Ong mật đang đối mặt với nhiều mối đe dọa sống còn (Nguồn: Phys.org)
Báo cáo toàn cầu nhân Ngày Ong Thế giới cảnh báo hệ lụy lớn đến an ninh lương thực, kêu gọi hành động khẩn cấp để bảo vệ. Theo các chuyên gia, số lượng động vật thụ phấn nói chung, loài ong mật nói riêng, suy giảm sẽ ảnh hưởng đến sản xuất lương thực toàn cầu.
Báo cáo cũng nêu rõ rằng gần 90% thực vật có hoa và 3/4 cây trồng chính trên thế giới phụ thuộc vào các loài động vật thụ phấn, trong khi số lượng ong mật đã giảm dần trong nhiều thập niên qua.
(Nguồn: Reading.ac.uk)
Thuốc trừ sâu, ô nhiễm ánh sáng ban đêm, khí thải từ giao thông, vi nhựa, cháy rừng, chiến tranh là các mối đe dọa hàng đầu với loài này. Biến đổi khí hậu cũng là một yếu tố quan trọng khác góp phần làm suy giảm quần thể ong hoang dã. Những thay đổi về nhiệt độ và kiểu thời tiết có thể ảnh hưởng đến thời điểm ra hoa, cũng như số lượng và chất lượng của mật hoa, phấn hoa. Từ đó, ảnh hưởng tiêu cực đến sự sinh trưởng và phát triển của quần thể ong mật.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết không quá muộn để cứu loài ong. Các giải pháp được đưa ra bao gồm: trồng thêm cây có phấn hoa, hạn chế thuốc trừ sâu độc hại, bảo vệ môi trường sống tự nhiên và ứng dụng công nghệ để giám sát sức khỏe của chúng.
Sự thật thú vị về ong mật:
- Ong mật là loài côn trùng duy nhất trên thế giới tạo ra thức ăn mà con người có thể ăn được.
- Một con ong thợ có thể ghé thăm tới 2.000 bông hoa trong một ngày.
- Ong mật có thể bay với tốc độ lên tới 15 dặm một giờ.
- Tuổi thọ trung bình của ong thợ chỉ là sáu tuần.
- Một đàn ong mật có thể chứa tới 60.000 con ong.
TRẦN THÚY