà phê tại Uganda, kêu gọi mở rộng tiếp cận các nguồn tài chính quốc tế để hỗ trợ nông dân địa phương.
“Thời tiết giờ đây rất khó lường. Hạn hán kéo dài, mưa bất thường và các đợt nắng nóng đang phá hoại mùa màng”, ông nói.
Ông Marco Springmann, chuyên gia về hệ thống thực phẩm tại Đại học Oxford, nhấn mạnh cần phải chuyển đổi sang chế độ ăn uống lành mạnh và bền vững hơn để tăng khả năng chống chọi với các cú sốc khí hậu.
Hải Vân/Báo Tin tức và Dân tộc